Cứu sống bệnh nhân bị vỡ gan do tai nạn giao thông đường thủy

Bệnh nhân nhập viện ngày 1/1/2023, trong tình trạng bất tỉnh, choáng nặng do mất nhiều máu, huyết áp bằng 0 với chẩn đoán là vỡ gan phức tạp do tai nạn đụng ghe. Đây là một trường hợp hết sức nguy cấp, đe dọa đến tính mạng nếu như không được phẫu thuật kịp thời. Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã hồi sức cấp cứu tích cực đồng thời nhanh chóng chuyển đến phòng phẫu thuật. Do tình trạng vỡ gan rất phức tạp, chảy máu của bệnh nhân rất nghiêm trọng nên kíp phẫu thuật do bác sĩ Chuyên khoa II Lâm Ngọc Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện cùng các bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát khẩn trương dùng kỹ thuật tấn gạc vào gan vỡ đang chảy máu để cầm máu cho bệnh nhân, bước đầu kiểm soát được tình trạng chảy máu, giúp người bệnh thoát cơn nguy kịch. Sau 72 giờ, ê kíp lại tiếp tục thực hiện phẫu thuật rút gạc, kiểm soát chảy máu, gò mật. Sau hơn nửa tháng điều trị, đến nay tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, không còn đau bụng, vết mổ khô, mạch, huyết áp ổn định và có thể được xuất viện trong những ngày tới.

TP Hồ Chí Minh: Một nạn nhân tử vong trong vụ sập trần cửa hàng tiện lợi

Liên quan tới vụ sập trần tại cửa hàng tiện lợi vào sáng 18/1, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh cho biết, nữ nạn nhân (15 tuổi) bị mắc kẹt trong vụ việc đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Trước đó vào 9 giờ cùng ngày, trần nhà tại cửa hàng tiện lợi Cikcle K tại địa chỉ 18 Vĩnh Hội, Phường 4, Quận 4 bất ngờ sập xuống. 8 người đã kịp thời thoát nạn ra ngoài, 1 người bị mắc kẹt. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã nhanh chóng có mặt, tiến hàng cứu hộ cứu nạn. Lực lượng chức năng đã huy động 37 cán bộ, chiến sỹ tham gia cứu hộ, đưa được nạn nhân mắc kẹt ra ngoài trong tình trạng bất tỉnh. Cửa hàng trên có diện tích khoảng 70m2, có 1 tầng đúc giả. Cửa hàng mới sửa chữa lại, hoạt động trở lại trong mấy gần đây thì gặp sự cố trên. Lực lượng chức năng đã kiểm tra và xác định không còn người kẹt bên trong, đang gia cố công trình để đảm bảo an toàn.

Kịp đưa 2 bệnh nhân bị tai biến từ Cù lao Chàm về bờ điều trị

Chiều 18/1, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng Việt Nam cho biết, tàu SAR 412 của Trung tâm vừa đưa hai người bị tai biến, đột quỵ trên đảo Cù Lao Chàm về đến thành phố Đà Nẵng an toàn, bàn giao cho cơ chức năng theo quy định. Nhờ được tiếp cận y tế chuyên khoa kịp thời, hai bệnh nhân bước đầu đã vượt qua cơn nguy kịch. Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận, chuyển nạn nhân đến bệnh viện địa phương để tiếp tục điều trị. Trước đó, vào hồi 7 giờ ngày 18/1, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng Việt Nam nhận được thông tin khẩn cấp từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam về việc trên đảo Cù lao Chàm có bệnh nhân Nguyễn Nhanh (sinh năm 1969, trú tại thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, Quảng Nam) bị đột quỵ, tăng huyết áp. Bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh xá quân dân y Tân Hiệp trên đảo. Tuy nhiên, bệnh chuyển biến nặng, tiên lượng xấu, Bệnh xá không đủ điều kiện điều trị. Lúc này, đảo Cù lao Chàm đang bị cô lập do thời tiết khắc nghiệt với gió cấp 7 giật cấp 8, sóng cao từ 3 đến 4 mét, sương mù, không có phương tiện có đủ khả năng tiếp cận đảo. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam yêu cầu Trung tâm có biện pháp hỗ trợ y tế, khẩn cấp đưa bệnh nhân về bờ để cứu chữa. Trước tình trạng bệnh nguy kịch, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng Việt Nam lập tức phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng cử ê-kíp hai bác sỹ chuyên khoa kèm theo trang thiết bị y tế đi cùng tàu SAR 412 thực hiện nhiệm vụ cứu nạn tại đảo Cù lao Chàm. Trong lúc tàu SAR 412 đang hành trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng Việt Nam tiếp tục nhận thông tin khẩn cấp từ Đồn Biên phòng đảo Cù lao Chàm trên đảo có thêm bệnh nhân Phạm Văn Anh (sinh năm 1952, trú tại thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp) bị tai biến với triệu chứng khó thở, hôn mê. Đồn Biên phòng yêu cầu đưa bệnh nhân về bờ cứu chữa. Bằng tốc độ, hành trình nhanh nhất, vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lúc 9 giờ 54 phút cùng ngày, tàu SAR 412 đã tiếp cận đảo Cù lao Chàm. Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng Bộ đội Biên phòng, quân y, dân quân, hai bệnh nhân từ lên tàu SAR 412 được về bờ cứu chữa. Hai bệnh nhân được đưa lên tàu SAR 412 trong tình trạng nguy kịch, được các y, bác sỹ tàu SAR 412 và Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng tận tình cấp cứu trên hành trình đưa về bờ an toàn. Theo dự báo, dịp Tết Nguyên đán 2023, thời tiết trên biển sẽ có diễn biến xấu kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, sự cố hàng hải. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng Việt Nam khuyến cáo tàu thuyền hoạt động trên biển cần theo dõi liên tục diễn biến thời tiết trên vùng biển hoạt động, đồng thời tăng cường cảnh giới và đảm bảo các biện pháp an toàn.

Truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội về sai phạm trong đấu thầu

Ngày 18/1, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và 11 đồng phạm về những sai phạm trong đấu thầu gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho Nhà nước.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã truy tố 12 bị can gồm: Nguyễn Quang Tuấn (sinh năm 1967, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), Hoàng Thị Ngọc Hưởng (sinh năm 1961, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội), Nguyễn Thị Dung Hạnh (sinh năm 1969, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Tim Hà Nội), Đoàn Trọng Bình (sinh năm 1960, nguyên Phó Trưởng phòng vật tư y tế Bệnh viện Tim Hà Nội), Nghiêm Tuấn Linh (sinh năm 1980, nguyên Phó Trưởng phòng vật tư y tế Bệnh viện Tim Hà Nội), Nguyễn Đức Đảng (sinh năm 1976, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thiết bị y tế Hoàng Nga – viết tắt là Công ty Hoàng Nga), Phan Tuấn Đạt (sinh năm 1967, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học Kim Hòa Phát, viết tắt là Công ty Ki Hòa Phát), Phạm Huy Lập (sinh năm 1952, Giám đốc Công ty Hoàng Nga), Phạm Thị Kim Oanh (sinh năm 1981, Kế toán Trưởng Công ty Hoàng Nga), Trần Phú Hưng (sinh năm 1976, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và định giá AIC Việt Nam, viết tắt là Công ty định giá AIC), Nguyễn Hồng Dũng (sinh năm 1982, Phó Tổng Giám đốc, Thẩm định viên Công ty định giá AIC), Nguyễn Trung Dũng (sinh năm 1989, nhân viên thẩm định giá Công ty định giá AIC) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222, khoản 3 – Bộ luật Hình sự. Theo cáo trạng, từ năm 2015, Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư tại Bệnh viện Tim Hà Nội, để bệnh viện sử dụng trước, sau đó chỉ đạo cấp dưới hợp thức, hoàn thiện các thủ tục cho các doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán. Do có mối quan hệ quen biết từ trước, Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoàng Nga; Phan Tuấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kim Hòa Phát đến đặt vấn đề và được Nguyễn Quang Tuấn đồng ý cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát được bán các mặt hàng vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch vào bệnh viện với đơn giá theo thỏa thuận giữa Nguyễn Quang Tuấn với Nguyễn Đức Đảng, Phan Tuấn Đạt. Trong năm 2016-2017, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu riêng 5 gói thầu chuyên mua sắm vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch, tổng trị giá hơn 595 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 5 năm 2016 tổ chức theo hình thức đấu thầu rộng rãi 223 mặt hàng, có trị giá trên 247 tỷ đồng; 4 gói thầu năm 2017 được áp dụng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn mua 538 mặt hàng, trị giá gần là 348 tỷ đồng. Công ty Hoàng Nga đã tham gia và trúng 5 gói thầu, gồm: 1.911 Stent, 149 bộ dụng cụ thả dù, 165 bộ dù đóng thông liên nhĩ, 80 cái dù đóng còn ống động mạch, 12 cái dù đóng thông liên thất, 1.800 cái bóng nong động mạch vành loại áp lực cao các loại trị giá hơn 92 tỷ đồng, cùng một số vật tư khác. Công ty Kim Hòa Phát đã trúng 4 gói thầu gồm 400 Stent và một số vật tư khác. Để hợp thức hồ sơ thầu mua vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch của Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát, các bị can: Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện, Chủ tịch Hội đồng mua sắm; Hoàng Thị Ngọc Hưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện; Nguyễn Thị Dung Hạnh, Kế toán trưởng Bệnh viện; Nghiêm Tuấn Linh, Phó Trưởng phòng Vật tư, thiết bị y tế và Đoàn Trọng Bình, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư, thiết bị y tế đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Những người này đã thông đồng với bị can tại Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát, gồm: Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Phạm Huy Lập, Giám đốc và Phạm Thị Kim Oanh, Kế toán trưởng Công ty Hoàng Nga; Phan Tuấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kim Hòa Phát để thực hiện nhiều sai phạm từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại, số lượng Stent và các vật tư khác mà Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát sẽ bán cho Bệnh viện Tim Hà Nội. Sau đó, các bị can tại Bệnh viện Tim Hà Nội thông đồng với các bị can tại Công ty định giá AIC: Trần Phú Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Nguyễn Hồng Dũng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng, Thẩm định viên; Nguyễn Trung Dũng, Chuyên viên thẩm định, ban hành Chứng thư thẩm định giá số 062512/2015/CT-AIC đề ngày 25/12/2015 theo yêu cầu và giá ấn định của Bệnh viện Tim Hà Nội tại kế hoạch mua sắm năm 2016 đã được Nguyễn Quang Tuấn phê duyệt, đảm bảo cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát trúng thầu, bán vật tư y tế trái quy định Luật đấu thầu, gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội, Quỹ bảo hiểm xã hội số tiền hơn 22,8 tỷ đồng đối với Gói thầu số 5 năm 2016. Đến năm 2017, Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm tiếp tục hợp thức thủ tục chỉ định thầu đối với 4 gói chỉ định thầu rút gọn, sử dụng đơn giá vật tư của gói thầu năm 2016 để thanh toán hàng ký gửi, hàng đã sử dụng trước cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát và một số công ty gửi hàng trước đã gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội, Quỹ bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 30 tỷ đồng. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận: Hành vi của Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm đã vi phạm Điều 22, khoản 1, điểm a; Điều 38; Điều 89, khoản 2 của Luật Đấu thầu, gây thiệt hại tổng số tiền 53,6 tỷ đồng; phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 222, khoản 3 – Bộ luật Hình sự.

Ô tô khách gây tai nạn liên hoàn làm 5 người thương vong

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hòa Bình, vào hồi 2 giờ 17 phút ngày 18/1, tại km130+500m Quốc lộ 6, thuộc địa phận xóm Suối Rút, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn làm 5 người thương vong. Cụ thể, vào thời điểm trên, xe ô tô khách biển kiểm soát 26F-001.34 của nhà xe Thanh Sang do anh Nguyễn Đình Lực (sinh năm 1981, trú tại thôn Vinh Quang, thị trấn Khoái Châu, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) điều khiển đi hướng Hà Nội - Sơn La đã va chạm với xe mô tô biển kiểm soát 27Z1-318.15 do anh Tòng Văn Quyết (sinh năm 1999) điều khiển, chở theo sau là Quàng Thị Oanh (sinh năm 2004), sau đó tiếp tục va chạm với xe mô tô biển kiểm soát 27Z1-256.26 do Cà Văn Tuấn (sinh năm 2003) điều khiển chở theo sau là Tòng Thị Phượng (sinh năm 2003). Tất cả 4 người cùng trú tại xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đi hướng cùng chiều với xe ô tô khách để về quê ăn Tết. Chưa dừng lại, xe ô tô khách di chuyển tiếp về phía trước, đến km130+ 950m đâm vào giàn phòng vệ bằng lốp cao su bên phải cùng chiều rồi tiếp tục va chạm với xe mô tô biển kiểm soát 27Z1-228.32 do Lò Văn Tuấn (sinh năm 2002) điều khiển đi hướng cùng chiều Hà Nội- Sơn La, trên xe chở theo Lò Văn Khiêm (sinh năm 2001), cùng trú tại xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo. Sau đó, xe khách lật đổ nghiêng sang bên trái đường. Hậu quả vụ tai nạn khiến 3 nạn nhân tử vong, 2 nạn nhân bị thương nặng (chưa xác định danh tính cụ thể). Xe khách và 3 xe mô tô đều hư hỏng nặng. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Mai Châu và lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; đồng thời huy động lực lượng cứu nạn, cứu hộ, phân luồng giao thông. Test nhanh ma túy và nồng độ cồn đối với lái xe khách tại hiện trường cho kết quả âm tính. Kiểm tra giấy kiểm định xe ô tô khách hết hạn từ ngày 14/1/2023. Theo lời khai ban đầu của lái xe ô tô khách, do xe mất phanh dẫn đến mất kiểm soát. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.

Khởi tố bị can Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải. Chiều tối 17/1, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã họp báo thông tin cập nhật tiến độ điều tra vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm đăng kiểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can Trần Kỳ Hình (sinh năm 1961), nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải. Trần Kỳ Hình bị điều tra về tội "Nhận hối lộ". Theo Cơ quan điều tra, trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 8/2021, trên cương vị là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trần Kỳ Hình vừa trực tiếp, vừa thông qua bị can Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục nhận tiền hối lộ để cấp phép hoạt động cho các Trung tâm đăng kiểm chưa đủ điều kiện theo quy định. Ngoài ra, Trần Kỳ Hình cũng buông lỏng quản lý, nhận tiền "chung chi" hàng tháng, hàng quý của các Giám đốc Trung tâm đăng kiểm. Như vậy có thể xác định, hành vi phạm tội nhận hối lộ của bị can Hình tương tự như hành vi phạm tội của bị can Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, khởi tố vào ngày 11/1 vừa qua. Trước đó ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với 3 cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam về tội “Nhận hối lộ” gồm: Trần Anh Quân, Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới; Đặng Trần Khanh, Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới; Phạm Đức Ngọc, chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới. Bên cạnh đó, ngày 17/1, Cơ quan điều tra đã khởi tố Hoàng Hữu Thịnh, Hồ Ngọc Nam, Trương Duy Đức, Trần Thế Khánh Hổ để điều tra về tội "Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật" theo Điều 285 Bộ luật Hình sự 2015. Nhóm này có hành vi bàn bạc, thống nhất, viết phần mềm can thiệp vào cơ sở dữ liệu để chỉnh sửa thông số kiểm định xe cơ giới, sau đó đem bán cho các Trung tâm đăng kiểm. Về hành vi phạm tội tại các Trung tâm đăng kiểm, đến nay, Cơ quan điều tra xác định, để có tiền chia cho nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động của Trung tâm, các bị can là Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm đã chỉ đạo nhân viên trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường cố ý bỏ qua lỗi vi phạm như: Lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê phụ tùng thay thế phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...) của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tính đến ngày 17/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố 89 bị can trong "đại án" đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm đăng kiểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine thiệt mạng trong vụ trực thăng rơi

Cảnh sát xác nhận ngày 18/1 rằng Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denis Monastyrsky đã thiệt mạng sau khi chiếc trực thăng chở ông bị rơi tại một khu dân cư ở thị trấn Brovary gần Kiev. Theo đài RT, lãnh đạo Cơ quan quản lý quân sự khu vực Kiev, ông Aleksey Kuleba, viết trên Telegram rằng ít nhất 18 người, trong đó có 3 trẻ em, cũng thiệt mạng trong vụ việc. Theo ông Kuleba, 22 người, trong đó có 10 trẻ em, bị thương và được đưa đến bệnh viện. Theo lãnh đạo Cảnh sát Quốc gia Ukraine Igor Klimenko, 9 người trong số những người thiệt mạng đã ở trên chiếc trực thăng chở Bộ trưởng Nội vụ Monastyrsky, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Evgeny Yenin và các quan chức cấp cao khác của Bộ Nội vụ. Ông cho biết thêm rằng chiếc máy bay xấu số thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine. Chiếc trực thăng rơi gần một trường mẫu giáo và một khu chung cư ở Brovary, thị trấn có khoảng 110.000 dân, cách thủ đô Kiev khoảng 8 km về phía Đông Bắc. Bộ Nội vụ Ukraine cho biết họ đang xem xét một số lý do có thể dẫn đến vụ tai nạn, như trục trặc thiết bị, vi phạm các quy tắc an ninh và phá hoại.

Trực thăng đâm vào một tòa nhà bên ngoài thủ đô Kiev

Tin 24h ngày 18/1/2023
Hiện trường chiếc trực thăng rơi xuống các tòa nhà tại thị trấn Brovary, ngoại ô Kiev, Ukraine ngày 18/1.

Thống đốc khu vực cho biết một máy bay trực thăng đã rơi xuống một nhà trẻ và tòa nhà dân cư ở thị trấn Brovary gần Kiev (Ukraine) vào sáng 18/1 (giờ địa phương) và đã có thương vong. Theo hãng tin Reuters, người phát ngôn của cảnh sát nói với đài truyền hình Suspilne rằng ít nhất 5 người bị thương và cũng có một số người chết. Thống đốc vùng Kiev, ông Oleksiy Kuleba xác minh thông tin này trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Ông cho biết có người ở trong nhà trẻ vào thời điểm xảy ra vụ việc và mọi người đã được sơ tán. Các video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một tòa nhà đang bốc cháy. Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến chiếc trực thăng gặp nạn. Không có bình luận ngay lập tức từ Nga. Các quan chức Ukraine không đề cập đến cuộc tấn công nào của Nga trong khu vực vào thời điểm đó. Phó chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko viết trên Telegram: “Chúng tôi đang tìm hiểu thông tin về thương vong và tình hình”.

Động đất độ lớn 7 gây rung chuyển miền Đông Indonesia

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo chiều 18/1, một trận động đất có độ lớn 7 đã xảy ra ngoài khơi quần đảo Maluku, miền Đông Indonesia. Tâm chấn của trận động đất nằm cách đảo Halmahera 150 km về phía Tây Bắc và ở độ sâu 48 km. Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương trước đó cho biết sóng thần nguy hiểm có thể xảy ra ở các bờ biển nằm trong phạm vi 300 km tính từ tâm chấn của trận động đất. Trận động đất xảy ra vào khoảng 13h06 ngày 18/1 (giờ Việt Nam). Độ lớn của trận động đất đã được điều chỉnh giảm xuống từ độ lớn ban đầu là 7,2 do USGS đưa ra. Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cảnh báo trận động đất có thể tạo ra các dư chấn. Tuy nhiên, theo AP, cơ quan này không ban bố cảnh báo sóng thần. Indonesia thường xuyên phải hứng chịu các hoạt động địa chấn và núi lửa do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm với nhau. Ngày 21/11/2022, một trận động đất có độ lớn 5,6 đã làm rung chuyển tỉnh Tây Java trên đảo chính Java của Indonesia, khiến 602 người thiệt mạng. Hầu hết nạn nhân thiệt mạng do sập nhà hoặc lở đất do động đất gây ra. Trước đó, một trận động đất có độ lớn 9,1 ngoài khơi Sumatra vào ngày 26/12/2004 đã gây ra một cơn sóng thần ở Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 người, trong đó có nhiều nạn nhân ở tận Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan.

Tỷ phú Elon Musk phải hầu tòa với cáo buộc thao túng thị trường

Quá trình lựa chọn bồi thẩm đoàn cho phiên tòa nhằm xác định liệu một trong những phát biểu trên mạng xã hội Twitter của tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla, có vi phạm luật chứng khoán Mỹ hay không đã được khởi động vào ngày 17/1. Tỷ phú Musk sẽ phải ra hầu tòa tại thành phố San Francisco, bang California (Mỹ), với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán sau khi đăng tải dòng tweet trên mạng xã hội Twitter hồi tháng 8/2018 rằng ông có đủ nguồn tài chính đảm bảo để tư nhân hóa hãng xe điện Tesla. Tuyên bố trên đã khiến cổ phiếu của Telsa lao dốc. Ông Musk sau đó cũng nhanh chóng bị các cổ đông đâm đơn kiện vì gây thiệt hại hàng tỷ USD. Thẩm phán liên bang Edward Chen cho biết bên nguyên cáo buộc rằng những dòng tweet này về cơ bản là sai sự thật và ảnh hưởng đến giá cổ phiếu Tesla và các cổ phiếu khác. Trước đó, ngày 13/1, thẩm phán Chen đã từ chối chuyển thủ tục tố tụng sang bang Texas (Mỹ), trụ sở của Tesla. Trong hồ sơ toà án, các luật sư bào chữa đã lập luận rằng ông Musk sẽ không được xét xử công bằng tại San Francisco và tìm cách chuyển phiên toà ra khỏi đây với lý do "sự tiêu cực của địa phương" từ báo chí, truyền thông. Đây chính là nơi mà ông Musk đã thực hiện thương vụ mua lại Twitter và vấp phải nhiều chỉ trích vì các quyết định của mình kể từ khi tiếp quản công ty truyền thông xã hội này, trong đó có việc sa thải hàng loạt các nhân sự cấp cao tại Twitter, đồng thời thay đổi hoàn toàn chính sách kiểm duyệt nội dung của nền tảng. Phát biểu trên của tỷ phú Musk vào năm 2018 đã thu hút sự chú ý của cơ quan chức năng Mỹ. Theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), các dòng tweet này của ông Musk đã khiến giới đầu tư hiểu lầm vì ông chưa bao giờ tìm được nguồn tiền để đưa Tesla thành công ty tư nhân. Vì vụ việc này, tháng 10/2018, ông Musk phải nộp phạt 20 triệu USD và từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tesla.