Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch “Chấn động địa cầu”
Trung tâm của căn hầm

Tại di tích Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác tiến từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Đây là một quyết định lịch sử trong chiến dịch lịch sử. Đại tướng cùng Bộ tư lệnh chiến dịch đã cho thấy tư duy quân sự sắc sảo, xử lý thực tiễn linh hoạt sáng tạo theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Trong di tích Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, có khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đường tham quan di tích dài 1.300m, 12 ngôi lán ở và làm việc của Bộ chỉ huy chiến dịch, 3 đường hầm và các hạng mục phụ trợ khác. Các công trình được bố trí thành hệ thống liên hoàn bao bọc trước sau: Vòng ngoài là Trạm gác tiền tiêu, vòng giữa là lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin, liên lạc, tiếp đó mới là nơi ở và làm việc của Bộ chỉ huy chiến dịch. Căn lán đơn sơ của Đại tướng Võ Nguyên giáp nằm ở trung tâm được làm bằng vật liệu khai thác tại chỗ. Đây là nơi mà Đại tướng đã có nhiều đêm thao thức trăn trở tìm cách đánh mưu trí, linh hoạt cho mỗi trận đánh để giành thắng lợi.

Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch “Chấn động địa cầu”
Chị Quàng Thị Hương Giang, Thuyết minh viên Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Chị Quàng Thị Hương Giang, Thuyết minh viên Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Đường hầm này được các chiến sỹ của ta đào khoảng thời gian là 28 ngày đêm. Với quân số chỉ có hơn 50 người, đường hầm được đào từ 2 hướng và thông nhau ở lòng núi, nhưng điều kiện đào hầm hết sức khó khăn trong điều kiện không có thước đo, các chiến sĩ của ta đã dùng dây rừng để làm thước đo và trong điều kiện không có la bàn để xác định phương hướngcác chiến sĩ đã áp tai xuống đất để nghe âm thanh từ xa vọng về. Ở ngay trung tâm của căn hầm có diện tích là 18m² bên trong đó có ống thông gió. Ngoài ra bên trong đường hầm này còn được đào 5 ngách để đặt máy thông tin liên lạc, một máy nối với Bộ Chỉ huy chiến dịch với Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch chi viện tiền phương và 4 máy còn lại thì nối với các đại đoàn tham gia chiến dịch.

Nằm sát căn lán là một hầm ngầm xuyên núi có thiết kế giống hầm than. Đây cũng là một công trình vĩ đại nhất tại khu di tích Mường Phăng.

Hơn 7 thập kỷ đi qua, khu rừng Mường Phăng lại có thêm nhiều cây cổ thụ vững chắc. Đó là nhờ công tác bảo vệ di tích và giữ rừng luôn được chính quyền địa phương và người dân Mường Phăng chung tay thực hiện với niềm kính yêu vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc.

Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch “Chấn động địa cầu”
Ông Lò Văn Lụi, Nguyên cán bộ UBND xã Mường Phăng

Ông Lò Văn Lụi, Nguyên cán bộ UBND xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Lúc đấy, tôi được nhìn thấy Bác về đây thăm 2 nơi. Được nghe Bác nói là Bác ở đây 2-3 tuần dân Mường Phăng có nuôi được không? và hỏi các em, các cháu có được đi học không?

70 năm đã trôi qua, Mường Phăng ngày nay là một địa chỉ đỏ đối với du khách khi đến Điện Biên...và tại mảnh đất này, những câu chuyện về Điện Biên Phủ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với căn cứ địa thần thánh trong cuộc chiến tổng lực chiến thắng thực dân Pháp vẫn được lưu truyền và giữ gìn như một báu vật. Đó cũng là niềm tự hào, là động lực để đồng bào các dân tộc nơi đây đoàn kết, chung tay xây dựng bản Mường ngày càng ấm no.