Nâng cao tính hấp dẫn cho các buổi tuyên truyền An toàn giao thông
Đối tượng tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông chủ yếu là lứa tuổi học sinh, sinh viên |
Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn, quan trọng hàng đầu để có thể thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, ngay từ đầu năm Ban An toàn giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông và Tỉnh đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các buổi tuyên truyền và phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đối tượng trọng tâm được tập trung tuyên truyền là thanh thiếu niên ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Vì ở lứa tuổi này nếu các em không nắm rõ các quy định về Luật giao thông, không có các kiến thức, kỹ năng để xử lý các tình huống khi tham gia giao thông thì sẽ dẫn dễ dẫn đến các vi phạm, từ đó có thể gây nhiều nguy cơ về mất an toàn cho chính bản thân và nhiều người tham gia giao thông xung quanh.
Thượng úy Nguyễn Nam Hưng, Đội trưởng Đội tuyên truyền phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: “ Thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh, từ đầu năm, chúng tôi đã tập trung vào công tác tuyên truyền như: tuyên truyền miệng, sân khấu hóa,..cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp ủy và lãnh đạo phân công.”
Hình thức tuyên truyền sân khấu hóa đã tạo sự hấp dẫn, nội dung dễ xem, dễ nghe và dễ tiếp thu |
Nhiều năm trước, các nội dung về tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông nói chung phần lớn rất khô cứng, thường kém thu hút sự chú ý cho những người được tuyên truyền dẫn đến kém hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, Đội tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng nội dung tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa. Học sinh, sinh viên tham gia các buổi tuyên truyền sẽ được tương tác 2 chiều, thay vì ngồi nghe Luật giao thông như trước đây. Các nội dung tuyên truyền cũng được lựa chọn có trọng tâm, thường là những quy định đối với người đi xe máy, đi xe đạp điện phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên. Phương pháp tuyên truyền Luật giao thông qua hình thức sân khấu hóa đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, các tiểu phẩm tình huống đã thu hút được sự chú ý theo dõi của các bạn học sinh, sinh viên, từ đó những nội dung cần tuyên truyền được truyền tải dễ xem, dễ nghe và dễ tiếp thu.
Anh Nguyễn Tiến Hoàng, Đội Tuyên truyền giao thông chia sẻ: “Chúng tôi là một đội diễn viên không chuyên nên về chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi nản lòng, mà cùng nhau trao đổi kinh nghiệm để dàn dựng các tiết mục đạt được như mong muốn. Giữa các em học sinh, sinh viên đối với chúng tôi rất là hào hứng, đón nhận rất nhiệt tình, đó là động lực cho chúng tôi càng phải làm tốt hơn về công tác tuyên truyền Luật giao thông đường bộ.”
Các buổi tuyên truyền về pháp luật trật tự an toàn giao thông đã nhận được sự tương tác tích cực |
Trong năm 2020 đã triển khai được 15 buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa cho gần 21.500 học sinh, sinh viên tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, cao đẳng và Đại học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mỗi buổi giao lưu tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng hình thức sân khấu hóa đã và đang nhận được sự đón nhận tích cực và tham gia rất hào hứng nhiệt tình của các bạn học sinh, sinh viên và các nhà trường.
Sinh viên Nguyễn Quỳnh Trâm, trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Em cảm thấy chương trình rất ý nghĩa, bổ ích và cần thiết đối với em cũng như các bạn sinh viên. Chương trình có những tình huống, đưa tới nhiều thông điệp gần gũi, ý nghĩa và dễ hiểu, qua đó giúp chúng em tự tin hơn khi tham gia giao thông.”
Ông Trịnh Xuân Tráng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên cho biết: ‘Chúng tôi hy vọng qua các buổi rất hữu ích như thế này, các em sinh viên sẽ có những hành động rất thiết thực và nghiêm túc, có trách nhiệm khi tham gia giao thông, qua đó sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.”
Thông qua các chương trình tuyên truyền ngoài những nội dung về Luật giao thông đường bộ, những thông tin cập nhật về tình hình tai nạn giao thông trên cả nước và tỉnh Thái Nguyên, những hậu quả và thiệt hại do tai nạn giao thông mang lại cho toàn xã hội, và thông điệp về “ Văn hóa khi tham gia giao thông” cũng liên tục được truyền tải đến các bạn học sinh, sinh viên. Tất cả các nội dung đều được đón nhận và nhận được sự tương tác tích cực. Qua đó tính hiệu quả của các buổi giao lưu tuyên truyền tìm hiểu pháp luật về trật tự an toàn giao thông cũng được nâng lên. Hy vọng với những kiến thức được trang bị, thì các bạn học sinh, sinh viên sẽ có thêm hiểu biết, kinh nghiệm và kỹ năng có thể xử lý tốt các tình huống khi tham gia giao thông thực tế, và biết phòng tránh không để các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cho chính mình và những người xung quanh./.