Đánh giá mô hình vườn mẫu phát triển kinh tế tại huyện Võ Nhai
Các mô hình vườn mẫu của dự án bước đầu đã tạo được cảnh quan xanh, sạch, đẹp và không gian trong lành |
Ông Nguyễn Đức Hạnh cùng gia đình đang sinh sống tại xóm Cây Thị, xã La Hiên, huyện Võ Nhai chăn nuôi 1000 con gà thả vườn với sự hỗ trợ một phần về giống và thức ăn chăn nuôi, theo dự án “xây dựng mô hình vườn mẫu phát triển kinh tế VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc”. Sau gần 3 tháng thực hiện nuôi gà giống Sao Việt 4 (gà mía lai), đàn gà cơ bản lớn nhanh, không bệnh tật, tỷ lệ gà sống đạt theo yêu cầu của dự án.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, xóm Cây Thị, xã La Hiên, huyện Võ Nhai cho biết: “Tiền giống được hỗ trợ, cám con giống, thuốc thú y được hội Làm vườn hỗ trợ, cùng đó được hướng dẫn cách chăn nuôi mới. Mới đầu thấy bỡ ngỡ, sau cũng thấy quen dần và thấy có hiệu quả”.
Mô hình gà thịt của dự án cho tỷ lệ gà sống đạt trên 98%, chất lượng tốt hơn cách chăn nuôi trước |
Với dự án còn có 2 gia đình ông Ma Văn Toàn và bà Hoàng Thị Tuyến cùng trú tại xóm Cây Thị, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, mỗi nhà cũng nuôi 1000 con gà ri, giống lạc Thủy Hòa Bình có thịt thơm ngon hơn các loại gà khác, trong quá trình nuôi tỷ lệ gà sống đạt trên 98%, đến thời điểm này số gà đã lớn gần 3kg mỗi con, đàn gà khỏe, chạy nhảy tốt, tự tìm kiếm thêm thức ăn.
Ông Ma Văn Toàn, xóm Cây Thị, xã La Hiên, huyện Võ Nhai khẳng định: “Chăn theo dự án thứ nhất được tập huấn chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật và có sự hỗ trợ về thuốc, vắc xin, gà giống khỏe mạnh hơn. Thứ 2 chăn theo hướng hữu cơ chăn thả thì gà giống khỏe, đẹp, có chất lượng thịt tốt hơn so với cách chăn nuôi trước đây. Dự án hỗ trợ và gia đình có đối ứng một phần. Đến thời điểm này theo tôi đánh giá thì dự án khá thành công”.
Dự án cũng đã giúp cho gia đình bà Phạm Thị Thắm xóm Hiên Minh, xã La Hiên, Võ Nhai xây dựng được bộ khung để trồng hoa dọc theo cổng vào nhà, tạo cảnh quan đẹp cho mô hình trồng cây ăn quả nông thôn mới. Cùng với đó, dự án còn giúp cho gia đình kỹ thuật ủ phân vi sinh bón cho cây trồng theo hướng an toàn vệ sinh sản phẩm nông nghiệp.
Vườn bưởi được chăm bón bằng phân vi sinh hữu cơ đang phát triển tốt dành phục vụ tết Nguyên Đán |
Dự án cũng hỗ trợ thêm 2 gia đình cùng trú tại xóm Hiên Minh xây dựng bộ khung cổng và ủ phân vi sinh bón cho cây na. Bà Phạm Thị Thắm, một hồ gia đình trồng Na ở Xóm Hiên Minh, xã La Hiên, Võ Nhai vui mừng cho biết: “Được hỗ trợ như thế này thì phân bón đảm bảo hơn về chất lượng và cả vệ sinh môi trường vì không gây ô nhiễm”.
Sau gần 3 tháng thực hiện dự án, Hội làm vườn tỉnh Thái Nguyên đã cùng với Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn trực thuộc Hội làm vườn Việt Nam đi kiểm tra, đánh giá các mô hình được thực hiện tại xã La Hiên. Về chăn nuôi, gà khỏe, đạt yêu cầu của dự án, phù hợp với khả năng chăn thả vùng trung du miền núi. Về mô hình cây ăn quả, bước đầu được chăm sóc bằng phân hữu cơ cho đất tơi, xốp, tạo điều kiện phát triển kinh tế vươn lên từ đất vườn.
Ông Bùi Đức Thành, Cán bộ Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn cho rằng: “Với các mô hình chăn nuôi gà thả đồi thì giảm được chi phí về thức ăn, giảm bệnh dịch. Đối với các mô hình vườn mẫu thì tạo được cảnh quan xanh, sạch, đẹp và tạo ra một không gian trong lành, đáng sống do đa số người dân sử dụng các nguồn phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây na sẽ cho sản phẩm sạch hơn”.
Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội làm vườn Thái Nguyên khẳng định: “Sau một năm thực hiện mô hình, đến thời điểm này có thể đánh giá là các mô hình bước đầu đã đạt được hiệu quả kinh tế. Về môi trường, mô hình trang trại gà đã giảm về ô nhiễm môi trường và đạt năng suất cao. Mô hình vườn mẫu đã tạo ra không gian đẹp, sạch”.
Nhờ có nguồn kinh phí của nhà nước và sự thực hiện nghiêm túc từ phía các đơn vị, tổ chức đã tiếp sức cho người nông dân có thêm nhiều nghị lực để tích cực mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương./.