Võ Nhai còn 5 xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Có hồ sơ, báo cáo, nhưng không đủ tài liệu minh chứng là nguyên nhân khiến 5 xã của huyện Võ Nhai chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật 2020.

Xóm Na Cà, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, có 126 hộ, cơ bản là người dân tộc Tày và Dao đang sinh sống bằng nghề làm ruộng và trồng rừng. Ngoài ra, một số thanh niên đi làm ăn xa. Các đoàn thể xóm đã làm tốt công tác dân chủ ở cơ sở, do vậy huy động được sức dân làm đường bê tông, xây dựng được nhà văn hóa. Các hoạt động khác liên quan đến pháp luật cũng được người dân quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, các buổi tuyên truyền về pháp luật có số người dân đến dự còn ít, nhận thức về pháp luật còn bị hạn chế.

Ông Nguyễn Trọng Chất, Phó trưởng Xóm Na Cà, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai thông tin: “Trong thời gian qua, nói chung là kiến thức pháp luật cũng được phổ biến, nhưng về rượu chè, cờ bạc, bạo lực gia đình cũng hạn chế. Mong muốn là với thực tế cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn vào xóm. Xóm đây hơn 100 hộ mà đa số họp xóm là không hay đến”.

Thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật gồm 5 tiêu chí, trong đó có nhiều chỉ tiêu để tính điểm, với mức đạt điểm số cao nhất là 100 điểm, nếu đạt trên 80 điểm thì xã đó đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo kết quả Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật của huyện Võ Nhai năm 2020 thì xã Vũ Chấn được chấm 77 điểm, chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định. Các tiêu chí đạt thấp như: công tác phổ biến và giáo dục pháp luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, do có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, khoảng cách các hộ khá xa nhau, trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế. Ngoài ra, còn một số chỉ tiêu bị trừ điểm khác.

Ông Triệu Thế Hiện, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai thông tin: “Thứ nhất về nâng tiêu chí tiếp cận pháp luật, đề nghị huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí. Thứ 2 là báo cáo HĐND xã dành một khoản kinh phí cho các tổ hòa giải, thành viên của Hội đồng giáo dục pháp luật của xã có kinh phí để tuyên truyền. Vụ việc xảy ra trên địa bàn đều giải quyết xong, những vụ vượt quá thẩm quyền mới gửi lên huyện thôi”.

Võ Nhai còn 5 xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Hỗ trợ thêm kinh phí là một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng, khối lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Đối với xã Nghinh Tường, chính quyền khẳng định công việc tiếp cận pháp luật thực hiện cơ bản đạt các tiêu chí, nhưng quá trình thực hiện chậm tiến độ báo cáo và tài liệu minh chứng cũng bị trừ điểm. Như Tiêu chí 1 về nội dung an ninh trật tự còn để xảy ra tình trạng đánh bạc do còn đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn. Tiêu chí 3 là công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục đến các xóm, bản. Trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, không đồng đều nên hoạt động tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Chưa xây dựng được kinh phí cấp cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tủ sách pháp luật đã được cung cấp tại cấp xã, nhưng chưa có vị trí thuận lợi để cán bộ và nhân dân tìm hiểu.

Ông Nông Đinh Tuất, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai cho rằng: “Trong năm 2021, UBND xã sẽ chỉ đạo lực lượng công an xã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật cho cán bộ và đến từng người dân trên địa bàn xóm; xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm để làm gương cho các công dân khác trên địa bàn xã. Về công tác hòa giải, ngay từ đầu năm xã đã tuyên truyền đến các trưởng xóm để phổ biến tới nhân dân kịp thời trong các cuộc họp xóm”.

Sau khi huyện Võ Nhai tổ chức Hội đồng đánh giá và chấm điểm công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020: Trong đó có 10 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; còn 5 xã là Sảng Mộc, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Thần Sa và Thượng Nung đã có hồ sơ, báo cáo, nhưng không đủ tài liệu minh chứng, do đó Hội đồng không có cơ sở đánh giá, chấm điểm đạt cao. Các xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020 chủ yếu là do chưa thực hiện được kinh phí chi cho công tác hòa giải cơ sở; chưa cung cấp nhiều tài liệu và tổ chức hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật thường xuyên. Vì vậy, việc nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân còn nhiều hạn chế.

Ông Hoàng Văn Thảo, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Võ Nhai cho biết về giải pháp: “Các xã phía bắc, huyện xác định là tập trung hồ sơ như năm 2020 chúng tôi chấm không đạt. Lý do, các xã chưa tập hợp được hồ sơ minh chứng đầy đủ. Điều đó cũng thể hiện các xã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Năm nay, sẽ đẩy mạnh việc các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết cho người dân; đồng thời cũng thực hiện đầy đủ các bước hòa giải, xây dựng lại các hương ước, quy ước để người dân hiểu rõ, nâng cao hiểu biết pháp luật trong công đồng dân cư; giảm tỷ lệ tệ nạn xã hội trong cộng đồng theo quy định của pháp luật”.

Với những định hướng triển khai như vậy, hy vọng trong năm 2021, huyện Võ Nhai sẽ thêm nhiều xã có kết quả đánh giá, chấm điểm đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đây cũng chính là một trong các tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương./.