Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin vụ án "Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán"

Ngày 29/01/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phận tập đoàn Tiến Bộ, địa chỉ: Tổ 3, phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Liên quan đến vụ án, ngày 21/02/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Quyết định khởi tố 04 bị can (đều thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Tiến Bộ). Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.

Việt Nam chủ động, tích cực đóng góp vào các nỗ lực thúc đẩy y tế toàn cầu

Tin 24h ngày 25/2/2023
Quang cảnh phiên họp.

Ngày 24/2, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã nhất trí thông qua 2 Nghị quyết về phương thức tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh và Phiên họp cấp cao về phòng chống bệnh lao, dự kiến sẽ được tổ chức trong Tuần lễ cấp cao khóa 78 ĐHĐ LHQ tháng 9/2023. Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó dịch bệnh được tổ chức nhằm mục đích rút ra các kinh nghiệm, bài học của thế giới trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, qua đó thúc đẩy cách tiếp cận đa chiều nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. Trong khi đó, Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng về phòng chống bệnh lao nhằm mục tiêu huy động ý chí chính trị và tăng cường các biện pháp để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tài chính và đổi mới để nhanh chóng chấm dứt đại dịch lao toàn cầu, thông qua đảm bảo tiếp cận bình đẳng cho các biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị. Trên cương vị nước chủ trì xây dựng Nghị quyết của ĐHĐ LHQ về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh năm 2020 và là nước nòng cốt đưa ra Nghị quyết về tổ chức Phiên họp cấp cao của ĐHĐ về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh năm 2022, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chủ động phối hợp với các nước nòng cốt khác dẫn dắt tiến trình thương lượng để ĐHĐ đồng thuận thông qua 2 nghị quyết nói trên. Trong quá trình thương lượng đó, Việt Nam nhấn mạnh và bảo vệ thành công các nội dung quan trọng của các nghị quyết, như cần phải đảm bảo tính liên kết và tương hỗ giữa các tiến trình lớn về y tế được thảo luận trên các diễn đàn đa phương liên quan; thu hẹp khoảng cách về tài chính; đề cao sự cần thiết phải tăng cường phòng chống các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai thông qua chia sẻ các bài học và kinh nghiệm từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19; nêu bật tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận kịp thời, công bằng và không bị cản trở đối với vaccine, chẩn đoán, điều trị cũng như tăng cường hệ thống y tế và khả năng chống chịu để đạt được phổ cập bảo hiểm y tế cho tất cả người dân. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình thương lượng tuyên bố chính trị của các hội nghị nói trên để đóng góp hơn nữa vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, cũng như sớm chấm dứt đại dịch lao trên toàn cầu.

Thời tiết ngày 25/2: Bắc Bộ trời rét, Quảng Trị đến Khánh Hòa có nơi mưa to và dông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 25/2, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3; vùng ven biển cấp 3-4, có nơi giật trên cấp 6. Ở khu vực Bắc Bộ và và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 12-15 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 9-12 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 6 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế phổ biến 16-19 độ C. Trên biển: ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, ngày 25/2 có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-3m, biển động mạnh; khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-5m, riêng Bắc Biển Đông 4-6m, biển động mạnh. Ngày và đêm 25/2, khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, có nơi mưa to và dông; mưa vừa có khả năng kéo dài đến ngày 28/2. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Không khí lạnh gây gió mạnh, sóng cao, ảnh hưởng tới các hoạt động trên biển. Khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, cục bộ có mưa to có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng thấp trũng.

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:

Thời tiết Thủ đô Hà Nội có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông bắc cấp 3. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 13-16 độ C. Nhiệt độ cao nhất 20-22 độ C. Khu vực phía Tây Bắc Bộ nhiều mây, có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng. Gió nhẹ. Trời rét, có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất 13-16 độ C, có nơi dưới 11 độ C. Nhiệt độ cao nhất 19-22 độ C; riêng khu vực Tây Bắc có nơi trên 22 độ C. Phía Đông Bắc Bộ có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4. Trời rét, vùng núi có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất 13-16 độ C, vùng núi 10-13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 7 độ C. Nhiệt độ cao nhất 19-22 độ C, có nơi trên 22 độ C; riêng vùng núi có nơi dưới 18 độ C. Các tỉnh khu vực miền Trung từ Thanh Hóa - Thừa Thiên-Huế nhiều mây, phía Bắc có mưa vài nơi; phía Nam có mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió bắc đến tây bắc mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ C, riêng phía Nam 16-19 độ C. Nhiệt độ cao nhất 19-22 độ C. Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, phía Bắc có mưa vừa, có nơi mưa to và dông; phía Nam có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc 3-4, riêng vùng ven biển có nơi giật trên cấp 6. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C, phía Nam có nơi 28-30 độ C. Khu vực Tây Nguyên có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C. Nam Bộ có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C, miền Đông có nơi trên 34 độ C.

Mexico hạ nhiều sắc thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thép Việt Nam

Sáng 24/2 (theo giờ địa phương), Bộ Kinh tế Mexico ra phán quyết cuối cùng đối với vụ điều tra chống bán phá giá thép cán mạ có nguồn gốc từ Việt Nam, trong đó phía Mexico hạ hầu hết các sắc thuế nhập khẩu so với phán quyết sơ bộ trước đó. Theo phóng viên báo chí tại Mexico City, phán quyết cuối cùng Bộ Kinh tế Mexico sẽ tạo cơ hội cho các sản phẩm thép cán mạ Việt Nam quay lại quốc gia Mỹ Latinh, sau gần 2 năm gián đoạn bởi quá trình điều tra bán phá giá của Cơ quan Thực thi Thương Mại quốc tế Mexico (UPCI) thực hiện. Phán quyết cuối cùng của Bộ Kinh tế Mexico ghi rõ biểu thuế nhập khẩu áp lên sản phẩm thép cán mạ từ các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đa số đã được giảm ở mức trung bình khoảng 1,5% so với phán quyết trước đó. Với biểu thuế mới, các doanh nghiệp sản xuất thép cán mạ Việt Nam sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá thấp hơn, giao động từ 0% đến mức cao nhất là 10,84%. Nhận định về phán quyết ngày 24/2 của Bộ Kinh tế Mexico, Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoành Năm cho biết, thời gian qua các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mexico đã rất nỗ lực trong quá trình theo dõi diễn biến vụ việc, phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong nước để đưa ra các biện pháp vận động, đấu tranh phù hợp với tình hình sở tại, yêu cầu của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam đã cùng Thương vụ Việt Nam tại Mexico tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với Lãnh đạo Bộ Kinh tế Mexico nhằm thông báo tình hình, quan điểm của Việt Nam, cũng như làm rõ những vấn đề còn khúc mắc. Đánh giá về biểu thuế mới, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico Lưu Vạn Khang cho biết mức thuế chống bán phá giá theo phán quyết cuối cùng của Bộ Kinh tế Mexico là hoàn toàn có thể chấp nhận được, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu, tuân thủ các quy định và luật pháp theo thông lệ quốc tế. Theo ông Lưu Vạn Khang, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam, bản thân các doanh nghiệp tham gia vào vụ kiện cũng đã rất chủ động trong việc cung cấp thông tin ban đầu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan, cũng như thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của phía Mexico trong quá trình điều tra. Trước đó, Theo Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương, do Việt Nam và Mexico cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các sản phẩm thép cán mạ của Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang Mexico. Nhờ đó, trong năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 220 triệu USD sắt thép sang Mexico, tăng khoảng 70% so với năm 2019. Trong đó, các sản phẩm sắt thép không hợp kim cán phẳng, đã phủ, mạ hoặc tráng chiếm gần 80%. Tuy nhiên, tháng 8/2021, Bộ Kinh tế Mexico đã mở cuộc điều tra về chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán mạ có nguồn gốc từ Việt Nam sau khi nhận được đơn kiện từ 2 doanh nghiệp sản xuất thép nội địa.

Argentina kêu gọi ngừng bắn và đối thoại để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine

Theo phóng viên tại Argentina, ngày 24/2, chính phủ nước này đã kêu gọi các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine. Bộ Ngoại giao Argentina ra tuyên bố cho biết chính phủ nước này nhấn mạnh đàm phán là cách duy nhất để đạt được một nền hòa bình lâu dài. Ngoài ra, các bên cần phải tuân thủ các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Cùng ngày, Bộ Kinh tế Argentina công bố báo cáo cho thấy cuộc xung đột tại Ukraine đã tác động tiêu cực đến cán cân thương mại của quốc gia Nam Mỹ này và khiến nền kinh tế thiệt hại 4,94 tỷ USD, chủ yếu do giá cả trên thị trường quốc tế tăng vọt. Trong báo cáo có tựa đề “Tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với Argentina”, bộ trên cho biết trong một năm xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, tổng giá trị nhập khẩu nhiên liệu của Argentina đã tăng vọt lên 3,57 tỷ USD so với mức dự báo 1,99 tỷ USD đưa ra trước khi có xung đột. Nhập khẩu ròng năng lượng của Argentina cũng tăng mạnh, trong khi chính phủ phải tăng trợ cấp năng lượng lên tới 8,9 tỷ USD trong năm 2022, với chi phí tài khóa bổ sung 2,9 tỷ USD. Về xuất khẩu, mặc dù giá trị xuất khẩu hàng hóa trong cùng kỳ của Argentina tăng thêm 617 triệu USD nhưng do tốc độ tăng chi phí vận chuyển hàng hóa lên tới 60% nên lợi nhuận thu được từ xuất khẩu giảm 1,8 tỷ USD. Cũng theo Bộ Kinh tế Argentina, chính phủ nước này đã phải triển khai một loạt hành động nhằm giảm bớt hậu quả của việc giá năng lượng quốc tế tăng cao như khuyến khích tăng sản lượng khí đốt trong nước, đàm phán lại hợp đồng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Bolivia và nhập khẩu năng lượng điện từ Brazil với giá cạnh tranh hơn.

Ít nhất 10 người bị thiệt mạng trong vụ xe buýt rơi xuống khe núi ở Algeria

Phóng viên báo chí tại Algeria dẫn thông báo của Lực lượng bảo vệ dân sự (cảnh sát) nước này cho biết ít nhất 10 người đã thiệt mạng và 25 người khác bị thương khi chiếc xe buýt chở họ rơi xuống khe núi ở khu vực phía Đông Bắc nước này. Tai nạn xảy ra ở khe núi gần thị trấn El Asnam với độ sâu 150m. Chiếc xe gặp nạn khi đang thực hiện hành trình từ thủ đô Algiers hướng đến Tikjda, một khu trượt tuyết nổi tiếng với khách du lịch địa phương. Hiện tất cả những người bị thương đã được chuyển đến bệnh viện Bouira, gần hiện trường vụ tai nạn. Vùng núi Tikjda là khu nghỉ mát nổi tiếng với nhiều người Algeria và thu hút rất đông du khách tới đây, đặc biệt sau những trận tuyết rơi dày những tuần gần đây. Theo Ủy ban quốc gia về An toàn đường bộ Algeria, nhiều lái xe đã chạy quá tốc độ và đây là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn đường bộ ở nước này. Năm 2021, Algeria ghi nhận 7.186 vụ tai nạn giao thông làm 2.643 người chết và 11.479 người bị thương. Con số thống kê của năm 2022 vẫn chưa được công bố.

Vẫn còn 5.493 người lao động bị nợ lương hơn 56 tỷ đồng

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), có 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh/thành phố, nợ 74,29 tỷ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ 12,42 triệu đồng/người; đến nay đã giải quyết 17,83 tỷ đồng tiền lương của 486 người lao động; chưa giải quyết 56,45 tỷ đồng tiền lương của 5.493 người lao động. So với năm 2021, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ đều giảm nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn (năm 2021 là 62 doanh nghiệp nợ 79,39 tỷ đồng tiền lương của 8.300 người lao động, bình quân nợ 9,56 triệu đồng/người). Cũng từ báo cáo của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. Trong đó giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%; chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc). Đại diện Tổng LĐLĐVN cho biết, với sự chia sẻ của người lao động và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người lao động của người sử dụng lao động nên tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết năm 2023 giảm so với Tết năm 2022. Trong dịp Tết Nguyên đán 2023 (tính trong tháng 12.2022 và hết tháng 1.2023), cả nước xảy ra 26 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 6 tỉnh, thành phố, giảm 25 cuộc so với dịp Tết Nguyên đán năm 2022 (xảy ra 51 cuộc). Theo báo cáo củacác địa phương, đơn vị, trong dịp Tết Nguyên đán 2023đã có 8.640.560 lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các họat động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng kinh phí hơn 6.110 tỷ đồng. Trong đó: Hỗ trợ quà và tiền mặt cho 7.630.817 lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 5.467 tỷ đồng; Hỗ trợ 163.409 vé tàu/xe/máy bay cho đoàn viên, người lao động với số tiền là gần 91 tỷ đồng; Bố trí 2.920 chuyến xe để đưa 130.825 đoàn viên, người lao động về quê đón Tết với số tiền gần 39 tỷ đồng; Tổ chức trao tặng 800 căn nhà “Mái ấm Công đoàn” với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng; Các hình thức hỗ trợ khác với 715.509 lượt người với tổng số tiền hơn 483 tỷ đồng.

Bạc Liêu: Công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông

Ngày 25/2, theo tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký Quyết định số 376/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở đê biển Đông đoạn K0+000 đến K0+046 (đoạn đầu tuyến giáp ranh tỉnh Sóc Trăng) thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Những ngày qua, do thủy triều dâng cao, kết hợp gió lớn đã xảy ra sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển Đông, đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng. Vị trí sạt lở có tổng chiều dài là 46 m. Trong đó, một đoạn đê dài 25 m (có chiều rộng sạt lở 6 m, sâu 1,5 m) và một đoạn đê dài 21 m (có chiều rộng sạt lở từ 1 - 3 m, sâu 1 m). Hiện trạng sạt lở trên là do vị trí bờ biển trước đoạn đê này rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn, nên các ngày triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh đánh trực tiếp vào thân đê gây sạt lở mái đê và thân đê ngày càng nghiêm trọng. Đồng thời, khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh đã tạo thành các con sóng lớn làm nước biển tràn qua đê chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân phía trong đồng gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng, tài sản của một số hộ gia đình phía sau đoạn đê. Các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố sạt lở gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức ngay việc khoanh vùng khu vực bị sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; huy động ngay các lực lượng, phương tiện để xử lý khẩn cấp bước đầu hạn chế sạt lở và các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo an toàn đê điều khu vực này. Đồng thời, bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố. Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với UBND thành phố Bạc Liêu trong việc theo dõi diễn biến sự cố, tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND thành phố Bạc Liêu thực hiện ngay việc huy động các lực lượng hỗ trợ người dân đắp đất, bao cát ngăn chặn nước biển tràn vào nhà. Đồng thời, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khu vực bị ảnh hưởng. Cử lực lượng theo dõi sự cố, báo cáo thường xuyên về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Chi cục Thủy lợi)… Trước đó, chiều 21/2 đã xảy ra sạt lở trên tuyến đê Biển Đông (đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu), nguy cơ vỡ đê. Sự cố sạt lở chưa gây thiệt hại về người và tài sản nhưng gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống, an toàn tính mạng của người dân trong thời gian tới... Ngay sau đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cùng chính quyền xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) đã huy động lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ, cán bộ, chiến sỹ thuộc Đồn Biên phòng Nhà Mát và người dân địa phương khẩn trương đắp các bao tải đất, cát xung quanh khu vực sạt lở, không để nước biển tràn qua đê ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Về giải pháp lâu dài, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kè ngầm giảm sóng thuộc Dự án gia cố chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông-Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu).

Khởi tố, bắt tạm giam ông Đặng Anh Quân, bà Đặng Thị Hàn Ni

Liên quan đến vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" do Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam ông Đặng Anh Quân - Tiến sĩ luật, Giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó ngày 2/2, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung vụ án này. Viện Kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra nêu rõ kết luận về việc giám định nội dung phát ngôn của ông Đặng Anh Quân có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân. Theo điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, thường trú 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) đã thông qua các tài khoản mạng xã hội, bị can Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp qua mạng Internet để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau về chuyện bí mật đời tư cá nhân, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh và bà Đặng Thị Hàn Ni. Cùng khoảng thời gian này, bị can Nguyễn Phương Hằng cũng thông qua các tài khoản mạng xã hội, công khai xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông Nguyễn Đức Hiển, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Đặng Thị Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên cùng chồng là ông Lê Công Vinh trong các buổi livestream tại Bình Dương. Cơ quan điều tra xác định với vai trò "cố vấn pháp lý" cho bị can Nguyễn Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân tham gia livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng 11 buổi từ tháng10/2021-3/2022, trong đó có một số nội dung chưa đủ cơ sở xử lý hình sự, tuy nhiên vẫn có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân. Các bị can Nguyễn Thị Mai Nhi (sinh năm 1983, ngụ tại quận 12, trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (sinh năm 1992, ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (sinh năm 1994, ngụ tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương; Trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam) đã có hành vi giúp sức cho hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Phương Hằng. Các bị can đã tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội; đăng tải thời gian, chủ đề livestream lên trang mạng xã hội; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để Hằng livestream; đăng tải nội dung xúc phạm trên trang cá nhân và phục vụ cho Nguyễn Phương Hằng khi Hằng trực tiếp livestream phát ngôn xúc phạm cá nhân. Một diễn biến khác có liên quan, tối 24/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam bà Đặng Thị Hàn Ni để điều tra về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015. Trước đó bà Nguyễn Phương Hằng đã gửi đơn khởi kiện đến nhiều nơi tố cáo bà Hàn Ni về việc "xúc phạm, vu khống". Trong vụ án Nguyễn Phương Hằng, bà Đặng Thị Hàn Ni là bị hại. Đến nay, bà Ni bị khởi tố về hành vi tương tự bà Nguyễn Phương Hằng trong một vụ án mà bà Hằng là người tố cáo.

EU thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga

Theo thông tin tại Brussels, rạng sáng 25/2 (theo giờ Việt Nam), Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga. Thông báo trên mạng xã hội Twitter, Thụy Điển – nước Chủ tịch luân phiên EU – cho biết: “Các thành viên EU đã áp đặt các trừng phạt mạnh nhất và sâu nhất từ trước tới nay”. Thông báo cũng tái khẳng định sự ủng hộ và hỗ trợ lâu dài của EU dành cho Ukraine. Gói trừng phạt mới bao gồm việc siết chặt các hạn chế xuất khẩu liên quan đến các loại hàng hóa có thể sử dụng vào mục đích dân sự và quân sự, cũng như các biện pháp nhằm vào một số thực thể. Các biện pháp mới cũng tiếp tục loại một số ngân hàng của Nga, như ngân hàng tư nhân Alfa-Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff, khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và giảm hơn 10 tỷ euro thương mại giữa EU và Nga. Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được toàn bộ các nước thành viên cần phê chuẩn. Quyết định trừng phạt của EU được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày, một số quốc gia như Mỹ, Anh, New Zealand và Hàn Quốc cũng thông báo áp đặt trừng phạt mới nhằm vào Nga trong bối cảnh tròn 1 năm xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine. Trong diễn biến liên quan cùng ngày, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết siết chặt đặt trừng phạt Nga. Thông báo chung sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của khối ngày 24/2, G7 tái khẳng định 'sẽ tăng cường hỗ trợ ngoại giao, tài chính và quân sự” cho Ukraine”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tham dự hội nghị trực tuyến trên. Đây là hội nghị đầu tiên của G7 trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Nhật Bản. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết Tokyo sẽ cung cấp viện trợ tài chính trị giá 5,5 tỷ USD để tái thiết Ukraine. Dự kiến ông Kishida sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của G7 từ ngày 1/5 tới tại Hiroshima, miền Tây Nhật Bản.

Nga cảnh báo Mỹ, NATO và Ukraine về vấn đề liên quan khu vực Transnistria

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố bất kỳ hành động nào của Ukraine, hoặc phương Tây gây ra mối đe doạ cho lực lượng giữ gìn hoà bình hoặc công dân Nga ở Transnistria (khu vực ly khai của Moldova) sẽ đều bị coi là một cuộc tấn công nhắm vào Moskva. Theo đài RT (Nga), trong tuyên bố đưa ra hôm 24/2, các nhà ngoại giao Nga dẫn dữ liệu từ Bộ Quốc phòng cáo buộc Kiev đang tập trung số lượng đáng kể binh sĩ, cũng như khí tài và pháo ở biên giới với Transnistria. Trước sự việc này, Moskva cảnh báo: “Mỹ, các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine không thực hiện bất kỳ bước đi mạo hiểm nào nữa tại khu vực này”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moskva ủng hộ các biện pháp “chính trị và ngoại giao” để giải quyết vấn đề, nhưng các lực lượng vũ trang Nga sẽ phản ứng thích hợp trước bất kỳ hành động khiêu khích nào của Kiev. Nga nhấn mạnh nước này quyết tâm bảo vệ công dân, lực lượng gìn giữ hòa bình và các binh sĩ đóng quân tại khu vực ly khai của Moldova. Trước đó, hôm 23/2, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Kiev đã tăng cường quân sự dọc biên giới với Transnistria.

“Trong tương lai gần, chính quyền Kiev đang chuẩn bị hành động khiêu khích vũ trang chống lại Transnistria. Kế hoạch sẽ do các đơn vị của lực lượng vũ trang Ukraine thực hiện, bao gồm cả nhóm dân tộc chủ nghĩa Azov”, đài Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga trên Telegram. Nhà chức trách Nga cũng cáo buộc Kiev có thể lên kế hoạch làm tiền đề cho việc động binh với Transnistria, thông qua việc dàn dựng cuộc tấn công dưới danh nghĩa Quân đội Nga từ lãnh thổ vùng ly khai vào phía Ukraine. Bộ này cho rằng để làm được như vậy, Ukraine sẽ để cho “những phần tử phá hoại mặc đồng phục Quân đội Nga”. Vùng lãnh thổ Transnistria, nằm ở tả ngạn sông Dniester, đã tuyên bố độc lập khỏi Moldova vào đầu những năm 1990, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Hiện nay, khoảng 1.100 binh sĩ Nga đang đóng quân tại Transnistria với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình nhằm giám sát lệnh ngừng bắn năm 1992 giữa Moldova và các lực lượng địa phương. Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu hồi sắc lệnh năm 2012 vốn nhằm ủng hộ chủ quyền của Moldova trong việc giải quyết tương lai của vùng ly khai Transnistria. Trong sắc lệnh, Nga cam kết tìm cách giải quyết vấn đề vùng ly khai Transnistria dựa trên tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tình trạng trung lập của Cộng hòa Moldova. Trước những diễn biến trên, nhiều người lo ngại cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine có nguy cơ vượt ra ngoài biên giới.