Đàm phán Brexit vẫn bế tắc: Kịch bản nào cho tương lai Anh và EU?
Cột mốc quan trọng trước mắt để hai bên đạt được một thỏa thuận “ly hôn” cũng như phác thảo quan hệ thương mại trong tương lai là đêm khai mạc thượng đỉnh EU tại Brussels 17/10. Tuy nhiên, đến nay, các bên vẫn đang bất đồng với một số vấn đề quan trọng. Tình thế hiện nay đặt ra câu hỏi, liệu kế hoạch rời EU của Anh có thể đi đúng lộ trình, nếu các cuộc đàm phán thất bại, kịch bản cho tương lai của Anh trong EU sẽ ra sao?
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô London (Anh). (Ảnh: AFP |
Anh và EU chưa tìm được tiếng nói chung
Sau hơn 1 năm rưỡi chính thức đàm phán thì Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đang đi đến những bước cuối cùng để có thể đạt được một thoả thuận về Brexit- tức là việc nước Anh rời khỏi khối.
Nhưng đây cũng chính là giai đoạn khó khăn nhất bởi như chính Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu, ông Michel Barnier đã tuyên bố tuần trước, hai bên đã thống nhất được khoảng 85% nội dung thoả thuận, bao gồm tổng cộng 168 điều khoản và 3 Nghị định thư. Nhưng vấn đề khó khăn nhất thì vẫn chưa được giải quyết, đó là chuyện biên giới giữa nước Cộng hòa Ireland thuộc Liên minh châu Âu và vùng Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh.
Cụ thể, bản chất câu chuyện ở đây như sau: theo kế hoạch, tức vào ngày 30/3/2019, Brexit chính thức có hiệu lực và Vương quốc Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu, và khi đó sẽ phải thiết lập lại việc kiểm soát biên giới giữa Anh và Liên minh châu Âu, mà cụ thể ở đây là giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland thuộc Liên minh châu Âu.
Nhưng nếu điều này được thực hiện thì sẽ đe doạ tiến trình hoà bình trên đảo Ireland mà phải mất vài thập kỷ bạo lực mới được giải quyết cách đây hơn 2 thập kỷ nhờ thoả thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” ký năm 1998. Vì thế, cả EU lẫn Anh đều thống nhất là không muốn tái lập một đường biên giới vật lý, tức là biên giới cứng có hàng rào ngăn cách, có trạm biên phòng… giữa Ireland và Bắc Ireland.
Để giải quyết khúc mắc đó, EU đề xuất để riêng vùng Bắc Ireland nằm trong liên minh thuế quan châu Âu, tức Bắc Ireland sẽ tuân thủ các quy định của châu Âu để qua đó vẫn giữ nguyên sự thông thương không bị ngăn cản với Ireland. Nhưng như thế thì sẽ phải có sự kiểm soát hải quan với hàng hoá từ Anh sang Bắc Ireland. Đề xuất này bị phía Anh phản đối, và đặc biệt là bị đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) phản đối vì cho rằng như thế là chia cắt Bắc Ireland khỏi Anh. Đảng DUP chỉ là một đảng nhỏ, chỉ có 10 nghị sĩ trong Nghị viện Anh nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc duy trì đa số cho chính phủ cầm quyền của đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May nên sự phản đối của đảng này đủ sức nặng đe doạ đến chính phủ Anh.
Nhằm hoá giải điều này, bà May từng đưa ra đề xuất là ngoài Bắc Ireland thì Anh cũng vẫn ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu, nhưng có chọn lọc hơn. Tuy nhiên, 27 nước châu Âu bác bỏ thẳng đề xuất của Anh vì cho rằng như thế không khác gì Anh vẫn được tiếp cận thị trường đơn nhất châu Âu mà lại không chịu tuân thủ các quy định của khối.
Có thể nói, vấn đề biên giới Bắc Ireland thực sự cực kỳ phức tạp bởi liên quan đến lợi ích cốt lõi của cả hai phía mà cả hai đều không muốn, thậm chí là không dám đưa ra nhượng bộ.
Anh chưa định hình được kỷ nguyên hậu Brexit.
Ở thời điểm này, toàn bộ năng lượng của cả hai phía EU và Anh đều đang tập trung vào việc đạt được thoả thuận Brexit, tức là phải giải quyết êm thấm chuyện chia tay, rồi mới bàn tiếp đến mối quan hệ tương lai.
Thực chất tiến trình Brexit là tiến trình gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là hoàn tất việc Anh rời EU theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon, trong đó cụ thể là các vấn đề về việc Anh phải trả bao nhiêu tiền cho EU, quyền lợi các công dân hai bên được duy trì ra sao, và như tôi vừa phân tích ở trên, là chuyện biên giới Bắc Ireland. Nếu việc chia tay được giải quyết, hai bên sẽ duy trì 1 giai đoạn quá độ 21 tháng, đến cuối năm 2020 và trong giai đoạn quá độ đó, hai bên sẽ bàn sâu về tính chất mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.
Vì thế, tầm nhìn của nước Anh về kỷ nguyên hậu Brexit ra sao phụ thuộc rất lớn vào việc giải quyết việc chia tay thế nào. Hiện tại thì trong nội bộ nước Anh, và trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền thì sự tranh cãi giữa hai quan điểm. Những người ủng hộ “Brexit cứng” muốn có một sự chia tay mạnh mẽ với châu Âu và cho rằng, trong kỷ nguyên hậu Brexit, nước Anh cần vươn ra thế giới để tìm kiếm các đối tác khác. Trong khi đó, những người theo quan điểm “Brexit mềm” cũng chính là những người muốn nước Anh gắn chặt lợi ích với EU về lâu dài, kể cả khi không còn là thành viên EU.
Ở thời điểm này, do sức ép của việc giải quyết chuyện chia tay với EU nên giới tinh hoa chiến lược Anh chưa thực sự đi sâu vào vấn đề hậu Brexit. Tuy nhiên, qua các phát biểu của nhiều chính trị gia tại Anh và châu ÂU thì có thể thấy, về lâu dài, về tầm nhìn chiến lược, cả hai phía Anh và EU đều nhiều lần tuyên bố rằng họ đặt ra mục tiêu xây dựng một quan hệ đối tác cực kỳ chặt chẽ, không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị, an ninh bởi điều đó mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Chuẩn bị cho kịch bản không đạt được thỏa thuận
Theo dự kiến ban đầu, EU và Anh sẽ đạt được một thoả thuận Brexit sơ bộ để trình ra nguyên thủ các nước tại Thượng đỉnh châu Âu tuần này. Tuy nhiên, vấn đề Bắc Ireland đã cản trở và hai bên đang tạm ngưng đàm phán, vì thế tại Thượng đỉnh châu Âu, điều được mong chờ bây giờ là liệu phía Anh có đưa ra một đề xuất mới nào để phá thế bế tắc hay không. Về phía EU thì từ tháng 5/2018, nguyên thủ các nước đã thống nhất giữ nguyên chiến lược đàm phán và trao sự tin tưởng tuyệt đối cho phái đoàn đàm phán do ông Michel Barnier dẫn dắt, nên từ phía EU sẽ khó có đột biến.
Mục đích cao nhất của hai bên là đạt được thoả thuận Brexit để tránh các hậu quả khó lường của việc không có thoả thuận, vì thế, kịch bản mà giới phân tích châu Âu nhắc đến nhiều là tại Thượng đỉnh này, có thể hai bên sẽ đưa ra 1 vài ý tưởng mới để tiếp tục đàm phán và sau 1 tháng nữa, tức trung tuần tháng 11/2018, EU sẽ lại họp Thượng đỉnh và khi đó hai bên sẽ đạt thoả thuận. Cần nhắc lại rằng, cả hai bên đều thông báo đã đạt được đồng thuận từ 85 đến 90%, nên bất cứ lúc nào cũng có thể có đột phá quyết định một khi khúc mắc lớn nhất còn lại là vấn đề Bắc Ireland được giải quyết./.