Đàm phán Brexit: Đường biên giới cứng hay mềm trên đảo Ireland?
Ngày 16/8, vòng đàm phán mới giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tại thủ đô Brussels của Vương quốc Bỉ. Tại vòng đàm phán này, các bên tập trung thảo luận về các giải pháp cho vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland của Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland sau khi nước Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit.
Đảo Ireland gồm Cộng hòa Ireland (phần màu vàng) và khu vực Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh. Ảnh: KT |
Tương lai của đường biên giới 500 km giữa hai bên hiện đang là một trong những vấn đề lớn nhất chưa được giải quyết trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang tìm kiếm một phương thức nhằm đảm bảo không xảy ra sự xáo trộn tại Ireland.
Theo lịch trình, Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh Dominic Raab và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier không tham dự phiên đàm phán lần này.
Số liệu thống kê mới đây từ Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh cho biết, Cộng hòa Ireland chiếm 27% kim ngạch xuất khẩu quốc tế của Bắc Ireland và trở thành đối tác thương mại số một của khu vực này, trong khi nước Mỹ chiếm vị trí thứ 2 với 25%. Phần lớn xuất khẩu của Bắc Ireland sang Cộng hòa Ireland là các mặt hàng thực phẩm, gia súc, đặc biệt các chế phẩm từ sữa chiếm đến 33% tổng kim ngạch. Hơn 2/3 doanh nghiệp xuất khẩu của Bắc Ireland là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có lẽ vấn đề khó khăn và gây tranh cãi nhất do Brexit mang lại là đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, mặc dù hai bên đều nhất trí cần có một chính sách đảm bảo để tránh một đường biên giới cứng tại Bắc Ireland nếu như những thỏa thuận hải quan thích hợp không đạt được giữa Anh và EU trong thời gian chuyển đổi đến hết tháng 12/2020. EU tin rằng chính sách đảm bảo sẽ là Bắc Ireland ở lại trong thị trường đơn lẻ đối với hàng hóa và liên minh thuế quan cho đến khi Anh tìm ra được giải pháp đối với vấn đề đường biên giới.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier cho biết: "Chúng tôi không yêu cầu một biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh, nhưng chúng tôi cần kiểm tra hàng hóa, bởi vì Vương quốc Anh muốn rời khỏi thị trường đơn lẻ, liên minh thuế quan và chính sách thương mại chung của EU. Chúng tôi không thể mất thời gian về vấn đề này".
Tuy nhiên, Thủ tướng Theresa May lại muốn kế hoạch đảm bảo này được áp dụng trên toàn nước Anh chứ không áp riêng cho vùng Bắc Ireland.
Tháng trước, Thủ tướng Anh đã có chuyến thăm đầu tiên đến biên giới Ireland kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016. Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, bà Theresa May đã tái khẳng định cam kết của mình về một Brexit tránh để xảy ra tình trạng một đường biên giới cứng. Trong Sách Trắng của chính phủ, Anh đã loại trừ bất kỳ hình thức biên giới cứng nào.
Dự kiến tối 17/8 (giờ địa phương), kết thúc vòng đàm phán, hai bên sẽ chuyển sang bàn thảo về đề xuất liên quan tới mối quan hệ tương lai giữa 27 nước thành viên còn lại với Anh sau khi nước này rời EU.
Theo các nhà phân tích, hiện hai bên đang chạy đua với thời gian khi cả Anh và EU đều muốn có một thỏa thuận vào tháng 10 tới để trình quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu thông qua. Trước hàng loạt trở ngại, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics nhận định, cơ hội chỉ là 50-50 bởi điều này còn phụ thuộc vào hành động cụ thể của các bên. Cả EU và Anh cần phải thể hiện gấp đôi nỗ lực hiện tại và thay đổi cách tiếp cận để hướng tới mục tiêu chung là đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả 2 bên./.