Trong mùa hè đỏ lửa tháng 6/1972 với nhiệm vụ sửa chữa đường và bốc xếp hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam, 102 cán bộ đội viên Đại đội 915 tuổi đời còn rất trẻ, hầu hết mới 17 – 18, một số vừa tròn 16 tuổi, phần lớn là người dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu... nhiều người chưa biết đọc, biết viết và nói tiếng Kinh chưa thạo thuộc các huyện, thành thị tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn). Các chị, các anh lao vào cuộc chiến với tất cả sự hồn nhiên, vô tư và tình nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Năm tháng ấy, mồ hôi các chị các anh mặn vào từng mét đường. Màu áo lẫn trong đất bụi, khói bom. Người nằm lại trong cuộc chiến ấy thì đã ngủ yên dưới lòng đất nhưng những người còn sống và viết tiếp khúc tráng ca hồn dân tộc thì vẫn đang hướng về nhau bằng tình đồng đội và sức mạnh của lòng yêu nước. |
Quãng đường đến với gia đình ông Hoàng Văn Thắng, thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn không phải ngắn nhưng có biết bao câu chuyện dài theo năm tháng được các cựu thanh niên xung phong kể lại với nhau trong khí thế hừng hực của tuổi thanh xuân. Sau gần 3 giờ di chuyển từ Thái Nguyên, chúng tôi đã đến huyện Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Trong chuyến đi này, trước khi đến nhà ông Thắng, đoàn chúng tôi đã ghé vào đón bà Loan, cũng là một đồng đội trong đại đội 915 đi cùng. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của ông Thắng và người mẹ già 95 tuổi nằm sâu trong thôn Nà Duồng. Đón chúng tôi ông Thắng vui mừng khôn xiết, ông tuymay mắn sống sót nhưng di chứng của trận bom kinh hoàng khiến sức khỏe của ông suy giảm rất nhiều. Hoàn cảnh khó khăn, mẹ già sức yếu, ông thì trái gió trở trời vẫn gồng mình chịu những cơn đau. 2 con người một già một chẳng còn trẻ nữa nương tựa vào nhau sống qua ngày. |
Những món quà gửi tới ông Thắng trong lần gặp mặt này, tuy không có giá trị nhiều về vật chất nhưng đó là tinh thần ấm áp hướng về nhau, sự quan tâm chia sẻ của những người đồng đội còn ở lại và viết tiếp khúc tráng ca thời hoa lửa. Bà Đặng Thị Tỵ, Trưởng Ban liên lạc thanh niên xung phong Đại đội 915 Thái Nguyên chia sẻ suy nghĩ về hoàn cảnh của cựu thanh niên xung phong Hoàng Văn Thắng: “Mẹ già 95 tuổi, bản thân chú Thắng cũng 70 tuổi rồi. Cuộc sống hằng ngày khá vất vả, trong nhà cũng chả có vật dụng gì đáng giá. Nhìn thấy mẹ già, nhìn thấy đồng đội trong hoàn cảnh như thế này chúng tôi thật sự rất xót lòng”. |
Cuộc hội ngộ nào cũng đến lúc phải chia tay, họ bịn rịn, rồi lại động viên nhau cùng sống tốt những ngày tháng còn lại, xứng đáng với hành động hi sinh bi tráng của đồng đội mình trong đêm Noel 1972 giờ đây đã trở thành khúc tráng ca bất tử trường tồn cùng Đất nước. |