Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên. Dự hội nghị có đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành và các đơn vị của tỉnh. Hội nghị được Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên truyền hình trực tiếp trên kênh TN1, TN2.

Hiện thực hóa tư duy mới về quy hoạch, phát triển đô thị
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Nghị quyết 06 là nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về phát triển đô thị sau 35 năm đổi mới. Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mục tiêu đề ra. Nghị quyết 06 có sự đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quản lý đô thị, bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết này là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Từ mục tiêu tổng quát này, nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được chỉ rõ trong Nghị quyết, tiêu biểu như: Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Đến năm 2025, cả nước có khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 có khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030… Các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cũng được chỉ rõ trong Nghị quyết.

Tại Thái Nguyên - địa phương có tốc độ đô thị hóa khá cao, hiện có 14 đô thị, đều đã lập quy hoạch chung, trong đó có 3 đô thị cấp tỉnh là TP Thái Nguyên, TP Sông Công và TP Phổ Yên. Trong đó, TP Phổ Yên là 1 trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao với nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phổ Yên cho hay: "Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, TP Phổ Yên đã gắn với Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về chuyển đổi số năm 2025-2030, trong đó có xây dựng Phổ Yên trở thành thành phố thông minh. Do vậy, toàn bộ quá trình đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó kết cấu hạ tầng gắn với các loại dịch vụ của chuyển đổi số thì Phổ Yên đã tích hợp, đồng bộ từng bước triển khai, đặc biệt liên quan đến chất lượng đô thị và xây dựng khu đô thị mới; quan tâm đến việc gắn với kết cấu hạ tầng của chuyển đổi số để người dân được thụ hưởng thông qua việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, để đem lại điều kiện thuận lợi cho người dân khi tương tác và chính quyền có điều kiện phục vụ người dân tốt hơn".

Thực hiện Nghị quyết 06, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt khoảng 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Đến năm 2025, cả tỉnh có 19 đô thị; trong đó, có 03 đô thị cấp tỉnh; đến năm 2030, cả tỉnh có 15 đô thị; trong đó, có 05 đô thị cấp tỉnh, gồm TP Thái Nguyên, TP Sông Công, TP Phổ Yên và thị xã Đại Từ, thị xã Phú Bình.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: "Chúng tôi đang tổ chức thực hiện lập quy hoạch vùng huyện và điều chỉnh quy hoạch chung của 18 xã và tổ chức lập quy hoạch đô thị của thị trấn Hương Sơn và xã Điềm Thụy. Mục tiêu khi quy hoạch vùng huyện và điều chỉnh quy hoạch chung các xã, thị trấn đều hướng tới các mục tiêu để trở thành thị xã. Nghị quyết 06 là 1 căn cứ quan trọng để Phú Bình tiếp tục triển khai các mục tiêu trở thành đô thị trong giai đoạn tiếp theo".

Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16% vào năm 2025, 16-26% vào năm 2030. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP của tỉnh khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030...

Nghị quyết 06 sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Thái Nguyên hiện thực hóa tư duy mới về quy hoạch, phát triển đô thị, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng thủ đô Hà nội vào năm 2030 và trở thành TP trực thuộc Trung ương xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng theo tầm nhìn đến năm 2050./.