Vai trò của phu nhân Tổng thống đang trở thành một trong những chủ đề tranh cãi đáng chú ý trên chính trường Pháp. Trong hai tuần qua, một bản kiến nghị trên mạng đã thu hút được gần 300 ngàn chữ ký, phản đối việc chính phủ Pháp chính thức hoá vai trò đệ nhất phu nhân của bà Brigitte Macron, phu nhân của đương kim Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron.

dan phap tranh cai ve vai tro de nhat phu nhan cua ba macron

Ông Macron và phu nhân chia vui trong đêm đắc cử Tổng thống Pháp. (Ảnh: Getty Images)

Những người đưa ra và ủng hộ kiến nghị này cho rằng, “không có bất cứ lí do gì để phu nhân của Nguyên thủ quốc gia lại được hưởng chu cấp một khoản từ ngân sách nhà nước”. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận từ không ít nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Pháp. Nhóm nghị sĩ của đảng “Nước Pháp bất khuất” ra tuyên bố phản đối việc bà Brigitte Macron được trao các phương tiện và hỗ trợ tài chính công cộng vì bà không phải là người được dân chúng Pháp bầu lên.

Nguyên nhân khiến các tranh cãi về vai trò “Đệ nhất phu nhân” tại Pháp bùng lên trong thời điểm này là do đang có thông tin về việc Phủ Tổng thống Pháp dự tính cuối tháng 8 này sẽ đưa ra một văn bản nhằm chính thức hoá vai trò “Đệ nhất phu nhân” của bà Brigitte Macron.

Theo các nguồn tin từ báo chí Pháp, văn bản này sẽ không được ban hành dưới dạng văn bản luật nhưng lại quy định rõ các quyền lợi mà phu nhân Tổng thống Pháp được hưởng cũng như vai trò mà bà này sẽ thể hiện trước công chúng Pháp. Cụ thể, phu nhân Tổng thống Pháp sẽ có một văn phòng riêng, có một đội ngũ thư ký, cận vệ cũng như một ngân sách hoạt động hàng năm lên tới nhiều trăm ngàn euro.

Tuy nhiên, các thông tin này đã ngay lập tức gây tranh cãi trong dư luận Pháp do vấn đề về đạo đức trong nền chính trị Pháp đang là chủ đề nhạy cảm trong thời gian qua.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay, ứng cử viên cánh hữu là ông Francois Fillon đã dính vào một bê bối lớn khi bị tố cáo đã tạo việc làm ảo và trả lương cho vợ con mình trong nhiều năm. Vì scandal này mà ông Fillon đã đánh mất vị thế ứng cử viên số 1 cho ghế Tổng thống Pháp và bị loại ngay từ vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống.

Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Emmanuel Macron cũng nêu việc phải làm trong sạch đời sống chính trị Pháp là một trong các ưu tiên hàng đầu sau khi trúng cử. Quốc hội Pháp tuần trước cũng đã thông qua luật về đạo đức hoá đời sống chính trị, theo đó cấm tất cả nghị sĩ cũng như thành viên chính phủ Pháp sử dụng người thân làm trợ lý trong công việc.

Vì thế, các phe phái đối lập đang nhân cơ hội này công kích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi cho rằng ông Macron đang lạm dụng ngân sách quốc gia để chi cho việc riêng.

Trên thực tế, mặc dù tại Pháp quy chế “Đệ nhất phu nhân” không được luật hoá như tại Mỹ nhưng theo truyền thống, phu nhân của Tổng thống Pháp cũng được trao một vai trò nhất định trước công chúng, chủ yếu là về mặt lễ tân cũng như trong các sự kiện nhân đạo.

Năm 2014, Thẩm kế viện tại Pháp cho biết chi phí trung bình dành cho hoạt động của một phu nhân Tổng thống Pháp trong những năm qua dao động từ 450 đến 720 ngàn euro và thông thường, một phu nhân Tổng thống sẽ được cấp 1 văn phòng, 1 quản lý, 1 trợ lý, 1 lái xe và một đội cận vệ.

Vì thế, theo các nhà phân tích, việc phu nhân Tổng thống Pháp Brigitte Macron bị phản đối như hiện nay, ngoài các lí do chính trị, còn có nguyên nhân khác về mặt xã hội và văn hoá, do bà lớn hơn Tổng thống Pháp đến 24 tuổi./.