Trong phiên họp đầu tiên, các Ngoại trưởng NATO đã đồng ý thông qua gói hơn 40 giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa NATO và Liên minh châu Âu trong 7 lĩnh vực chính, trong đó có các thỏa thuận mở rộng phối hợp trên đất liền, trên biển và trên không gian mạng để đối phó với những mối đe dọa chung.

hoi nghi ngoai truong nato ban ve ukraine is va quan he voi my

Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng NATO. Ảnh: NATO

Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, trong tháng 7 vừa qua, NATO và EU đã ký Tuyên bố chung tăng cường hợp tác.

Tại cuộc họp ngày 6/12, các bên quyết định cách thức biến những tuyên bố đó thành hành động cụ thể. Tổng thư ký NATO cũng hoan nghênh việc EU tiến hành các bước tăng cường kế hoạch phòng thủ riêng, đánh giá điều đó rất quan trọng khi kế hoạch được bổ sung cùng với những nỗ lực của NATO.

Ông Stoltenberg cho biết, các Ngoại trưởng cũng đã xem xét việc thực hiện kế hoạch ổn định đường biên giới bên ngoài NATO, trong đó có việc hỗ trợ của khối đối với liên quân chống tổ chức IS tự xưng do Mỹ dẫn đầu, kế hoạch huấn luyện cho binh sĩ Iraq và chiến dịch tuần tra mới ở Địa Trung Hải.

Tham dự phiên họp đầu tiên của Hội nghị ngoại trưởng NATO, Cao ủy về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Federica Mogherini đánh giá cao sự hợp tác giữa NATO và EU.

“Quy mô và bản chất của những thách thức cũng như cơ hội mà chúng ta có được xung quanh mình là rất mới mẻ và cũng không hề nhỏ mà không thành viên nào có thể tự mình đương đầu, mà cần phải xây dựng các mối liên kết, làm việc cùng nhau.

Công dân của chúng ta đang ngày càng đòi hỏi an ninh nhiều hơn, vì thể chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ tập thể phải đảm bảo an ninh cho họ”, bà Mogherini nói.

Hội nghị Ngoại trưởng NATO lần này diễn ra trong bối cảnh, ông trùm bất động sản Donald Trump đã đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử hồi tháng trước. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần đặt câu hỏi liệu Mỹ có nên bảo vệ các đồng minh của mình hay không khi mà họ chi quá ít cho quốc phòng.

Nhiều người cũng lo ngại, sau khi lên nắm quyền, ông Trump có thể sẽ thu nhỏ ngân sách của Mỹ đóng góp cho NATO trong bối cảnh quan hệ giữa liên minh quân sự này với Nga đang gia tăng căng thẳng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa trấn an các đồng minh rằng, Mỹ sẽ vẫn duy trì cam kết với NATO ngay cả sau khi Tổng thống đắc cử Trump chính thức nhậm chức vào đầu năm 2017.

Phát biểu trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị ngoại trưởng NATO, ông Kerry cho biết: “Tôi tin tưởng chính quyền mới sẽ vẫn duy trì những cam kết cốt lõi với các thành viên của NATO, cũng như với EU.

Tôi không nghi ngờ điều đó. Hiện tại, dù có áp lực đối với vấn đề ngân sách đóng góp hay họ sẽ bắt đầu cam kết như thế nào, thì đó sẽ là sự lựa chọn của họ”.

Trong ngày 7/10, Ngoại trưởng các quốc gia hỗ trợ nhiệm vụ huấn luyện của NATO tại Afghanistan sẽ họp với Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani để tái khẳng định cam kết của NATO với Afghanistan. Cùng ngày cũng sẽ diễn ra cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine với sự tham gia của Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin.

Hai bên dự kiến thảo luận về tình hình ở miền Đông Ukraine và NATO tiếp tục khẳng định sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính trị đối với Ukraine cùng với các hành động cụ thể./.