Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên thăm, học hỏi kinh nghiệm về Chương trình mục tiêu
Quốc gia xây dựng NTM và Chương trình NS và VSMTNT tại tỉnh Ninh Thuận

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bình Thuận, từ năm 2011 đến năm 2013, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư cho xây dựng NTM, nâng cấp nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi…Tính đến nay, tỉnh Bình Thuận đã có 100% các xã hoàn thành phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng NTM. Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận quản lý 38 công trình cấp nước tập trung, với công suất thiết kế 25.000m3/ngày, cung cấp cho trên 35.000 khách hàng lắp thủy kế, doanh thu khoảng 50 tỷ đồng Trung tâm đã bảo đảm cho trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, xã vùng sâu, vùng xa được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh…Để làm tốt nhu cầu dùng nước sinh hoạt cho nhân dân, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thường xuyên theo dõi kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước. Các công trình cấp nước thường xuyên được cập nhật công nghệ mới trong quản lý, khai thác.

Ông Nguyễn Đắc Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: “Để phục vụ tốt nước sạch cho người dân, trước hết nên đầu tư những công trình công suất lớn từ 1.000 đến vài nghìn m3/ngày; trong đó có công nghệ xử lý nước đạt tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu của người dân và quan trọng nhất là lấy các công trình cấp nước hiệu quả để bù cho vùng cấp nước khó khăn”.

Còn tại tỉnh Ninh Thuận, hiện nay toàn tỉnh có 28 xã miền núi và 21 xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 23%. Thực tế hiện nay, nguồn nước ngầm tại Ninh Thuận dần cạn kiệt, trong khi đó, các công trình cấp nước sinh hoạt chủ yếu là công trình cấp nước tập trung ở vùng đồng bằng, miền núi chủ yếu là các công trình cấp nước tự chảy. Đến nay, Ninh Thuận đã xây dựng được 55 hệ thống cấp nước tập trung, trong đó Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 45 hệ thống. Các công trình này được xây dựng từ lợi thế của các nguồn nước mặt từ sông, suối, công trình thủy lợi. Tính hết năm 2013, tỉnh Ninh Thuận đã có trên 80% dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có gần 60% là nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế.

Trên cơ sở tiếp thu những bài học kinh nghiệm thực tế từ phong trào xây dựng NTM của 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Về chỉ đạo, điều hành Chương trình mục tiêu xây dựng NTM và Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh Thái Nguyên đã đi đúng hướng. Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt hơn và áp dụng những bài học phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, nghiên cứu lại các cơ chế của tỉnh cho phù hợp để vừa có nguồn kinh phí tu sửa lại những cơ sở cung cấp nước sạch đang bị hỏng nhưng vẫn có thể khắc phục; vừa sắp xếp lại công tác quản lý; cũng như tiếp tục kết hợp hiệu quả các điểm cấp nước, hệ thống cung cấp nước mặt cho hợp lý”.

TỈnh Thái Nguyên phấn đấu hết năm 2014, sẽ có gần 700.000 người, tương đương với khoảng 82% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 58% số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế./.

Bùi Thế