Thúc đẩy liên kết trong sản xuất, kinh doanh chè hữu cơ
Xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên hiện có gần 200ha chè |
Xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ hiện có gần 200ha chè, trong đó phần lớn các diện tích đã chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất chè an toàn hữu cơ hoặc theo tiêu chuẩn VietGAP đã được hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân. Tuy nhiên, do thiếu đầu ra ổn định, việc tiêu thụ sản phẩm chè của địa phương gặp nhiều khó khăn.
Ông Lý Văn Học, xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh cho biết: "Người dân đã được đi học tập và tập huấn nhiều, chấp hành tốt, làm theo đúng tiêu chuẩn VietGAP; bây giờ chúng tôi lo về thương hiệu và đầu ra".
Tại nhiều địa phương, người dân đang dần chuyển đổi sang sản xuất chè theo mô hình hữu cơ |
Người dân khó tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong khi doanh nghiệp lại thiếu vùng nguyên liệu sản xuất chè an toàn… đó là thực trạng chung của nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ông Nguyễn Kim Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ntea Việt Nam cho hay: "Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là cần mở rộng được vùng nguyên liệu để tối ưu hoạt động đầu tư".
Còn bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty CP Chè Hà Thái cho biết: "Để đáp ứng thị trường trên toàn cầu, bắt buộc chúng ta phải có vùng nguyên liệu sạch, đưa các quy trình kỹ thuật cao phối hợp cùng với bà con nông dân sản xuất, liên kết chặt chẽ".
Hiện nay, tại nhiều địa phương, người dân đang dần chuyển đổi sang sản xuất theo mô hình hữu cơ. Riêng về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn tỉnh mới chỉ có hơn 2.000 ha. Trong khi mối “liên kết bốn nhà” đang từng bước được hình thành và cụ thể hóa thì liên kết “2 nhà” giữa nhà nông và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè an toàn, hữu cơ đang là giải pháp quan trọng, cần được thúc đẩy để ngành chè phát triển trong thời gian tới./.