40 người bơi qua sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Chiều 18/8, thông tin từ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) cho biết vừa phát hiện, bắt giữ 40 người, gồm 35 nam và 5 nữ (tất cả chưa xác định được nhân thân, lai lịch) bơi qua sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Cụ thể, vào khoảng 9 giờ 45 ngày 18/8, Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 21 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) đóng tại khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ 40 người, gồm 35 nam và 5 nữ từ Casino Rich World, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) bơi qua sông Bình Ghi nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Sau khi sự việc xảy ra, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình đã phối hợp với Công an huyện An Phú tiến hành lấy lời khai các những người này (chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ). Qua khai thác nhanh, những người này khai nhận: Phần lớn họ đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam, sau khi sang Campuchia, họ làm việc tại Casino Rich World; một số khác trước đó đã làm việc tại các casino ở Campuchia. Do làm việc quá thời gian quy định (không được nghỉ ngơi) và không được trả lương, nên nhóm người này đã thống nhất và bàn bạc với nhau để tìm cách vượt biên giới về Việt Nam. Đến khoảng 9 giờ ngày 18/8, nhóm người này đã tập trung tại 1 địa điểm (đã thống nhất từ trước) sau đó, chờ sơ hở của bảo vệ đồng loạt chạy ra cổng Casino và bơi qua sông Bình Ghi để nhập cảnh vào Việt Nam. Sau khi nhảy xuống sông Bình Ghi để bơi về Việt Nam, cả nhóm có 1 người bị mất tích, 1 người bị bảo vệ của Casino Rich World bắt giữ trở lại. Hiện đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình phối hợp với chính quyền địa phương và Công an huyện An Phú tổ chức lực lượng tìm kiếm người mất tích. Tiến hành kiểm tra nhanh COVID-19 đối với 40 người này, kết quả tất cả đều âm tính. Sau khi khai thác xong các thông tin ban đầu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Công an huyện An Phú và chính quyền địa phương đã tạm thời chuyển 40 đối tượng về Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang tiếp tục xác minh làm rõ. Liên quan đến vấn đề người Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, trước đó, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào tháng 7/2022, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương ở trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia và các cơ quan chức năng của nước này thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ các trường hợp công dân khó khăn, hoạn nạn để đưa về nước. Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu ví dụ như việc lập các nhóm công tác chuyên trách để xử lý yêu cầu hỗ trợ của công dân, đăng cảnh báo lên hệ thống trang điện tử và tài khoản mạng xã hội của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia và cơ quan chức năng Campuchia trong việc tiếp nhận thông tin hỗ trợ giải cứu công dân Việt Nam là nạn nhân một cách kịp thời và có hiệu quả. Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng đã có đường dây nóng bảo hộ công dân 24/7, đường dây nóng của Cục Lãnh sự để tiếp nhận thông tin của các nạn nhân cũng như các thông tin cảnh báo khác; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng ở trong nước, đặc biệt là cơ quan báo chí để thông tin, tuyên truyền, cảnh báo và nâng cao nhận thức của người dân. Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước cũng như Campuchia tăng cường điều tra, triển khai biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh, với mục tiêu có thể giảm và sớm đẩy lùi tình trạng này.

Xe 7 chỗ lao vào nhà dân khiến 3 người thương vong

Chiều 18/8, một xe ô tô 7 chỗ khi đang lưu thông trên Quốc lộ 1A, đoạn qua phường 6, thành phố Cà Mau thì bất ngờ lao vào nhà dân ven đường. Vụ tai nạn đã làm 1 người tử vong, 1 người bị thương nặng.

Vào khoảng 16 giờ, tài xế Võ Minh Lâm sinh năm 1989, địa chỉ thường trú ấp 3, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau điều khiển xe 7 chỗ, biển kiểm soát 51G-80350 chạy trên Quốc lộ 1A theo hướng từ xã Tắc Vân về thành phố Cà Mau. Khi xe lưu thông đến đoạn khóm 7, phường 6, thành phố Cà Mau thì bất ngờ mất lái lao về làn đường bên trái, tông vào trước cửa nhà của vợ chồng ông N.T.H (sinh năm 1958) và bà T.T.T.T (sinh năm 1955). Không may, tại thời điểm xảy ra tai nạn, vợ chồng ông H, bà T đều đang ở trước nhà nên bị ô tô lao vào đâm phải. Tại hiện trường ghi nhận, cú đâm mạnh đã làm chiếc ô tô đang đỗ trước nhà văng vào trong nhà, cửa kính trong quán của vợ chồng ông H cũng bị vỡ. Ông H tử vong tại chỗ, bà T và tài xế gây tai nạn được người dân đưa đi cấp cứu. Một người dân chứng kiến vụ việc cho biết, trước vụ tai nạn xảy ra khoảng 5 phút, người này có thấy 2 vợ chồng ông H đang sửa lại phần ống cống trước nhà. Nghe tiếng va chạm mạnh, người này chạy ra trước nhà quan sát thì thấy ông H đã tử vong, còn bà T bị thương nặng và văng khỏi hiện trường hơn chục mét. Theo thông tin ban đầu, tài xế điều khiển ô tô được cho là có nồng độ cồn trong khí thở. Vụ việc đã khiến nhiều người dân hiếu kỳ tập trung tại khu vực xảy ra tai nạn khiến giao thông ùn tắc. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt điều tiết giao thông và tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn.

Khởi tố vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại BV sản nhi Quảng Ninh

Ngày 18/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC), Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các bị can trong vụ án. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can thuộc Sở Y tế Quảng Ninh, gồm: Hoàng Đình Sơn (nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình y tế, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh); Phạm Ngọc Dũng (chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, từng là chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh); Nguyễn Quý Thịnh (chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính, từng là Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của Ban Quản lý dự án các công trình y tế, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh). Các bị can bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các bị can: Nguyễn Hồng Sơn (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC); Trương Thị Xuân Loan (Trưởng ban 3 Công ty AIC); Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Mopha). Cùng bị khởi tố về tội danh trên còn có: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AIC); Đỗ Văn Sơn (kế toán trưởng Công ty AIC). Đối với 2 bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Đỗ Văn Sơn đã khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn, truy nã trong vụ án tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nên không áp dụng biện pháp ngăn chặn trong vụ án này. Theo kết quả điều tra ban đầu, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi, tổng mức đầu tư hơn 238 tỉ đồng, do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Các bị can thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã có hành vi thông đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá ban hành Chứng thư thẩm định giá theo giá cao hơn giá thị trường, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC, các công ty có quan hệ với AIC để Công ty AIC và Công ty Mopha trúng toàn bộ 6 gói thầu, trị giá 232 tỉ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước trị giá 73 tỉ đồng. Trước đó, ngày 16/8/2022, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức đảng có liên quan thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 3 đảng viên do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 3 đảng viên này đang và đã làm ở các phòng, đơn vị thuộc Sở Y tế Quảng Ninh: Phạm Ngọc Dũng; Nguyễn Quý Thịnh; Hoàng Đình Sơn. Trước đó, cũng liên quan đến Công ty AIC, ngày 29/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai; khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 8 bị can khác, do liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án. Theo kết quả điều tra ban đầu, trong dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng giữa chủ đầu tư dự án và Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bước đầu, xác định thiệt hại cho nhà nước 152 tỉ đồng. Ngày 17/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực họp phiên thứ 22, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Trong số này là vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từng là Chủ tịch.

Pháp: Hạn hán dẫn tới 'điều chưa từng thấy' ở sông Loire

Tin 24h ngày 18/8/2022

Trong bối cảnh Pháp đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, mực nước sông Loire, nổi tiếng với hàng trăm lâu đài bên bờ sông, giảm xuống mức thấp kỷ lục, ảnh hưởng không nhỏ đến các loài thủy sinh, giao thông đường thủy và hoạt động sản xuất. Nước sông Loire cạn đến mức nhiều nơi người dân có thể đi bộ qua lòng sông, các hòn đảo nối liền bờ và bãi cát trải dài. Theo ông Eric Sauquet, Trưởng phòng khí tượng thủy văn tại Viện nghiên cứu quốc gia Pháp về Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường (INRAE), sông Loire trước đó đã từng ghi nhận mực nước thấp, nhưng đợt hạn hán năm nay là hồi chuông cảnh báo. Ông Sauquet cho biết các phụ lưu của sông Loire đều khô cạn và đây là điều chưa từng thấy. Mực nước thấp là “thảm họa” đối với các loài cá. Do nước cạn, cá nổi lên mặt nước để thở và dễ dàng trở thành con mồi cho diệc và những động vật săn mồi khác. Khi mực nước thấp, môi trường sống của cá cũng bị thu hẹp và cá dễ bị mắc kẹt trong vũng bùn. Sông Loire khô cạn khiến các tàu du lịch khó di chuyển qua đây. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà máy điện hạt nhân khi nước sông là biện pháp làm mát chính của các lò phản ứng. Hiện lưu lượng dòng chảy của sông ở mức khoảng 40 m3/s – thấp hơn 20 lần so với mức trung bình hằng năm. Lưu lượng của sông thậm chí sẽ thấp hơn nếu chính quyền địa phương không xả nước từ các đập ở Naussac và Villerest, được xây dựng vào đầu năm 1980 để cung cấp nước làm mát cho 4 nhà máy điện hạt nhân dọc bờ sông. Bốn nhà máy tại các khu vực Belleville, Chinon, Dampierre và Saint-Laurent có tổng công suất 11,6 GW, đóng góp gần 25% trong tổng sản lượng điện của Pháp. Một số nhà máy của tập đoàn điện lực EDF (Pháp) vốn đã ngưng hoạt động vì lý do kỹ thuật trong khi những nhà máy khác giảm công suất do mực nước sông thấp. Do đó, việc đóng cửa một hay nhiều nhà máy bên bờ sông Loire có thể đẩy giá điện trên toàn châu Âu lên cao hơn. Ông Sauquet nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu đang xảy ra và điều này không thể phủ nhận. Tất cả mọi người sẽ phải xem xét lại hành vi sử dụng tài nguyên nước của mình”. Thung lũng sông Loire được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới năm 2000, nổi tiếng với hàng trăm lâu đài lớn nhỏ.

Khởi tố một chuyên viên Văn phòng Chính phủ liên quan vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự

Theo thông tin từ Bộ Công an ngày 18/8, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã bắt tạm giam Nguyễn Tiến Thân, Chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ, để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Mở rộng điều tra vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, ngày 18/8, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Nguyễn Tiến Thân, sinh năm 1980, Chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can Nguyễn Tiến Thân. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Triệt phá đường dây mại dâm lớn ở Lào Cai

Chiều tối 18/8, Công an tỉnh Lào Cai thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với Công an thành phố Lào Cai vừa đấu tranh triệt phá thành công chuyên án mại dâm hoạt động theo phương thức “di động” với số lượng 20 gái bán dâm hoạt động đều đặn hằng ngày. Trước đó, trong quá trình điều tra trinh sát, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai phát hiện một nhóm đối tượng nhiều biểu hiện nghi vấn liên quan đến mua bán gái mại dâm. Phòng Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án mang bí số 163D, phân công nhiều tổ trinh sát, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh triệt phá. Quá trình điều tra phát hiện, ổ mại dâm trên do Đặng Văn Quang, sinh năm 1986, tạm trú tại 295 đường Lương Khánh Thiện, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai cầm đầu, có thời điểm lên tới 20 gái mại dâm, hoạt động rất kín kẽ và thường xuyên thay đổi địa điểm chứa gái để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Để điều hành việc mua dâm, bắt đầu từ 19 giờ hằng ngày, Quang chỉ đạo Đỗ Văn Thưởng, sinh năm 1985, trú tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và Lò Văn Thuận, sinh năm 2000, trú tại xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đưa 20 gái mại dâm từ đường Lương Khánh Thiện di chuyển đến số nhà 259 đường Nhạc Sơn để tập kết chờ khách gọi. Đối tượng Quang thường xuyên thiết lập mạng lưới “cộng tác viên” với các lễ tân nhà nghỉ, các quán nước ven đường, một số lái xe taxi, xe ôm,… để tìm, liên hệ với khách có nhu cầu mua dâm. Khi khách có nhu cầu mua dâm liên hệ qua các đầu mối có sẵn, Quang sẽ lấy địa chỉ các khách sạn, nhà nghỉ và giao cho Thưởng và Thuận đưa gái bán dâm đến cho khách theo địa chỉ yêu cầu, sau đó đón về. Chúng hoạt động rất tinh vi, khép kín, liên tục thay đổi nơi ở của gái bán dâm nhằm đối phó với các đợt cao điểm truy quét các loại tội phạm của lực lượng chức năng. Sau gần 1 tháng xác lập chuyên án, vào hồi 20h ngày 8/8/2022, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an thành phố Lào Cai bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm tại nhà nghỉ Thành An, số nhà 236 đường Lương Khánh Thiện, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai và 5 gái bán dâm đang chờ khách để thực hiện việc mua bán dâm tại nhà nghỉ Vi Vi, tại số nhà 163, đường Đăng Châu, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, Đỗ Văn Tám, sinh năm 1994, trú tại tổ 2 phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai là người quản lý nhà nghỉ khai nhận đã gọi trực tiếp cho Quang điều gái đến cho khách mua dâm. Mở rộng điều tra, Cơ quan chức năng đã bắt giữ thêm 3 đối tượng có liên quan đến đường dây này. Tại cơ quan điều tra, Đặng Văn Quang khai nhận là người trực tiếp tuyển dụng, thu nạp, bao nuôi gái mại dâm ở nhiều nơi về số nhà 295 và 296 Lương Khánh Thiện, thành phố Lào Cai để hoạt động. Quang bố trí nơi ăn, ở và điều hành gái mại dâm. Tại thời điểm kiểm tra, xác định có 17 gái mại dâm đang hoạt động dưới sự chỉ đạo của Quang và các đối tượng khác có liên quan. Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng chuyên án để làm rõ hành vi của các đối tượng trước pháp luật.

Tự ý 'cho mượn' sổ đỏ của người dân, nhân viên văn phòng nhà đất lĩnh án tù

Khi còn làm nhân viên hợp đồng Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà, Đà Nẵng, Dương Thị Ngọc Anh đã lấy 19 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dân nộp giải quyết thủ tục hành chính đưa cho Đào Thị Như Lệ "mượn". Ngày 18/8, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tuyên án sơ thẩm vụ án liên quan đến việc nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà tự ý lấy 19 giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đưa cho người ngoài “mượn”. Hội đồng xét xử tuyên án các bị cáo Dương Thị Ngọc Anh (sinh năm 1979, trú quận Ngũ Hành Sơn) 5 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”; Đào Thị Như Lệ (sinh năm 1979, trú quận Sơn Trà) mức án tù chung thân về các tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và tội “làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”. Đồng thời, Đào Thị Như Lệ phải bồi thường toàn bộ số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt của những bị hại. Tại phiên tòa, các bị cáo đã ăn năn, thành khẩn nhận tội và mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Theo nhận định của tòa, hành vi của các bị cáo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Văn phòng Đăng ký đất đai tại thành phố Đà Nẵng, gây thiệt hại lớn về tài sản đối với các bị hại. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, Dương Thị Ngọc Anh là nhân viên hợp đồng làm việc tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà. Trước đó, Dương Thị Ngọc Anh được Đào Thị Như Lệ cho vay 1 tỷ đồng. Tháng 4/2020, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Ngọc Anh đã nhiều lần lấy tổng cộng 19 giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) của người dân nộp giải quyết thủ tục hành chính đưa cho Như Lệ "mượn". Do số sổ đỏ trên bị Ngọc Anh lấy đưa cho Như Lệ, việc trả kết quả giải quyết hồ sơ cho công dân trễ hạn từ 5 - 40 ngày so với quy định. Chi nhánh phải gửi 14 thư xin lỗi các công dân, tổ chức do giải quyết trễ hẹn thủ tục hành chính, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước. Cáo trạng xác định, khoảng tháng 1 đến tháng 7/2020, Đào Thị Như Lệ có hành vi thông tin gian dối để nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng các lô đất hoặc tự ý sử dụng sổ đỏ "mượn" từ Ngọc Anh rồi đưa cho người khác. Bị cáo đã nhận và chiếm đoạt của 5 người, gồm ông Phạm Thanh 13,4 tỷ đồng, bà Phạm Quỳnh Thu Thơ 13 tỷ đồng, vợ chồng ông Nguyễn Hoài Hưng - Lê Thị Hương 13 tỷ đồng, ông Nguyễn Quốc Phú và bà Hồ Minh Tâm mỗi người 1 tỷ đồng. Tổng cộng, Như Lệ đã chiếm đoạt 41,4 tỷ đồng. Trong đó, ngày 8/5/2020, ông Phạm Thanh yêu cầu Lệ ký hợp đồng thỏa thuận đặt cọc mua bán 3 lô đất khu nhà hàng tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà). Để kéo dài thời gian trả nợ, tháng 6/2020, Lệ dùng mẫu văn bản của một ngân hàng, lên mạng đặt người làm giả văn bản thỏa thuận ba bên về việc chuyển nhượng tài sản này đưa cho ông Thanh để lừa đảo. Như phóng viên TTXVN đã đưa tin, tháng 8/2020, dư luận cả nước xôn xao về vụ việc 19 sổ đỏ của người dân tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà bị nhân viên Dương Thị Ngọc Anh tự ý mang cho Đào Thị Như Lệ “mượn”. Ngay sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Công an thành phố truy tìm và hoàn trả lại số sổ đỏ trên cho người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã thanh tra, kiểm tra và xử lý kỷ luật đối với các cá nhân, tập thể có liên quan tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà.

Kỷ luật cảnh cáo Giám đốc CDC Quảng Bình Đỗ Quốc Tiệp

Ngày 18/8, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa tổ chức Kỳ họp thứ 17 để xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh. Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đỗ Quốc Tiệp, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CDC tỉnh. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình cũng yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan theo quy định. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm về hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định. Đảng ủy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát. Ông Đỗ Quốc Tiệp, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm và một số cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch COVID-19. Trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về ông Đỗ Quốc Tiệp, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CDC tỉnh; trách nhiệm tham mưu thuộc về các khoa, phòng chức năng và các cá nhân có liên quan. Trách nhiệm trong công tác thẩm định giá, quyết toán kinh phí thuộc về Sở Tài chính; trách nhiệm thẩm định dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc về Sở Y tế và các cá nhân có liên quan. Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả vi phạm, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu Đảng ủy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm; kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra… Cũng tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình nhận thấy Đảng ủy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ông Đỗ Quốc Tiệp và tập thể đảng viên, cán bộ, viên chức Trung tâm đã có nhiều nỗ lực, đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh; chủ động nắm bắt diễn biến dịch bệnh, có nhiều sáng kiến, giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình phòng, chống dịch COVID-19, cán bộ, đảng viên Trung tâm đã thực hiện nhiệm vụ khách quan, chưa phát hiện động cơ vụ lợi…