Phát triển kỹ thuật PCR độ nhạy cao trong chẩn đoán SARS-CoV-2 - đã psts 21.6
Toàn cảnh hội thảo.

Năm 2020, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR” trong chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ giữa UBND tỉnh và Đại học Thái Nguyên.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là thách thức về hiện tượng âm tính giả trong xét nghiệm PCR hiện nay, nhóm nghiên cứu đã tiếp tục tìm hiểu, giải quyết những khó khăn trong vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Để thực hiện điều này phải có phương án gộp mẫu lớn hơn, có thể lên tới hàng trăm mẫu. Để gộp được trăm mẫu thì độ nhạy của xét nghiệm phải rất cao. Khi gộp lượng mẫu lớn như vậy, độ nhạy có giảm vẫn nằm trong giới hạn phát hiện và đây là động lực để chúng tôi thực hiện đề tài phát triển PCR độ nhạy cao trong chẩn đoán SARS-CoV-2 nhằm 2 mục tiêu là: giảm thiểu âm tính giả, có thể triển khai quy mô lớn trên quy mô cộng đồng bằng xét nghiệm gộp mẫu lượng lớn".

Các ý kiến tại hội thảo đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu này, hứa hẹn cho phép phát hiện những trường hợp thể ẩn, không bỏ lọt các trường hợp nhiễm bệnh ra cộng đồng; đồng thời, có thể thực hiện kỹ thuật gộp mẫu trong thực hiện xét nghiệm; về quy trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn; xử lý vấn đề dương tính giả hay vấn đề thời gian, kinh phí…

Tiếp thu các ý kiến khoa học, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp tục bổ sung và nâng cao kết quả nghiên cứu; xin ý kiến cơ quan chuyên môn để đưa nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19./.