Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Alfonso Dastis cho biết nước này sẽ không đòi hỏi đưa vấn đề chủ quyền của hòn đảo Gibraltar vào các cuộc đàm phán Brexit giữa Liên minh châu Âu với Vương quốc Anh.

tay ban nha bo yeu sach dua chu quyen dao gibraltar de dam phan brexit

(Ảnh minh họa: Sigames)

Phát biểu trên nhật báo ABC của Tây Ban Nha hôm Chủ nhật, ngày 6/8, Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Alfonso Dastis cho biết, chính phủ Tây Ban Nha không muốn các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu với Vương quốc Anh bị đe doạ, bởi chính phủ Anh sẽ khó chấp nhận việc đồng thời vừa phải đàm phán về Brexit và vừa phải thương lượng với Tây Ban Nha về chủ quyền của hòn đảo Gibraltar.

Vấn đề chủ quyền của đảo Gibraltar, một đảo đá có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 6,7km vuông và có khoảng 32.000 ngàn dân sinh sống, từ bao năm nay đã luôn là một trong các khúc mắc trong quan hệ giữa Tây Ban Nha và Anh.

Trong quá khứ, Tây Ban Nha từng nhượng hòn đảo này cho Vương quốc Anh từ năm 1713 nhưng sau này, chính quyền Tây Ban Nha muốn thu lại hòn đảo này vì cho rằng nó thuộc chủ quyền của Tây Ban Nha.

Đòi hỏi này từ phía Tây Ban Nha trong vài năm qua luôn gặp phải sự phản đối của chính quyền Anh cũng như của chính các cư dân đang sinh sống trên đảo Gibraltar. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2002, các cư dân trên đảo đã quyết định chọn mang quốc tịch Anh và không muốn hòn đảo trở lại là một phần lãnh thổ của Tây Ban Nha, dù về vị trí địa lý, đảo Gibraltar nằm ngay sát Tây Ban Nha và cách rất xa Vương quốc Anh.

Phía Tây Ban Nha sau đó đã đề nghị với phía Anh một cơ chế hợp tác cùng phát triển hòn đảo, theo đó các cư dân sinh sống trên đảo được phép mang đồng thời hai quốc tịch Anh và Tây Ban Nha và chính phủ hai nước sẽ chia sẻ chủ quyền trên đảo Gibraltar.

Nguyên nhân phía Tây Ban Nha luôn muốn thực thi chủ quyền trên đảo Gibraltar, ngoài vấn đề lịch sử, còn do hòn đảo này chiếm giữ vị trí địa lý chiến lược quan trọng, án ngữ ngay tại eo biển Gibraltar nối biển Địa Trung Hải với Đại Tây Dương và cũng là nơi kiểm soát tuyến đường ngắn nhất từ Bắc Phi sang lục địa châu Âu.

Hồi tháng 4/2017, chính phủ Tây Ban Nha đã đạt được một bước tiến quan trọng về vấn đề chủ quyền Gibraltar khi đưa được chủ đề này vào trong Bản chiến lược đàm phán tổng thể về Brexit của Liên minh châu Âu. Theo đó, sẽ không có một thoả thuận nào về quan hệ tương lai giữa Liên minh châu Âu với nước Anh được áp dụng với đảo Gibraltar nếu không có sự nhất trí của cả hai nước Anh và Tây Ban Nha. Đây được xem là một hình thức gián tiếp công nhận các quyền lịch sử của Tây Ban Nha đối với hòn đảo này.

Tuy nhiên, chính phủ Anh của bà Theresa May khi đó đã tuyên bố nước Anh “sẽ không bao giờ” nhượng bộ vấn đề chủ quyền của đảo Gibraltar nếu không có sự đồng thuận của các cư dân sống trên đảo./.