Ô nhiễm môi trường chăn nuôi tại Cát Nê, Đại Từ
Trang trại của ông Thân Văn Hùng xả thải trực tiếp xuống dòng suối Hàm Long khiến bọt nổi trắng, nước đen và mùi hôi thối nồng nặc. |
Những hình ảnh mà chúng tôi đã nhận được từ phía người dân xóm Đồng Phú, xã Cát Nê, huyện Đại Từ gửi cho chúng tôi trong ngày 17/4/2021 - thời điểm mà trang trại của ông Thân Văn Hùng xả thải trực tiếp xuống dòng suối Hàm Long, suối đầu nguồn từ Vườn quốc gia Tam Đảo chảy qua sát trang trại. Bọt nổi trắng, nước đen và mùi hôi thối nồng nặc đến mức khiến cá của dòng suối cũng không chịu nổi phải nhảy lên bờ... Mặc dù, ngay sau sự phản đối của người dân, chủ trang trại này đã dừng xả thải, nhưng những lo ngại của người dân vẫn hiện hữu, vì hậu quả của việc ô nhiễm có thể rất nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư và tàn phá môi trường sinh thái dưới chân núi Tam Đảo vốn dĩ trước đây rất trong lành. Đặc biệt, đây lại không phải là lần đầu tiên trang trại này trực tiếp xả thải xuống dòng suối đầu nguồn này.
Bà Phạm Thị Hào, người dân xóm Đồng Phú, xã Cát Nê, huyện Đại Từ cho hay: "Họ tháo nước to, mà chất thải đen không thể tưởng tượng được, trang trại xả thải tôi thấy mùi rất ghê".
Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng xóm Đồng Phú, xã Cát Nê, huyện Đại Từ cho biết: "Suối này phục vụ cho cả xã Cát Nê, bình thường bà con sinh hoạt, sản xuất cũng nhờ suối này, bây giờ trang trại đầu nguồn xả thải ra bà con rất bức xúc".
Ông Dương Văn Tú, Bí thư chi bộ xóm Đồng Phú, xã Cát Nê, huyện Đại Từ thông tin: "Trang trại đi vào hoạt động, xả thải ra môi trường không qua xử lý. Bắt đầu từ ngày 1/1/2021 là bắt đầu xả thải, cá ở ao chết cũng chưa rõ nguyên nhân; sau khi phát hiện do nguồn nước từ trên này về, sau đó đã lập biên bản, người dân tập trung hàng trăm người tại đây".
Hiện nay, trang trại đã và đang có những giải pháp cụ thể nhằm xử lí triệt để nguy cơ gây ô nhiễm ra môi trường. |
Trực tiếp làm việc tại trang trại này, chúng tôi được biết đây là trang trại nuôi lợn có quy mô 3.000 con/1 lứa. Chủ trang trại trước đây là ông Nguyến Văn Khoái là người địa phương, đến tháng 8/2020, ông Khoái đã chuyển nhượng toàn bộ trang trại cho ông Thân Văn Hùng có địa chỉ tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, theo ông Thân Văn Hùng cho biết: sau khi nhận chuyển nhượng trang trại của ông Khoái đã chủ động rà soát lại vấn đề xử lí chất thải và nhận thấy còn nhiều hạng mục chưa đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, các bể chứa chất thải không được lót chống thấm có nguy cơ thẩm thấu, rò rỉ ra môi trường, ngoài ra bể sục cũng chưa đạt tiêu chuẩn, nên ông Hùng đang nạo vét xây dựng lại nhằm đảm bảo môi trường. Theo ông Thân Văn Hùng thì việc để xảy ra sự cố xả thải vào ngày 17/4/2021 là bất khả kháng do thời tiết mưa to làm tràn bể chứa. Còn hiện nay, trang trại đã và đang có những giải pháp cụ thể nhằm xử lí triệt để nguy cơ gây ô nhiễm ra môi trường.
Ông Thân Văn Hùng, Chủ trang trại chăn nuôi lợn xã Cát Nê, huyện Đại Từ cho biết: "Ngày 17/4/2021, do mưa lũ to, hệ thống trang trại mới nuôi được mấy tháng nên sức chứa bị tràn bờ một chút. Khi có phản ánh của bà con nhân dân, chúng tôi đã chỉ đạo nhân viên đắp lại không bị tràn nữa. Trong thời gian tôi tiếp quản trang trại này vào tháng 8/2020, qua xem xét một thời gian vẫn còn những điểm chưa đảm bảo vấn đề môi trường. Hiện tại, chúng tôi có cam kết với UBND và Sở khi xuất hết lứa lợn này, chúng tôi sẽ cải tạo, xây dựng lại hệ thống xử lý sục khí và tất cả các ao trong trang trại có thể đổ bê tông hoặc lót bạt kín để không rò rỉ ra môi trường".
Việc trang trại chăn nuôi lợn xã Cát Nê gây ô nhiễm môi trường là đúng và những phản ánh, những bức xúc của người dân nơi đây là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu trại lợn này gây ô nhiễm môi trường, vì vừa gần đây ngày 5/4/2021, UBND huyện Đại Từ đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi “không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định; thực hiện giám sát chất thải định kì không đúng, không đầy đủ theo hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt; xả thải vào nguồn nước không có giấy phép với lượng chất thải 64,3m³/24 giờ”. Tổng mức phạt 4 hành vi vi phạm trên là 328 triệu 500 nghìn đồng.
Ông Vũ Văn Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Nê, huyện Đại Từ cho hay: "Ngay sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị của cử tri về việc trang trại xả thải, UBND xã ngay lập tức cùng với bà con nhân dân tiến hành lập biên bản và yêu cầu trang trại khắc phục ngay tình trạng xả thải; đồng thời, chúng tôi đã báo cáo với UBND huyện để xử lý. Đối với kiến nghị của địa phương, chúng tôi cũng đề nghị các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm tra quy trình xử lý môi trường của trang trại để làm sao khắc phục được tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường".
Với người dân sinh sống xung quanh trang trại lợn này, họ rất muốn trang trại này dừng hoạt động hoặc chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực khác không ảnh hưởng đến môi trường. Ông Dương Văn Tú, Bí thư chi bộ xóm Đồng Phú, xã Cát Nê, huyện Đại Từ chia sẻ: "Với người dân, đề nghị cao nhất là cơ quan chức năng xem xét tình trạng trang trại này, chuyển mục đích từ chăn nuôi lợn sang chăn con vật khác không làm ô nhiễm môi trường".
Đặc biệt, người dân cũng có ý kiến, kiến nghị liên quan đến vấn đề tại sao trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn như vậy lại được cấp phép ở khu vực sát rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo cạnh suối đầu nguồn nơi có những quy định pháp luật rất ngặt nghèo về bảo vệ môi trường./.