Kinh doanh trái phép bình chứa 'khí cười', một phụ nữ ở Gia Lộc bị phạt 34,5 triệu đồng

Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc (Hải Dương) vừa ra quyết định xử phạt Nguyễn Thị Thu Trang, 25 tuổi ở thôn Quán Đào, xã Tân Tiến 34,5 triệu đồng vì kinh doanh trái phép bình chứa 'khí cười'.

Trước đó, hồi 21 giờ 20 ngày 30.4, tại thôn Quán Đào, xã Tân Tiến (Gia Lộc), lực lượng cảnh sát kinh tế Công an huyện Gia Lộc phối hợp với Công an xã Tân Tiến phát hiện Nguyễn Thị Thu Trang, sinh năm 1998, trú tại thôn Quán Đào đang vận chuyển 48 bình chứa khí N2O (Dinitrogen monoxide), thường gọi là “khí cười”.

Trang khai nhận, vận chuyển số bình khí trên nhằm kinh doanh kiếm lời. Tại thời điểm làm việc, Trang không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số bình chứa “khí cười” nói trên. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vụ việc, đồng thời thu giữ tang vật, giám định toàn bộ số bình khí để phục vụ công tác xử lý vi phạm theo quy định.

Trang bị xử phạt về các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp… được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành./.

TP HCM đề xuất chính sách hỗ trợ một lần đối với người lao động

UBND TP HCM vừa có báo cáo khẩn, gửi Kiểm toán Nhà nước về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội.

Theo đó, thành phố đã bố trí tổng cộng hơn 1.244 tỉ đồng từ ngân sách trung ương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 1,2 triệu người lao động. Hiện đã giải ngân hơn 970 tỉ đồng, đạt 78%.

Nhất là việc mạnh dạn ủy quyền cho chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và chi kinh phí đã tạo sự chủ động cho địa phương, thuận lợi cho các doanh nghiệp, tránh tập trung một chỗ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp chưa nắm các quy định nên xác định đối tượng được hỗ trợ không đúng quy định; lập hồ sơ thiếu thông tin, thông tin không đúng (sai thông tin người lao động, sai số tài khoản, sai biểu mẫu, thông tin trùng).

Chưa kể doanh nghiệp còn nộp hồ sơ sai nơi tiếp nhận, không chủ động gửi hồ sơ trước thời gian quy định mà tập trung nộp gộp vào thời hạn cuối thời điểm kết thúc tiếp nhận với số lượng rất lớn. Một số trường hợp gửi qua dịch vụ bưu chính sau ngày 15-8-2022. Doanh nghiệp cung cấp thông tin liên hệ sai nên việc hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung hồ sơ gặp nhiều khó khăn.

Do đó, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép các địa phương tiếp tục thực hiện giải ngân kinh phí cho những doanh nghiệp đã nộp hồ sơ nhưng trong quá trình giải ngân kinh phí do bị sai sót về thông tin đơn vị thụ hưởng, số tài khoản nên bị trả về. Đồng thời, cho phép tiếp tục báo cáo quyết toán các hồ sơ doanh nghiệp nộp sau ngày đóng niên độ quyết toán ngân sách năm 2022.

Mực nước hồ thủy điện tăng nhưng vẫn rất thấp, 9 nhà máy phát điện cầm chừng

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) báo cáo về tình hình vận hành hồ chứa thủy điện sáng 10/6.

Theo đó, trên cả nước, lưu lượng nước về hồ tăng so với hôm qua nhưng vẫn thấp. Các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ vượt qua mực nước chết, nhưng vẫn xấp xỉ mực nước chết; Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ ở mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình vận hành. Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu.

Tình trạng này khiến các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, số nhà máy xấp xỉ mực nước chết tập trung khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành. Vì thế, khó có thể đáp ứng đươc việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.

Một số hồ xấp xỉ mực nước chết: Sơn La, Thác Bà (Yên Bái), Tuyên Quang, Bản Chát (Lai Châu), Bản Vẽ (Nghệ An), Hủa Na (Nghệ An), Trung Sơn (Hòa Bình), Thác Mơ (Bình Phước).

Hiện 9 nhà máy thủy điện phải phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp gồm: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ.

Đồng Nai: Khởi tố 19 bị can vụ 6 phòng khám trục lợi bảo hiểm xã hội

Ngày 10/6, Cơ quan CSĐT, Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, thông tin đã khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can (có một bị can được tại ngoại) để điều tra hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức nhằm trục lợi bảo hiểm.

Trong số 19 bị can, có 5 bác sĩ từng làm việc tại các phòng khám đa khoa, còn lại là các dược sĩ, nhân viên y tế và người chuyên môi giới để làm giả các loại giấy tờ tại các phòng khám đa khoa.

Theo cơ quan điều tra, bước đầu xác định có hơn 130.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh để hưởng BHXH và hơn 400 tờ giấy khám sức khỏe với nội dung ghi khống kết quả để bán cho công nhân quyết toán tiền BHXH, BHYT./.

Người dân Sơn La phát hiện 2 cá thể hổ

Tối 9/6, thông tin từ UBND xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cho biết chính quyền địa phương vừa nhận được tin báo của người dân bản Pả Phang 1 về việc phát hiện 2 cá thể hổ tại khu vực rừng thuộc bản Pú Phang 1, bản Tát Ngoãng, Piêng…

Để đảm bảo an toàn cho người dân và đàn vật nuôi, UBND xã Chiềng Hắc đã chỉ đạo Ban quản lý các bản Tát Ngoãng, bản Pả Phang 1, bản Piềng Lản và các bản lân cận khu vực có 2 cá thể hổ trú ngụ tuyên truyền người dân không được di chuyển, qua lại, xua đuổi, sử dụng vũ khí, làm tác động đến 2 cá thể hổ nói trên làm ảnh hưởng đến công tác theo dõi của cơ quan có thẩm quyền.

Chính quyền địa phương tuyên truyền người dân di dời gia súc, gia cầm đến nơi an toàn, tránh tác động xấu từ 2 cá thể hổ nói trên gây thiệt hại cho nhân dân.

Khi biết thông tin về 2 cá thể hổ nói trên, người dân liên hệ ngay cho UBND xã để phối hợp.

Miền Bắc sắp mưa lớn diện rộng, các hồ thủy điện có khả năng được cải thiện

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia), cho biết, cho đến thời điểm hiện nay, tổng lượng dòng chảy trên các sông khu vực miền Bắc phổ biến thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 40 – 80%.

Trong đó, dòng chảy trên sông Thao thiếu hụt nhiều nhất là trên 90%. Dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ đang thiếu hụt từ 55-75% so với TBNN. So với cùng kỳ năm 2022, tổng dung tích 5 hồ chứa lớn thuộc liên hồ chứa sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) thấp hơn khoảng 7,476 tỷ m3.

Theo ông Hưởng, trong vòng 2 tháng tới, nhiệt độ trung bình miền Bắc cao hơn TBNN từ 0,5-1 độ C. Nắng nóng tiếp tục xuất hiện nhiều ngày hơn trung bình tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Lượng mưa tại Bắc Bộ vẫn có xu hướng thiếu hụt từ 5-20% so với TBNN. Tại Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa phổ biến cao hơn TBNN từ 10-25%.

Theo cơ quan khí tượng, trong 2 ngày cuối tuần này (ngày 10 và 11/6), các tỉnh miền Bắc phổ biến ít mưa và có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ. Dự báo sắp tới, miền Bắc chuẩn bị đón một đợt mưa lớn diện rộng từ ngày 12-15/6.

"Với diễn biến của đợt mưa sắp tới, tình trạng hạn hán ở khu vực Bắc Bộ cũng như các hồ thủy điện ở miền Bắc sau ngày 15/6 có khả năng được cải thiện'', ông Hưởng thông tin.

Vĩnh Phúc: Không đội mũ bảo hiểm, tông thẳng xe vào cán bộ CSGT huyện Yên Lạc

Theo thông tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc, đêm 8/6, một tổ công tác của Công an huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại khu vực gần vòng xuyến Mả Lọ thuộc thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, hướng từ thành phố Vĩnh Yên đi huyện Yên Lạc. Thời điểm này, cảnh sát phát hiện Kim Văn Lưỡng (sinh năm 1991, ở thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc) điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm.

Tổ công tác đã ra tín hiệu yêu cầu người điều khiển phương tiện giảm tốc độ, dừng lại để kiểm tra, nhưng Kim Văn Lưỡng không chấp hành. Nam tài xế sau đó có hành vi lạng lách để tránh việc bị kiểm tra. Quá trình này đã va vào cán bộ N.T.H. (Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an huyện Yên Lạc). Cú va chạm khiến CSGT ngã ra đường.

Sau đó, tổ công tác đã đưa cán bộ CSGT và Kim Văn Lưỡng đến Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc sơ cứu. Kết quả kiểm tra xác định 2 người thương tích nhẹ.

"Vụ việc khiến 2 người bị thương. Tài xế sinh năm 1991 không đội mũ bảo hiểm nên đã có hành vi lạng lách, tránh bị kiểm tra sau đó va trúng một cán bộ CSGT. Hai người này đã hồi phục, Hiện Công an huyện Yên Lạc đã tạm giữ hình sự 2 đối tượng trên để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ", đại diện công an tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được xử lý theo quy định./.

Lấy ý kiến về việc nhà nước mua lại trạm thu phí BOT

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư đường bộ theo hình thức BOT.

Cuối tháng 5, Bộ GTVT gửi Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án BOT. Bộ này cho biết, trong số 54 dự án BOT giao thông đang thu phí do Bộ GTVT quản lý, có 7 dự án doanh thu năm 2022 đạt dưới 30% so với hợp đồng; 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án và 1 dự án không thể thu phí.Bộ GTVT cho biết đã đàm phán với các nhà đầu tư về phương án sửa đổi hợp đồng theo hướng xóa bỏ trạm thu phí hoặc kéo dài thời gian thu, nhà đầu tư giảm lợi nhuận. Sau khi đàm phán, có 3 dự án khả thi để tiếp tục thực hiện hợp đồng; 5 dự án còn lại bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi, do đó nhà nước cần mua lại để chấm dứt hợp đồng.

Cụ thể: 5 dự án cần Nhà nước mua lại gồm:

Dự án BOT cầu Bình Lợi: Nhà nước chi 571 tỉ đồng thanh toán chi phí đầu tư xây dựng cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước hạn, do dự án không thể thu phí khi cảng đường thủy không được đầu tư theo quy hoạch.

Dự án BOT đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa thuộc dự án BOT quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa: Nhà nước chi 892 tỉ đồng thanh toán chi phí đầu tư xây dựng cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do vị trí đặt trạm thu phí không khả thi.

Dự án BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ: dự án này không được thu phí trạm T2, Nhà nước cần chi 1.754 tỉ đồng thanh toán phần hoàn vốn còn lại để chấm dứt hợp đồng.

Dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3 đoạn km75-100: hiện chỉ được thu phí 1 trong 2 trạm thu phí nên phương án tài chính không khả thi. Vì vậy, Nhà nước bố trí 2.850 tỉ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng.

Dự án BOT đường Hồ Chí Minh đoạn km1.738+148 đến km1.763+610: Nhà nước chi 745 tỉ đồng thanh toán cho nhà đầu tư. Hiện phương án tài chính của dự án không khả thi do xe chuyển sang đi tuyến tránh thị xã Buôn Hồ miễn phí.

Sau khi có ý kiến của Chính phủ, hiện Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành để gửi lại Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến để giải quyết dứt điểm vướng mắc các dự án BOT.

Liên quan đến vấn đề này, tại phiên chất vấn ngày 6-7/6 vừa qua, nhiều đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình về hướng giải quyết các BOT thua lỗ.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương khắc phục thiếu điện cục bộ ở miền Bắc

Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc và nghiên cứu, đàm phán có kết quả đối với các dự án, phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, góp phần xử lý tình trạng thiếu điện.

Nội dung trên tại Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; chủ động điều tiết, bảo đảm ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa cao điểm nắng nóng, khắc phục tình trạng thiếu điện; rà soát, hướng dẫn, sớm cấp phép hoạt động cho các dự án năng lượng tái tạo đủ điều kiện, để sớm đưa các dự án này vào vận hành với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đồng thời, các địa phương được yêu cầu chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân được yêu cầu nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày nhằm đạt mục tiêu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2023-2025; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.

Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, đến ngày 10/6 công suất nguồn điện miền Bắc sẽ có phần cải thiện và đưa vào vận hành trở lại tổng cộng khoảng 1.000 MW, chủ yếu nhờ một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố (Quảng Ninh, Nghi Sơn 1, Thái Bình 2) đã được khẩn trương xử lý khắc phục. Ngoài ra, trong vài ngày qua một số khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa nhỏ nên một số hồ thủy điện nhỏ có thêm nước để cải thiện phát điện.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn liên tục đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn nhiệt điện nhằm ứng phó với tình trạng các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước./.