Sau giai đoạn thành công rực rỡ của phong trào làng mới (Saemaul Undong) 1971-1982, trọng tâm chủ yếu hướng tới vùng nông thôn. Hầu hết các thôn ở Hàn Quốc đến được bằng ô tô, tất cả các thôn đều có điện và hệ thống truyền thông có mặt khắp nơi. 7,2 tỷ USD đã được đầu tư, trong đó vốn Chính phủ là 51%, phần còn lại do các cộng đồng địa phương đóng góp. Thu nhập hộ nông dân đã vượt công nhân lao động thành thị. Sau năm 1982, Saemaul Undong được mở rộng ra các vùng đô thị, nhà máy và các tập đoàn. Trong giai đoạn hiện đại, Hàn Quốc đang xúc tiến “Phong trào Làng mới lần 2”, theo 2 hướng ở trong nước và đưa ra nước ngoài giúp đỡ các nước đang phát triển.

Lá cờ của phong trào làng mới tại Hàn Quốc

Thách thức hiện tại
Hội trưởng TƯ Hội Phong trào nông thôn mới Hàn Quốc Shim Yun Jong cho biết: “Ở trong nước, chúng tôi “xây dựng tinh thần dân tộc” bằng các phong trào “sẻ chia, thiện nguyện, quan tâm” – là những hoạt động thiết thực trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, Phong trào làng mới cũng gặp vô vàn thách thức”.

Năm 1970, khi bắt đầu Phong trào làng mới, đất nước Hàn Quốc rất nghèo khó và nông dân khát khao thoát nghèo. Cùng lúc cựu Tổng thống Park Chung –hee mang tới chính sách mạnh mẽ, đẩy mạnh Phong trào làng mới ở nông thôn nên nhận được sự đồng lòng hỗ trợ của toàn dân.

Hàn Quốc đang hướng đến phong trào làng mới lần 2, trong suy nghĩ của người dân đã khác trước. Phần lớn giới thanh niên trẻ cho rằng liệu làng mới có phù hợp với giai đoạn hiện đại này hay không? Xã hội phát triển hiện đại khiến giới trẻ du nhập kiến thức mới, văn hóa mới cũng như tư tưởng thiên về lợi ích bản thân mà thiếu gắn bó đoàn kết với xung quanh cộng đồng.

Việc thay đổi ý thức lớp trẻ và thay đổi làm sao để họ nhận thức được các phong trào này vẫn hỗ trợ và giúp ích được cho đất nước rất là khó.

“Trong ý thức của lớp trẻ chỉ có người già, có tuổi đã trải qua mới biết phong trào này thế nào, họ mới ủng hộ. Còn người trẻ lại không ủng hộ”- ông Shim Yun Jong chia sẻ.

Để thu hút giới trẻ, Hàn Quốc đã tạo ra Diễn đàn Y-SMU (Youth saemul) để thanh niên tham gia là một trong lý do phát triển ý thức và thay đổi ý thức của lớp trẻ trong việc thực hiện phong trào làng mới này. Diễn đàn này, được thành lập vào tháng 5/2011 và đang được vận hành tốt. “Chúng tôi mong muốn nuôi dưỡng thế hệ trẻ để họ nhận thức được họ là những người sẽ đứng ra giúp phát triển xã hội địa phương và giúp đất nước đối ứng với thời đại toàn cầu hóa ở thế kỷ 21. Chuẩn bị các chương trình Làng mới cho tầng lớp thanh niên, trọng tâm là sinh viên”-ông Shim Yun Jong cho biết.

Ông Shim Yun Jong

Thực hiện phong trào làng mới trong thời đại hiện đại, kết quả không được rõ ràng như trước. Hiện tại thu nhập bình quân của người dân Hàn Quốc 23.000USD/người/năm, nên hiệu quả người dân không thấy ngay và không ủng hộ như lần đầu nữa. Đó cũng là một trong những khó khăn của phong trào làng mới lần 2 này.

Vai trò của Tổng thống trước đây với phong trào rất lớn- chỉ đạo toàn bộ đất nước đưa phòng trào trở thành của toàn dân với những chính sách mạnh mẽ và quyết liệt để kêu gọi người dân cùng hợp tác tham dự vào phong trào này. Bên cạnh đó là sự ủng hộ của toàn bộ chính phủ về vật chất và các nhiều khác.

Chính phủ cũng không dành nhiều dự toán cho chương trình nên việc hỗ trợ không còn như trước nên hầu như địa phương phải tự làm.

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Shim Yun Jong chia sẻ: “Khi thực hiện phong trào làng mới ở các nước châu Phi, Đông Nam Á thì việc rất quan trọng là những người chỉ đạo, đứng đầu đất nước hãy có một ý thức cũng như suy nghĩ mãnh liệt, kiên quyết phải làm sao đưa phong trào sâu sát tới từng thôn, làng như vậy phong trào mới hiệu quả được. Nếu không có sự quyết tâm của người lãnh đạo cao nhất thì cũng không thực hiện được. Đây là kinh nghiệm mà Hàn Quốc đã trải qua. Nếu như lúc đó không có Tổng thống Park Chung-hee thì phong trào này không thể hoàn thành tại Hàn Quốc”.

Đề cập đến công cuộc nông thôn mới ở nước ngoài, ông Shim Yun Jong đánh giá cao trường hợp của nước Myanmar.

Theo ông Shim Yun Jong, vừa qua, Tổng thống Myanmar sang Hàn Quốc đã tìm hiểu rất kỹ về phong trào nông thôn mới và cho thấy ông sẽ kiên quyết đưa phong trào này về thực hiện ở Myanmar. Tháng 4 vừa qua, Hàn Quốc cũng đã giúp đỡ hỗ trợ thành lập Trung tâm hỗ trợ phong trào nông thôn mới tại Myanmar. “Chúng tôi thấy với ý chí cương quyết như vậy của Tổng thống Myanmar, phong trào làng mới này chắc chắn sẽ thành công ở Myanmar và chúng tôi rất mong đợi kết quả này”- ông Shim Yun Jong nói.

Phải tìm phương pháp để dân tự phát triển
Người đứng đầu Phong trào nông thôn mới Hàn Quốc cho biết, thực tế ông không nắm được nhiều thông tin về phòng trào nông thôn mới ở Việt Nam, nhưng ông nhìn nhận ở Việt Nam phong trào làng mới thực hiện với quy mô nhỏ. Và như vậy không đại diện cho phong trào trong toàn quốc”.

“Chúng tôi thấy phía Việt Nam có vẻ chưa hiểu rõ phong trào làng mới này- Phong trào làng mới phải hướng tới mục đích hỗ trợ để cho nông dân tự phát triển, gây dựng nên cuộc sống của bản thân mình. Phong trào chỉ hỗ trợ chứ không phải chi viện toàn bộ để xây cầu, cống, đường sá … mà hỗ trợ làm cách nào đó hoặc giáo dục hoặc đào tạo huấn luyện để đưa phương pháp, hoặc tìm phương pháp nhằm giúp người nông dân phải tự mình phát triển. “thay vì cho con cá hãy cho cần cầu hoặc hướng dẫn cách bắt cá”- Ông nói

Nông thôn Hàn Quốc hôm nay

Khi thực hiện phong trào làng mới chúng ta phải thay đổi nhận thức để nông dân biết tận dụng sự hỗ trợ để tự lực cánh sinh, vận động phát triển tạo ra cái của mình. Nếu không thay đổi nhận thức này, nông dân sẽ có thói quen trông chờ ỷ lại từ sự hỗ trợ đánh mất, ý thức tự lực cánh sinh, như vậy sẽ không biết giúp đỡ cho đến bao giờ. So với Hàn Quốc, Việt Nam được ưu đãi rất nhiều vì có điều kiện khí hậu phù hợp cho nuôi trồng thủy sản hoặc trồng lương thực, thực phẩm. Ở Việt Nam có thể trồng 3 vụ lúa/năm nhưng ở Hàn Quốc chỉ duy nhất 1 vụ. Tuy nhiên việc chỉ trồng lúa chỉ có thể giúp đủ ăn chứ không thể làm giàu.

Với kinh nghiệm của Hàn Quốc, 4 năm sau thực hiện Phong trào Làng mới (từ 1970-1974) người dân ở nông thôn đã có mức sống cao hơn một số thành thị. Để có được kết quả này, ở một số vùng chuyên trồng lúa đã có sự giúp sức của các nhà khoa học nghiên cứu giống lúa cho năng suất cao hơn trên cùng 1 diện tích. Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân thay vì trồng lúa chuyển đổi giống cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả, hoa màu… Với cách làm này, hiện nay, Hàn Quốc đã có xoài mà trước kia ở đây không hề có giống cây ăn quả này.

Người Hàn Quốc cũng vận động thanh niên- những người có trí thức thay vì bon chen sống ở thành phố không khí ô nhiếm hay stress nhiều, hãy quay về nông thôn với không khí trong lành. Đội ngũ trẻ có kiến thức nông nghiệp, về nông thôn họ đầu tư mạnh hơn, chuyển đổi toàn bộ nhà trồng bằng ny-lon sang nhà kính. Với phương pháp này, những loại cây ở Hàn Quốc được trồng trong nhà kính có khả năng thích nghi cao hơn nhiều.

Theo ông Shim Yun Jong, Chính phủ Việt Nam có thể nâng cao thu nhập người dân vùng lúa bằng cách chuyển đổi cây trồng hoặc hỗ trợ kỹ thuật tăng sản lượng. Người dân rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để có giống cây trồng mới, vốn và cơ sở vật chất ban đầu.

Cần thay đổi nhận thức, tư duy người lãnh đạo về nông dân, nông thôn
Việc đầu tư cho phong trào theo tính hình thức cũng xuất hiện ở Hàn Quốc những năm 1980-1990. Địa phương họp dân theo kiểu hình thức và người dân cũng không được quyền quyết định mình sẽ được làm việc gì. Khi chỉ đạo theo kiểu áp đặt, người dân thấy không cần thiết. Do vậy cần phải có người chỉ đạo ưu tú. Người đó phải suy nghĩ cho người dân và quan trọng là trước khi triển khai một công trình dự án nào đó phải lấy ý kiến của người dân, theo quyết định đồng thuận của dân. Bên cạnh đó, để nguồn vốn, vật liệu được đầu tư xuống nông thôn không bị mất mát, làm lãng phí thì vai trò người quản lý rất lớn. “Việc đưa thông tin cụ thể nguồn vốn, số lượng vật liệu công khai cho cơ sở được nhận đầu tư được công khai trên báo chí cũng là một cách làm để tránh tham nhũng”, ông Shim Yun Jong gợi ý.

Những làng nào thực hiện tốt sẽ được hỗ trợ thêm, làm không tốt sẽ bị cắt hỗ trợ và phê bình. Cách làm như ở Hàn Quốc tạo sự cạnh tranh giữa các thôn, làng.

Ông Shim Yun Jong nhấn mạnh người lãnh đạo phải biết biến phong trào thành công việc cụ thể của người dân để người dân thấy phong trào mang lại lợi ích cho chính họ thì mới có thể thành công. Và ở Hàn Quốc, những người giữ vị trí lãnh đạo đều từng phải đến Viện đào tạo phong trào làng mới để học tập, thay đổi quan điểm của họ về nông thôn. Hiểu được nông dân, nông thôn sẽ giúp họ có tư duy đúng đắn khi quyết định làm gì phù hợp./.

Theo VOV