Khẳng định vai trò của hợp tác xã trong giai đoạn mới
Mô hình tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp an toàn Đầm Mương, Minh Đức ở TP Phổ Yên

Nhằm đẩy mạnh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn, đạt tiêu chuẩn VietGap gắn với Chương trình OCOP, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà và sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp an toàn Đầm Mương, Minh Đức ở TP Phổ Yên đã được thành lập với gần 30 thành viên, quy mô 30ha/vụ, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha, qua đó, đã mang lại giá trị kinh tế bền vững cho các xã viên.

Ông Chu Đức Minh, Tổ hợp tác Sản xuất nông nghiệp an toàn Đầm Mương chia sẻ: "Sau khi hiệp đồng liên kết, tôi thấy có nhiều thuận lợi cho người dân, chủ động nước, phân bón, giống, kĩ thuật nên bà con nhân dân rất yên tâm".

Thực hiện các giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã cụ thể hóa nội dung về phát triển kinh tế tập thể vào chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai trên địa bàn. Thực tế cho thấy, sự phát triển của nhiều HTX cũng như quỹ tín dụng nhân dân, đã đóng góp vào sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể.

Anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Phú Lương cho hay: "Khi thành lập HTX, tôi cũng được hỗ trợ về con giống, vốn, kĩ thuật chăn nuôi nâng cao và đầu ra".

Khẳng định vai trò của hợp tác xã trong giai đoạn mới
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, nhờ có sự đóng góp tích cực của các HTX qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, HTX đã khẳng định được vai trò trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng, từ đó, nông dân đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Sau hơn 3 năm thực hiện OCOP, đến nay, Thái Nguyên đã có 129 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với 2 sản phẩm được chứng nhận 5 sao cấp Quốc gia, trong đó, số sản phẩm OCOP của các HTX chiếm tới hơn 95%.

Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường, huyện Đồng Hỷ nhấn mạnh: "Tất cả các sàn thương mại điện tử đã có sản phẩm của Miến Việt Cường; doanh thu tăng lên rất nhiều, giúp ổn định tiêu thụ, cắt giảm các khâu trung gian".

Toàn tỉnh hiện có hơn 580 hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực với hơn 42.000 thành viên và người lao động, thu nhập bình quân của các xã viên đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hoạt động liên kết giữa các HTX còn ít; quy mô HTX còn nhỏ, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, sản xuất còn hạn chế; sức cạnh tranh của một số sản phẩm trên thị trường chưa cao đang đặt ra yêu cầu cần phải có nhiều giải pháp hơn nữa để tích cực nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trong giai đoạn tới, chúng tôi tập trung vào 3 nội dung chính hỗ trợ HTX là: tập huấn về kĩ thuật và công nghệ cho các HTX theo từng lĩnh vực, hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; khi có sản phẩm chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các HTX mở rộng thị trường và xúc tiến thương mại, tham gia vào sản thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm".

Có thể nói, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng nông thôn mới sẽ không thể thành công nếu thiếu sự tham gia đóng góp của hợp tác xã. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì mỗi thành viên HTX cũng cần phải tự khắc phục những hạn chế của cách làm kinh tế tập thể trước đây, khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế của HTX kiểu mới trong nền kinh tế, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đảm bảo nhu thu nhập, kinh tế của chính những xã viên./.