Trại Cài nhộn nhịp chợ chè
Tư thương gom chè Trại Cài về các điểm ven đường xã Minh Lập chờ xếp lên xe chuyển về các tỉnh. |
Mới 7 giờ sáng, các ngả đường liên xóm, liên xã hướng về chợ Minh Lập đã chật kín xe ô tô, xe thồ chờ “ăn” hàng. Mỗi người cầm trên tay một phích nước, một cặp chén pha trà đứng ngay bên thùng xe để thẩm định và giao dịch. Người từ khắp nơi chở những bao tải trà nghễu nghện sau xe máy hoặc chất đầy trong thùng ô tô tải đổ về chợ mỗi lúc một đông. Người bán đã mở sẵn những bao trà tươi cười, đon đả. Người mua vui chân dừng lại, một tay thọc vào bao nhúm một nhúm trà thả vào lòng bàn tay kia, dàn đều để cảm nhận bằng tay, ngắm bằng mắt, đưa lên mũi ngửi. Ưng thuận thì thả nhúm trà vào một cái chén, mở phích rót nước sôi ngập trà rồi đổ đi; tiếp tục rót nước sôi ngập trà và lấy một cái chén khác úp lên trên. Hãm chừng ít phút, người mua cầm hai chén trà lên đổ nước sang nhau để ngắm màu nước, ngửi hương, nhấp vài ngụm mà cảm nhận. Sự cầu kỳ và tinh túy của những người mua, bán trà chính là cách kiểm tra: Bắt đầu từ ngắm hình thức, ngửi hương, ngắm sắc màu nước trà đã pha, đánh giá vị và xem hình nõn trà qua bã sau khi ngâm nước.
Chị Vũ Thị Sáu, một “tay buôn” có thâm niên “bám” chợ chè tại Cài, đến từ tỉnh Hưng Yên tự lái xe tải lên láy hàng từ 3 giờ sáng mà vẫn thoăn thắt giao dịch với từng chủ lô hàng. Hình như chị chỉ thẩm định trà qua hương và sắc, vừa vo nhúm chè khô, vừa lấy tăm gạt bã xem nõn, chị “phán”: Chè này tưới quá nhiều nước mấy hôm giáp Tết rồi, được nước, nhưng nhạt vị. Chè một tôm, một lá gì mà ngắt dài thế, như sắp quá lứa… Chắc gần Tết bận quá không thu kịp hả? Bã trà mà nở to như lá đa thế làm sao được giá…”. Chị ưu tiên nhập chè những hộ đã quen biết, rồi nhập tiếp của các hộ khác. Chỉ chưa đầy 30 phút, xe ô tô đã chất đầy chè khô, mỗi bao một ký hiệu riêng. Chị Sáu bảo: “Năm nay trời ít rét, thời tiết cũng không khô hạn, nên chè Đông được mùa. Hết đợt chè Đông, lứa chè đầu Xuân cũng lên rất tốt, cánh đẹp. Như mọi năm, chè Xuân phải độ cuối tháng Giêng mới cho thu hoạch”.
Mải theo dõi hoạt động giao dịch, thu gom chè, đến khi chúng tôi lách người được đến phía trong chợ, thì cũng là lúc chợ chè sắp hết phiên mua bán. Tất cả các xe tải đều đã quay đầu chuẩn bị đóng thùng đưa hàng về các tỉnh. Bà Nguyễn Thị Liên, chủ một đại lý thu gom chè ngay cổng chợ cho biết: “Mỗi xe là một nhà phân phối lại, mỗi đại lý tại cổng chợ cũng vậy, sau phiên chợ là hàng được chuyển đi ngay. Nhà tôi chuyên phân phối lại đi Cần Thơ, Bình Dương và cũng chỉ lấy của mấy nhà vườn theo hợp đồng cả năm. Nếu phát sinh mua thêm thì phải thử, nếm kỹ, không cẩn thận là mất khách, mất mối. Làm chè mỗi phiên giao dịch vài tấn, nhà vườn cũng phải làm hàng tuần mới được vài tạ chè, nên ai cũng coi trọng chữ tín. Chỉ cần hàng bị trả lại là nhà vườn thất thu, đồng nghĩa với việc nông dân bị lỗ vốn, thiệt đơn, thiệt kép”.
Chúng tôi trở lại UBND xã Minh Lập, Chủ tịch Nguyễn Minh Hoan phấn khởi vào chuyện: Năm nay thời tiết thuận với cây chè, nên bà con nông dân được mùa. Phiên chợ đầu năm chỉ giao dịch trong gần 2 tiếng đồng hồ đã sạch hàng thì thật may mắn. Chè được giá vì chất lượng tốt, sức mua tăng nên giao dịch nhanh, đồng nghĩa với việc chè Cài đã đi rất xa và rất nhanh, đến với nhiều địa phương trong cả nước. Từ năm 2010 trở lại đây, cây chè trên đất Minh Lập được xác định là cây kinh tế mũi nhọn, cây giảm nghèo và làm giàu nên chính quyền tạo mọi điều kiện tốt nhất để chuyển đổi hàng trăm héc-ta đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng chè giống mới; chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội đướng ra tín chấp, hỗ trợ nhân dây vay vốn ưu đãi mở rộng và đầu tư thâm canh cây chè, nên giờ cây chè đạt cả về chất là lượng. Hàng năm toàn xã được vay vốn ưu đãi với mức dư nợ từ 300-500 triệu đồng tập trung phát triển cây chè. Đến nay toàn xã đã có trên 300ha chè kinh doanh và 50ha chè trồng mới, trong đó tỷ lệ chè giống mới, chiếm trên 30% tổng diện tích. Mỗi năm sản lượng chè khô sao suốt được giao dịch tại chợ Trại Cài từ 600-700 tấn. Nhờ cây chè, đến năm 2015, xã Minh Lập chỉ còn 7% hộ nghèo (1.650 hô). Đặc biệt, từ sản xuất, kinh doanh chè, xã có thêm 50 hộ chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kết hợp làm nghề dịch vụ cơ khí, dịch vụ vật tư nông, lâm nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập và đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng hóa trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Nắng mới ấm lên như đang thức tỉnh từng chồi non trên những nương chè mới qua giấc ngủ Đông, tạo nên những mảng màu xanh mơn man uốn lượn, hứa hẹn những lứa chè mới bội thu. Theo những chuyến hàng hối hả xuôi về các ngả đường, dư vị ngọt sâu trà Cài vẫn lắng đọng, vấn vương để cho mọi người khắc ghi thêm một địa chỉ “đỏ” trong xứ Trà Thái với tên gọi Trại Cài.