Đột phá trong quy hoạch, phát triển đô thị
Thời gian qua, cùng với việc chủ động đi trước trong công tác quy hoạch, thành phố Thái Nguyên tập trung xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền duyệt. |
Trên cơ sở Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo hoàn thành điều chỉnh địa giới hành chính, rà soát lập mới, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để có cơ sở quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, làm căn cứ để thu hút đầu tư. Tính riêng giai đoạn 2015-2020, TP Thái Nguyên đã bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực trong công tác lập, triển khai trên 100 đồ án quy hoạch đô thị, với tổng kinh phí lên đến 80 tỷ đồng. Nhờ đó, đến năm 2021, gần 50% diện tích đất nội thành đã được quy hoạch chi tiết. Phần lớn quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được triển khai cụ thể bằng các dự án phát triển đô thị, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực cho sự phát triển của thành phố. Điển hình là các hạng mục của hai dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc và Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP Thái Nguyên do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Ông Nguyễn Minh Chiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP Thái Nguyên cho biết: "Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực TP Thái Nguyên là một trong những dự án trọng điểm của thành phố. Sau khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân trong vùng dự án. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng, triển khai tại hiện trường cơ bản đáp ứng tiến độ".
Tính riêng giai đoạn 2015-2020, TP Thái Nguyên đã bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực trong công tác lập, triển khai trên 100 đồ án quy hoạch đô thị, với tổng kinh phí lên đến 80 tỷ đồng. |
Cùng với đó, TP Thái Nguyên tập trung kết nối quy hoạch nội vùng giữa khu vực phía Đông với phía Tây (Hồ Núi Cốc và trục sông Cầu); khu vực Nam - Bắc và quy hoạch kết nối với các huyện, thành giáp ranh. Mới đây, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên. Đây là chủ trương được nhân dân quan tâm và kỳ vọng sẽ góp phần định hình diện mạo đô thị mới của TP Thái Nguyên trong tương lai và rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng của thành phố.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên cho rằng: "Khi dự án triển khai ngoài việc thuận lợi cho người dân đi lại còn việc phát triển kinh tế, thông thương sẽ được nâng lên rõ rệt".
Ông Vũ Duy Phong, phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Đây là mong muốn của người dân nhiều năm nay, bộ mặt của thành phố cũng khang trang, sạch đẹp hơn và thuận tiện cho giao thông".
Trên 100.000 tỷ đồng được huy động từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước vào nhiều lĩnh vực nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã cho thấy hiệu quả từ công tác quy hoạch và phát triển đô thị của thành phố TP Thái Nguyên. Đây tiếp tục là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong nhiệm kỳ mới.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên cho biết: "Trong thời gian tới, TP Thái Nguyên sẽ tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung đô thị của TP Thái Nguyên, mở rộng không gian đô thị thành phố về 2 bên bờ sông Cầu với hệ thống kè thoát lũ, các cầu bắc qua sông Cầu, hệ thống đường gom, cầu vượt, nút giao khác mức, khuôn viên cây xanh, vườn hoa để tạo cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp và các khu đô thị, khu dân cư đồng bộ, hiện đại".
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh: "TP Thái Nguyên phát triển chính là cả tỉnh phát triển và việc phát triển TP Thái Nguyên ra 2 bên sông Cầu và hướng về phía Hồ Núi Cốc, Tam Đảo là 1 trong những chủ trương đúng để khai thác quỹ đất, thiên nhiên, cảnh quan".
Công tác quy hoạch đô thị đã khẳng định vai trò đi trước một bước, là cơ sở và nhân tố quan trọng để TP Thái Nguyên thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực phát triển đô thị nói riêng, phát triển kinh tế nói chung; đồng thời, ngày càng khẳng định vị thế đô thị trung tâm của tỉnh và vùng Trung du Miền núi phía Bắc./.