Đề xuất phương án cán bộ, công chức bị kỷ luật tự nguyện tinh giản biên chế

Đây là một trong những đề xuất nổi bật Bộ Nội vụ đưa ra trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, số 113/2018/NĐ-CP và số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Dự thảo đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Bộ Nội vụ cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, việc ban hành Nghị định quy định về tinh giản biên chế nhằm giải quyết chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế, đặc biệt là có chính sách đủ mạnh đối với đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ việc ngay. Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế, những kiến nghị, đề xuất về khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương và trên cơ sở nguyên tắc, mục tiêu xây dựng dự thảo Nghị định nêu trên, Bộ Nội vụ đã rà soát 3 Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế; đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế so với quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, số 113/2018/NĐ-CP và số 143/2020/NĐ-CP. Dự thảo gồm 5 Chương và 24 Điều, quy định về chính sách tinh giản biên chế; trình tự, thời hạn giải quyết tinh giản biên chế; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Tên của Nghị định được sửa thành “Quy định về tinh giản biên chế” để phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định. Để phù hợp với nội dung của dự thảo Nghị định, phạm vi điều chỉnh của Nghị định là quy định về đối tượng; chính sách; trình tự, thời hạn giải quyết và trách nhiệm trong thực hiện tinh giản biên chế ở các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và được Nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao; Công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước nay được cấp có thẩm quyền bán hết phần vốn nhà nước. Về đối tượng tinh giản biên chế, dự thảo Nghị định kế thừa quy định còn phù hợp tại 3 Nghị định nêu trên. So với quy định tại các Nghị định cũ, dự thảo đề nghị, đối với đối tượng là lao động hợp đồng, áp dụng đối với lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định không áp dụng đối với lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, vì đối tượng này ký hợp đồng có thời gian không quá 12 tháng. Dự thảo Nghị định đề nghị bỏ các đối tượng lao động hợp đồng; chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động); người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội. Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng người làm việc tại các quỹ tài chính ngoài ngân sách thuộc diện tinh giản biên chế.

Về các trường hợp tinh giản biên chế, đáng chú ý, dự thảo đề nghị bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý cho phù hợp chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 20-KL/TW. Đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, dự thảo đề nghị chỉ áp dụng quy định này đối với công chức, viên chức. Riêng đối với cán bộ thì trong Đề án nhân sự để giới thiệu bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm nhân sự của mỗi nhiệm kỳ đã xác định rõ tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và nhân sự cụ thể, Bộ Nội vụ đề nghị không đặt vấn đề tinh giản biên chế đối với cán bộ chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP quy định chưa xem xét giải quyết tinh giản biên chế đối với các trường hợp đang bị ốm đau, đang mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con dưới 36 tháng để nhằm bảo vệ quyền lợi đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cá nhân có nguyện vọng tinh giản biên chế vì họ không đủ sức khỏe để làm việc. Theo đó, dự thảo đề nghị sửa đổi, nội dung này theo hướng chưa xem xét giải quyết tinh giản biên chế đối với các trường hợp này, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế. Về chính sách về hưu trước tuổi, kế thừa quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chính sách về hưu trước tuổi và các chế độ về hưu trước tuổi quy định tại Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP, dự thảo Nghị định này chỉ sửa đổi về tuổi hưởng chính sách về hưu trước tuổi để bảo đảm phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019; Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và đảm bảo tương quan với tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử tại Kết luận số 08-KL/TW. Theo đó, cách tính tuổi nghỉ hưu trước tuổi được tính theo tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP; đồng thời, bổ sung chính sách về hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi đời hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Nghị định số 135/2020/NĐCP đảm bảo phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019.

8 địa phương tiếp tục bị dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, Bộ này tiếp tục tạm dừng Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh do không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước. Các địa phương bị tạm dừng gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình EPS với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020 - 2022. Việc tạm dừng tuyển lao động áp dụng với các quận, huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên. Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng đối với người lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã tự nguyện về nước trong khoảng thời gian phía Hàn Quốc thực hiện miễn xử phạt. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước. Việc áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương sẽ căn cứ vào tỷ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước. Việc áp dụng biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương sẽ căn cứ vào tỷ lệ và số lượng lao động của các địa phương cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. So với năm 2019, danh sách các huyện, thị bị dừng tuyển đã giảm từ 40 đơn vị tại 10 địa phương xuống còn 8 huyện, thị xã. Tuy nhiên, so với năm 2022, danh sách này không giảm.

Thời tiết ngày 10/3: Bắc Bộ oi nóng trước không khí lạnh tràn về

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 10/3, Bắc Bộ có sương mù, mưa nhỏ vào sáng sớm, đến trưa chiều trời nắng. Nhiệt độ cao nhất có nơi trên 30 độ C, trời oi nóng trước khi không khí lạnh tràn về. Khoảng 12-13/3, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đón một đợt không khí lạnh, trời chuyển rét. Khu vực này khả năng có mưa rào và dông rải rác, trong đó trung du và vùng núi Bắc Bộ cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước:

Thời tiết Thủ đô Hà Nội có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông nam cấp 2-3. Sáng sớm và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-30 độ C. Các tỉnh phía Tây Bắc Bộ có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa. Gió nhẹ. Sáng sớm và đêm trời lạnh, có nơi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C. Khu vực phía Đông Bắc Bộ có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa. Gió nhẹ. Sáng sớm và đêm trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, vùng núi có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C. Các tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng. Gió nhẹ. Phía Bắc sáng sớm và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C. Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Gió đông bắc 2-3, vùng ven biển cấp 3-4, riêng Ninh Thuận có nơi cấp 6, giật trên cấp 6. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, phía Nam có nơi trên 30 độ C. Khu vực Tây Nguyên có mây, ngày nắng, đêm không mưa. Gió đông bắc đến đông cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C, có nơi dưới 15 độ C. Nhiệt độ cao nhất 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C. Các tỉnh Nam Bộ có mây, ngày nắng, đêm không mưa, riêng miền Đông có nơi có nắng nóng. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C, miền Đông có nơi trên 35 độ C.

Cảnh giác thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng để lừa đảo

Ngày 10/3, Công an thành phố Hà Nội cho biết, phương thức lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, gọi điện thoại tới khách hàng thông báo nợ cước nhằm chiếm đoạt tài sản không còn mới. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều người đã sập bẫy của các đối tượng. Đa phần thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Điển hình như, tại quận Cầu Giấy, đối tượng đã giả danh nhân viên Viettel, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân với số tiền hơn 800 triệu đồng. Cụ thể, ngày 3/3, Công an phường Dịch Vọng tiếp nhận đơn trình báo của ông T. (sinh năm 1946, hộ khẩu thường trú tại quận Cầu Giấy) về việc nhận được cuộc gọi của một đối tượng giới thiệu là nhân viên Viettel thông báo ông đang nợ cước điện thoại. Sau đó, đối tượng kết nối điện thoại cho ông gặp một người tự xưng là công an. Người này cho ông xem ảnh lệnh bắt khẩn cấp và phong tỏa tài sản. Ông T. đã cung cấp cho đối tượng thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng và mã OTP. Sau đó, khi phát hiện tài khoản bị mất hơn 800 triệu, ông đã đến cơ quan Công an trình báo. Trước đó, ngày 1/3, Công an thị trấn Tây Đằng nhận được tin báo của chị P.N.V (sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) về việc đang có đối tượng tự xưng công an, gọi điện thoại yêu cầu bố chị là ông P.V.T (sinh năm 1970, hộ khẩu thường trú tại huyện Ba Vì) chuyển 11 triệu đồng. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an thị trấn cùng chị P.N.V đã khẩn trương có mặt tại nhà ông P.V.T để xác minh vụ việc. Theo tường trình của ông P.V.T, từ ngày 28/2, ông liên tục nhận được cuộc gọi đến, tự giới thiệu là cán bộ công an. Người này nói, ông liên quan tới một vụ án có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số tiền hàng tỷ đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, yêu cầu ông chuẩn bị 2 triệu đồng, sau đó là 9 triệu đồng nếu không sẽ bị bắt giữ. Đến sáng 1/3, ông T có chuẩn bị giấy tờ và tiền theo yêu cầu đến Quỹ Tín dụng thị trấn Tây Đằng để chuyển tiền cho đối tượng trên. Biết được thông tin, chị P.N.V nhanh chóng thông báo sự việc cho Công an thị trấn Tây Đằng nhờ hỗ trợ. Sau khi nắm tình hình, các chiến sỹ đã giải thích rõ cho ông P.V.T về thủ đoạn lừa đảo này cũng như phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông gây án; đồng thời, nhắc nhở ông không nghe, làm theo những yêu cầu của đối tượng. Trước phương thức và thủ đoạn như trên, Công an thành phố Hà Nội đề nghị, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Với các vấn đề liên quan đến thanh toán cước điện thoại hoặc nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ, người dân cần liên hệ đường dây nóng của nhà mạng hoặc đến các phòng giao dịch để được tư vấn, giải quyết kịp thời. Công an cũng khuyến cáo, người dân không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an xã, thị trấn; không có việc gọi điện thoại để yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Cả 3 miền đều có chỉ số tia cực tím gây hại rất cao

Tin 24 ngày 10/3/2023
Chỉ số tia cực tím (UV) cực đại tại hầu hết các khu vực trên cả nước đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao trong ngày. Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 10/3, chỉ số tia cực tím (UV) tiềm năng trên cả 3 miền đều ở mức nguy cơ gây hại rất cao (8.5-10), chủ yếu xảy ra trong khoảng từ 11-14 giờ. Cụ thể, chỉ số tia cực tím ở thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), thành phố Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội đều có mức là 8.5-8.6, gây hại rất cao từ 11-14 giờ. Chỉ số này tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là 8.9; thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đạt mức cao nhất 10.2, gây hại rất cao từ 12-14 giờ; thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) và thành phố Đà Nẵng đều ở mức 9.3, gây hại rất cao từ 11-14 giờ. Chỉ số tia cực tím tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ đạt mức từ 9.8-10 và gây hại rất cao trong khoảng 11-14 giờ; thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đạt mức 10.0 và gây hại rất cao kéo dài từ 11-14 giờ. Dự báo cho 3 ngày (từ ngày 11-13/3), các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có chỉ số UV tiềm năng có nguy cơ gây hại cao đến rất cao (mức 6-10); ngoại trừ ngày 11/3 tại thành phố Hải Phòng (mức 5) và ngày 13/3 tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) có nguy cơ gây hại trung bình (mức 4). Theo các chuyên gia y tế, tia cực tím có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống như: Tổng hợp vitamin D, chống còi xương, phòng ngừa ung thư ruột kết, chữa một số bệnh ngoài da…Tuy nhiên, tia cực tím cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi ra nắng nhiều lần trong thời gian dài như ung thư da, u hắc tố, lão hóa da sớm, đục thủy tinh thể, suy giảm hệ miễn dịch… Vì vậy, mỗi người nên có ý thức chống tia cực tím để bảo vệ sức khỏe và làn da của mình. Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần hạn chế ra ngoài trời khi nắng gắt, cố gắng tranh thủ tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát. Người dân khi ra ngoài trời nắng bắt buộc đội nón rộng vành đảm bảo chiều rộng vành phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng ô hoặc đeo mắt kính màu sậm, đeo khẩu trang, mặc áo khoác và thoa kem chống nắng ngay cả khi trời có mây.

4 ngày liên tiếp, Kon Tum xảy ra động đất

Ngày 10/3, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát đi thông báo về trận động đất vừa xảy ra vào sáng cùng ngày trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cụ thể, trận động đất xảy ra lúc 8 giờ 19 phút 36 giây, có độ lớn 3.0 độ richter, tại vị trí có tọa độ 14.819 độ vĩ Bắc, 108.276 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này. Hôm qua 9/3, chỉ trong vòng hơn 10 tiếng đồng hồ, 4 trận động đất liên tiếp lại xảy ra ở huyện Kon Plông, với cường độ từ 2.6-2.9 độ richter. Tương tự, các ngày 7/3 và 8/3, khu vực này cũng liên tiếp xảy ra các trận động đất. Như vậy chỉ trong 10 ngày đầu tháng 3, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã hứng chịu tổng cộng 11 trận động đất. Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ năm 1903 đến 2020 khu vực tỉnh Kon Tum ghi nhận 33 trận động đất với cường độ M=2,5 – 3,9. Từ tháng 2/2021, động đất xuất hiện và xu hướng gia tăng. Từ năm 2021 đến nay, nơi đây xảy ra trên 300 trận động đất mới. Trong số đó, trận động đất cường độ 4,7 độ richter xảy ra vào hồi 14 giờ 08 phút 04 giây ngày 23/8 là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum. Trận động đất này gây tiếng động và rung lắc lớn, ảnh hưởng tới các khu vực lân cận. Các trận động đất tại khu vực này chưa ghi nhận thiệt hại về người. Song, các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.

TP Hồ Chí Minh: Mâu thuẫn trong lúc ăn nhậu, 1 người bị đâm tử vong

Ngày 10/3, Công an quận Tân Bình vẫn đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra vụ án mạng xảy ra tại một quán nhậu trên địa bàn Phường 13. Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 2 giờ sáng cùng ngày, một nhóm người ăn uống trong quán nhậu K.O. trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Phường 13, quận Tân Bình thì xảy ra mâu thuẫn, một thanh niên dùng hung khí đâm ông L.M.B. (47 tuổi, quê Quảng Nam) tử vong tại chỗ. Sau khi gây án, nghi can đến cơ quan công an đầu thú. Nhận được tin báo, Công an quận Tân Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã phong tỏa, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng để điều tra nguyên nhân vụ việc. Đến 9 giờ 30 sáng cùng ngày, công an quận Tân Bình cùng các đơn vị nghiệp vụ mới khám nghiệm xong hiện trường. Sau đó, xe cứu thương đã đến chở xác đi nơi khác. Nguyên nhân hiện đang được điều tra làm rõ.

Ông Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc

Tin 24 ngày 10/3/2023
Ông Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Theo phóng viên báo chí tại Bắc Kinh, sáng 10/3, tại phiên họp toàn thể lần thứ ba Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV ở Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã được bầu lại làm Chủ tịch Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, liên nhiệm nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, đều với số phiếu bầu tuyệt đối 2.952/2.952. Các đại biểu cũng bầu Ủy viên Thường Vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) làm Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân Đại (Chủ tịch Quốc hội) khóa XIV, và bầu Phó Thủ tướng Hàn Chính làm Phó Chủ tịch Trung Quốc, đều với số phiếu tuyệt đối 2.952/2.952. Trước đó, các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua quyết định phương án cải cách cơ cấu Quốc Vụ viện (Chính phủ Trung Quốc). Kỳ họp lần thứ nhất Nhân Đại khóa XIV, diễn ra từ ngày 5-13/3 là sự kiện hết sức quan trọng đối với Trung Quốc trong thời khắc then chốt khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Việc Tổng Bí thư Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp cho thấy uy tín rất lớn của ông, thể hiện sự tin tưởng và tín nhiệm rất cao của các tầng lớp nhân dân Trung Quốc đối với nhà lãnh đạo này.

Tunisia phát hiện 14 thi thể người di cư ở ngoài khơi Địa Trung Hải

Theo phóng viên báo chí tại Bắc Phi, ngày 9/3, người phát ngôn của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tunisia, Houcemeddine Jbabli, cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này đã vớt được 14 thi thể của những người di cư bất hợp pháp ở ngoài khơi tỉnh Sfax, phía Đông Nam Tunisia. Theo ông Jbabli, lực lượng trên cũng đã giải cứu được 54 người di cư khác vào tối 8/3 ở khu vực ngoài khơi bờ biển Louata thuộc tỉnh Sfax. Ông cho biết thêm những người di cư này đến từ các quốc gia khu vực phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi. Tunisia, nằm ở Trung Địa Trung Hải, là một trong những điểm trung chuyển chính được những người di cư bất hợp pháp lựa chọn để đến châu Âu. Số lượng những người di cư trái phép cố gắng đến Italy từ bờ biển Tunisia ngày càng tăng, bất chấp các biện pháp nghiêm ngặt của chính quyền Tunisia.

Iran: Hạ thủy tàu chiến và tàu cao tốc phóng tên lửa tự sản xuất

Theo phóng viên báo chí tại Trung Đông, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 9/3 đã tổ chức lễ hạ thủy một tàu chiến viễn dương và 99 tàu cao tốc phóng tên lửa do nước này tự sản xuất tại thành phố cảng Bandar Abbas, miền Nam nước này. Hãng thông tấn Iran (IRNA) dẫn phát biểu của Tư lệnh Hải quân của IRGC, ông Alireza Tangsiri, cho biết tàu chiến viễn dương là một “căn cứ hải quân di động” với chiều dài 240m, rộng 32m, trọng lượng 14.000 tấn và tải trọng 41.000 tấn. Con tàu mang tên Shahid Nader Mahdavi, có thể mang theo nhiều máy bay trực thăng, máy bay không người lái và tàu cao tốc phóng tên lửa. Tàu đã được trang bị radar 3D, các tên lửa đất đối đất và đất đối không, hệ thống viễn thông tác chiến điện tử tiên tiến và các tên lửa hành trình có tầm bắn hơn 700 km với khả năng di chuyển đạt tốc độ 18 hải lý/giờ. Các máy bay có thể cất và hạ cánh trực tiếp trên tàu. Cũng tại buổi lễ trên, IRGC còn giới thiệu một số loại tàu nhẹ, bao gồm tàu lớp Salman Farsi được trang bị tên lửa tầm xa có tốc độ 65 hải lý/giờ (tương đương 120 km/h) và khả năng phóng tên lửa, tàu lớp tác chiến Tareq có khả năng hoạt động với tốc độ hơn 90 hải lý/giờ, tàu cứu thương và tàu cứu hỏa.