25 tuổi, anh Vương Văn Lầu đã là 1 người có uy tín đối với bà con bản Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ). Anh Lầu cho biết: Làm trưởng bản, tôi thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong của một người cán bộ, gương mẫu chấp hành mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước. Tôi tích cực vận động bà con dân bản không mê tín dị đoan, không nghe lời xúi giục của người xấu, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Bà Miêu Thị Nguyệt (người ngồi giữa), xóm Na Quán (Nam Hòa) đã tự sưu tầm, chép lại rất nhiều bài hát soọng cô để truyền dạy cho bà con trong xóm.
Bà Miêu Thị Nguyệt (người ngồi giữa), xóm Na Quán (Nam Hòa) đã tự sưu tầm, chép lại rất nhiều
bài hát soọng cô để truyền dạy cho bà con trong xóm.

Mỗi người một hoàn cảnh và sinh sống ở một địa phương khác nhau, nhưng những điển hình về gia đình văn hóa tiêu biểu gặp nhau ở 1 điểm chung là năng động, nhiệt tình, gương mẫu trong phong trào sản xuất và thực hiện nếp sống văn hóa mới, có ý thức giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Ông Phạm Văn Ánh, xóm Cà Phê (xã Minh Lập) luôn có suy nghĩ rằng: Cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu bản thân mình biết chia sẻ với cộng đồng. Từ suy nghĩ ấy, ông luôn động viên người thân, họ mạc và bà con chòm xóm tích cực chấp hành, tham gia đầy đủ các phong trào ở địa phương. Ông Ánh cho biết: Gia đình tôi sinh sống nhờ vào cây chè, mỗi lứa thu hoạch được 200 kg chè khô, tương đương với số tiền 30 triệu đồng, trung bình 1 năm thu hái 7 lứa chè, làm được 1,4 tấn chè khô, bán được 210 triệu đồng. Có cuộc sống ổn định, vợ chồng tôi thường xuyên giúp đỡ một số bà con trong vùng, như tạo việc làm, giúp vốn vay, tư vấn về kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè chất lượng cao. Ông Quách Văn Mai, Trưởng Ban Vận động phong trào ở xóm Cà Phê cho biết thêm: Không chỉ tích cực lao động sản xuất, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, gia đình ông Ánh còn hăng hái hiến đất để xóm mở rộng đường theo tiêu chí nông thôn mới.

Chuyện xây dựng gia đình văn hóa, bà Miêu Thị Nguyệt, xóm Na Quán (Nam Hòa) cho biết: Tôi luôn khuyên dạy các con cháu trong dòng họ không được làm việc phi pháp, đồng thời vận động con, cháu tích cực tham gia các hoạt động phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ người nghèo hơn mình. Bản thân tôi tích cực tham gia phong trào văn nghệ, nghiên cứu, sưu tầm những làn điệu Soọng Cô - lời hát của dân tộc Sán Dìu để truyền dạy lại cho chị em. Còn ông Lưu Văn Nam, xóm Sông Cầu 2 (Hóa Thượng) tự hào: Gia đình tôi tham gia phong trào bằng những việc làm, hành động rất đời thường, như: Chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia đóng góp đầy đủ các quỹ do Nhà nước phát động; vận động con, cháu không mắc các tệ nạn xã hội; tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tham gia bảo vệ môi trường; bảo vệ an ninh trật tự thôn xóm và vận động con cháu chấp hành thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Gần 20 năm nay, gia đình tôi liên tục được Ban Vận động phong trào công nhận đạt tiêu chí gia đình văn hóa.

Những điển hình tiên tiến như những bông hoa trong vườn xuân của phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Những bông hoa ấy được chăm bón, bồi vun và đơm bông từ thực tế cuộc sống hằng ngày, và từ những việc làm tưởng chừng nhỏ bé ấy đã tạo dựng nên những phẩm chất tốt ở một con người, một gia đình, dòng họ. Giữa đời thường hôm nay, họ xứng đáng được ví như những bông hoa đẹp.

CTV Chí Cường