Thái Nguyên trong chiến lược phát triển cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí vượt qua cột mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (Cao Bằng)

Trước năm 1930, tại Thái Nguyên đã nổ ra nhiều phong trào đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân, phong kiến. Cuối năm 1936, Tổ chức cơ sở Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh ra đời, đưa phong trào cách mạng đi từ tự phát lên tự giác, giành được nhiều thắng lợi.

Đầu năm 1940, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến có lợi cho phong trào cách mạng Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương trở về lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Từ rất sớm, Người đã nhìn ra vị trí chiến lược của Thái Nguyên: “… từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ”.

PGS.TS Trần Ngọc Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định: “Sức lan tỏa rất là lớn. Cái thứ nhất là do sự chi phối của vị trí địa lý. Vị trí này có sức lan tỏa nổi trội khi Thái Nguyên chính là nơi hội tụ các lãnh tụ của phong trào cách mạng. Người ta cảm thụ được không khí, sức mạnh đó mà phong trào cách mạng lan tỏa nhanh”.

Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí vượt qua cột mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (Cao Bằng). Cách mạng Việt Nam bước sang một bước phát triển mới.

Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương VIII đã phát triển và hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định nhiệm vụ trung tâm trong giai đoạn này là: “Chuẩn bị khởi nghĩa” và quyết định “lấy miền núi rừng Việt Bắc để xây dựng căn cứ vũ trang”. Thực hiện chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về xây dựng những con đường quần chúng, nối liền các trung tâm căn cứ trong lòng Việt Bắc, mở đường về xuôi kết hợp với phong trào cách mạng toàn quốc, đến cuối năm 1943, hai căn cứ cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai được nối thông với nhau. Từ đó, phát huy vị trí và địa thế chiến lược của Thái Nguyên, một bàn đạp để tiến về đồng bằng Bắc Bộ.

Thái Nguyên trong chiến lược phát triển cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
Lán ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên địa danh đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa).

Thực tiễn phong trào cách mạng Thái Nguyên có ý nghĩa to lớn trong chiến lược phát triển cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, góp phần vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đây cũng là tiền đề để Trung ương Đảng, Bác Hồ quyết định chọn Thái Nguyên xây dựng An toàn khu trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Thái Nguyên có một vai trò, vị trí rất quan trọng như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và là nơi có phong trào cách mạng, có truyền thống đấu tranh yêu nước của người dân rất vững chắc".

PGS.TS Đỗ Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên nhận định: “Có thể nói trong những năm gần đây, vị thế của Thái Nguyên trong giai nhập hội nhập và phát triển ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng của một trong những trung tâm kinh tế của khu vực trung du miền núi phía bắc. Và chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực, với những truyền thống, với những kinh nghiệm, với những bản lĩnh và ý chí quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và tiếp tục sẽ triển khai những nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng đang diễn ra tại Hà Nội trong những ngày gần đây. Chắc chắn Thái Nguyên sẽ có được 1 vị thế mới trong quá trình phát triển và hội nhập”.

Xuân Tân Tỵ năm xưa, Bác Hồ trở về lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Cũng từ mùa xuân năm 1941, phong trào cách mạng tại Thái Nguyên chuyển biến mạnh mẽ. Đi theo tư tưởng của Người, trong các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam, Thái Nguyên đã ghi những dấu ấn quan trọng và rất đỗi tự hào./.