de thuc day vung trung tam atk dinh hoa
Hiện nay, huyện Định Hóa mới chỉ có 3/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 13%). Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới thì huyện Định Hóa cần thêm nguồn lực đầu tư rất lớn từ Trung ương và tỉnh. Trong ảnh: Nhân dân xóm Đồng Uẩn, xã Phúc Chu làm đường bê tông từ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh.

Ngày 6-8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1318/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng trung tâm ATK Định Hoá, Thái Nguyên, giai đoạn 2013-2020 với phạm vi Đề án gồm 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mục tiêu của Đề án đến năm 2020 là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong huyện, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% và 40% số xã vùng ATK đạt tiêu chí nông thôn mới. Nâng cấp, phục hồi, tôn tạo một số điểm di tích lịch sử quan trọng, huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, phấn đấu đến năm 2020 có trên 800.000 lượt khách đến tham quan. Nhựa hoá hoặc bê tông hóa trên 80% các tuyến đường huyện (tương ứng 48,7km); 50% các đường giao thông liên thôn xóm (tương ứng 100km) và 50km tuyến đường nội đồng. Xây dựng 1 bến xe khách tại khu trung tâm thị trấn Chợ Chu và 3 điểm đón trả khách tại xã Phú Đình; xã Điềm Mặc; xã Lam Vỹ đạt tiêu chuẩn loại 4 trở lên. Hình thành các cụm công nghiệp nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn gắn với việc phát triển thị trường ở nông thôn. Đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp học, phấn đấu đến năm 2020 có 80% số trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã, thôn bản có nhà văn hóa, 98% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Để hoàn thành những mục tiêu đó, Chính phủ đã phê duyệt nguồn vốn thực hiện Đề án là 1.668 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ là 490 tỷ đồng; còn lại là các nguồn vốn huy động khác. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để Định Hóa có thêm nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Trên cơ sở nguồn vốn đã được phê duyệt, từ năm 2013 đến nay, huyện Định Hóa đã được đầu tư, hỗ trợ 376 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn huy động khác để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như: xây dựng hạ tầng giao thông; hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tôn tạo các điểm di tích lịch sử; thực hiện các chính sách an sinh xã hội… Từ những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ có hiệu quả đó, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện miền núi Định Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực; nông nghiệp - nông thôn ngày càng khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nghành công nghiệp và dịch vụ; tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt trên 13%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17,1 triệu đồng/người/năm (2013) lên 27,5 triệu đồng/người/năm (2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 33,9% (2013) xuống còn 24,6% (2016)...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nhìn chung, hiện nay, Định Hóa vẫn là huyện miền núi nghèo của tỉnh. Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh và cả nước (bằng 52% mức thu nhập bình quân của tỉnh). Hệ thống các công trình thủy lợi, hồ đập kênh mương còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai còn chậm do thiếu nguồn lực đầu tư. Đến nay, huyện mới có 3/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 13/%). Cơ sở hạ tầng cho giáo dục, y tế, đào tạo nghề còn thiếu, trang thiết bị không đồng bộ dẫn đến chất lượng giáo dục - đào tạo chưa cao, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn nhiều khó khăn. Toàn huyện mới xây dựng được 51/73 trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt 70%). Cơ sở vật chất văn hóa từ huyện đến cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ. Tính đến nay, toàn huyện có 388/435 thôn, bản, phố, xóm có nhà văn hóa (đạt 89%), trong đó mới chỉ có 87 nhà văn hóa thôn đạt tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; các nhà văn hóa còn lại đã được xây dựng từ lâu, hiện tại đã xuống cấp, trang thiết bị thiếu, không đủ diện tích để phục vụ các hoạt động văn hóa thể thao ở cơ sở. Tỷ lệ di tích lịch sử trên địa bàn huyện được xếp hạng mới đạt 30% (39/128 di tích), nhiều di tích được xếp hạng chưa được đầu tư tôn tạo nên việc phát huy giá trị di tích còn hạn chế. Đặc biệt là Di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Chợ Chu và nhiều điểm di tích quan trọng khác chưa được xếp hạng. Khu trung tâm ATK xã Phú Đình được xác định là khu du lịch của tỉnh và của Quốc gia nhưng hiện nay chưa được quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết nên chưa có cơ sở thu hút các nhà đầu tư…

Ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Chính phủ đã phê duyệt nguồn vốn thực hiện Đề phát triển kinh tế - xã hội vùng trung tâm ATK Định Hoá, giai đoạn 2013-2020 là 1.668 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 490 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ 2013 đến nay, tổng các nguồn vốn đầu tư theo Đề án mới chỉ đạt 376 tỷ đồng (đạt 22,5%), trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo Đề án là 46 tỷ đồng (đạt 10%); còn lại là các nguồn vốn khác và huy động đóng góp của nhân dân. Do nguồn lực đầu tư của Trung ương hạn chế, trong khi việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa gặp khó khăn nên một số mục tiêu của Đề án đề ra còn đạt thấp.

Từ thực tế nêu trên, thiết nghĩ để ATK Định Hóa phát triển ngang bằng với các vùng căn cứ cách mạng khác trong tỉnh và cả nước, xứng tầm địa phương có Di tích cấp Quốc gia đặc biệt thì ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện rất cần thêm các nguồn lực đầu tư lớn hơn nữa của Nhà nước.