Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã trao đổi làm rõ nhiều nội dung, những thuận lợi, khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 23 và Nghị quyết 52

Những năm qua, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 23 về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 52 về“Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, của Bộ Chính trị. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 23, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và đồng thuận của người dân, giai đoạn 2018-2022, Thái Nguyên nằm trong nhóm các địa phương có năng lực điều hành kinh tế thuộc nhóm “khá” và trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Năm 2023, Thái Nguyên xếp thứ 2 cả nước về chỉ số SIPAS; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 6. Hiện nay, Thái Nguyên có 4 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; 41 cụm công nghiệp được quy hoạch; hiện 11 cụm đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 59%; giải quyết việc làm cho gần 11 nghìn lao động… Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”..

Thông qua việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52, năm 2023, Thái Nguyên đứng thứ 10 cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; toàn tỉnh có 324 doanh công nghệ số; 100% doanh nghiệp của tỉnh đã thực hiện khai thuế điện tử; hơn 2.700 sản phẩm cập nhật trên sàn thương mại điện tử... tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh đạt 31,4%, đứng thứ 3 cả nước…Tỉnh Thái Nguyên cũng đã chú trọng phát triển đô thị thông minh và phủ sóng 3G/4G…

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đã trao đổi làm rõ nhiều nội dung, những thuận lợi, khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị quyết 23 và Nghị quyết 52

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Trưởng đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao việc tổ chức triển khai và các kết quả đã đạt được của Thái Nguyên trong thực hiện các Nghị quyết. Đoàn công tác sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất của tỉnh để bổ sung vào báo cáo trình Bộ Chính trị.

Qua lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ chủ động, tích cực tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 23 và Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, đặc biệt Ban Kinh tế Trung ương nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong phát triển lĩnh vực công nghiệp và triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số… thúc đẩy phát triển KT-XH.

Trong chương trình làm việc, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã khảo sát thực tế và làm việc với Công ty CP đầu tư và thương mại TNG tại cụm Công nghiệp Sơn Cẩm (Thành phố Thái Nguyên) và Công ty TNHH Mani Hà Nội có trụ sở tại Thành phố Phổ Yên.