Cục Đăng kiểm: Cơ sở nào “khai tử” 2,5 triệu xe máy?
Cuối tuần trước, lãnh đạo TP Hà Nội đưa ra thông tin về nguồn ô nhiễm không khí ở Hà Nội có liên quan đến xả thái của xe máy và ô tô. Với thống kê có 2,5 triệu xe máy quá đát, (trước năm 2000), TP Hà Nội đang xem xét, cố gắng trình HĐND thành phố chương trình liên quan đến hạn chế xe máy vào kỳ họp tháng 6 tới, sau đó sẽ trình Chính phủ. Cùng đó, phải có biện pháp thu hồi các xe ô tô, xe máy quá đát.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay Việt Nam trong Luật Giao thông đường bộ chưa quy định về niên hạn sử dụng xe máy, cũng chưa có quy định về kiểm tra môi trường từ khí thải xe máy, vì thế thống kê 2,5 triệu xe máy quá đát không rõ dựa trên cơ sở nào.
“Xe như thế nào gọi là quá đát? Nghe qua con số 2,5 triệu xe máy quá đát mà Hà Nội đưa ra chúng tôi hơi giật mình, bởi chưa có quy định niên hạn sử dụng xe máy để tính toán, chưa có quy định về kiểm tra khí thải trong môi trường do tác động từ xe máy để đánh giá tác động. Vì thế, có thể việc thu hồi sẽ rất khó khăn” - lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho hay.
Hà Nội cho rằng những xe máy sử dụng trước năm 2000 là "quá đát"? (ảnh: Nguyễn Dương) |
Trước đó, năm 2012, UBND TPHCM đã chủ trương quy định niên hạn lưu hành đối với xe máy nhằm giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường để trình Chính phủ xem xét. Đối tượng phương tiện nằm trong quy chế bao gồm xe gắn máy, xe mô tô hai-ba bánh và cả xe điện. Tuy nhiên, khi chủ trương này mới đang “lên khuôn” thì đã có nhiều ý kiến “chấm điểm” đúng sai và phải dừng lại.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhận định xe cũ, xe quá niên hạn lưu hành là “tội đồ” gây tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường là không thoả đáng, là xe cũ hay xe mới đều phải đối xử công bằng như nhau. Nhiều nước trên thế giới vẫn cho sử dụng và lưu hành đối với những xe được sản xuất cách nay tới 30-40 năm vì xe vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đề án 7 năm vẫn nằm trên... giấy!
Được biết, từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy, nhưng cho tới nay đề án máy được xây dựng khá lâu nhưng chưa được thực hiện.
Nói về Đề án này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết: Đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy được Thủ tướng Chính phủ duyệt từ năm 2010, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nghiên cứu, thử nghiệm, tiến hành các công việc chuẩn bị. Tuy nhiên, đây là một Đề án lớn mang tính xã hội phức tạp. Các tổ chức, cá nhân đều thống nhất chủ trương phải kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy, nhưng chưa thống nhất được phương án, lộ trình triển khai cụ thể.
Nhiều người dân nghèo, lao động thu nhập thấp đang sử dụng xe máy cũ để mưu sinh (ảnh minh hoạ) |
“Đề án này có tác động rất lớn đến xã hội, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp phải sử dụng sử dụng xe máy cũ, xe có chất lượng thấp. Trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được thì số lượng xe mô tô, xe gắn máy tiếp tục tăng lên nhanh chóng, càng gây khó khăn cho công tác triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc quy định về kiểm soát khí thải ô tô, xe gắn máy cũng chưa được quy định bắt buộc trong Luật Giao thông đường bộ” - lãnh đạo Cục Đăng kiểm thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, do tính phức tạp nên Đề án nói trên cần tiếp tục nghiên cứu khả thi quy định về áp dụng tiêu chuẩn khi thải và kiểm định khí thải đổi với xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình xâ dựng Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Giao thông đường bộ. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ Giao thông vận tải sẽ xây dựng lộ trình khí khải xe mô tô, xe gắn máy để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, dự kiến sẽ nghiên cứu sửa đổi bổ sung vào năm 2018.