Chiến thắng Điện Biên Phủ - Chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
Đầu tháng 12/1953, sau khi phân tích tình hình trên các chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ.

Đầu tháng 12/1953, sau khi phân tích tình hình trên các chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện đã nhanh chóng quy tụ và phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đứng lên đấu tranh giành độc lập và tự do cho đất nước, dân tộc.

PGS. TS Đỗ Hồng Thái, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên chia sẻ: "Cuộc kháng chiến này là cuộc kháng chiến của dân, do dân và vì dân. Bổn phận của mỗi một người dân đều có trách nhiệm bảo về quyền, lợi ích, nền độc lập, giá trị thiêng liêng của quốc gia, dân tộc; vì thế ở những giai đoạn cụ thể luôn khích lệ, tập hợp được sức mạnh của toàn dân".

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
Trận quyết chiến chiến lược diễn ra ở xa hậu phương, nơi có địa hình, giao thông rất khó khăn…

Trận quyết chiến chiến lược diễn ra ở xa hậu phương, nơi có địa hình, giao thông rất khó khăn… Trước thử thách đó, với bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến đã được phát huy cao nhất, kịp thời cung cấp đầy đủ mọi yêu cầu về lương thực, thực phẩm, trang bị vũ khí trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, các địa phương đều thi đua chi viện cho mặt trận. Lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ nhiều địa phương được huy động đủ đáp ứng yêu cầu cho chiến dịch.

Ông Trần Văn Khoa, cựu thanh niên xung phong xã Cù Vân, huyện Đại Từ cho hay: "Lúc bấy giờ, tinh thần anh em không quản ngại làm đêm làm ngày, làm đêm là chính vì ngày không ra được bởi máy bay đánh nhiều".

Bà Hà Thị Huệ, dân công hỏa tuyến xóm Đức Phú, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên cho biết: "Dân công rất đông, ban ngày vá quần áo, nấu cơm cho bộ đội".

Bên cạnh những đóng góp sức người, sức của to lớn cho chiến dịch, tinh thần đoàn kết còn được thể hiện ở ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân tộc, đặc biệt là các chiến sĩ xung kích ngoài mặt trận, trực tiếp chiến đấu với quân thù. Ký ức của những chiến sĩ Điện Biên vẫn còn khắc rõ hình ảnh những người đồng đội kiên trung, sẵn sàng chiến đấu theo mục tiêu lý tưởng của Đảng dưới ngọn cờ mặt trận đoàn kết.

Chiến sỹ Điện Biên Trần Xuân Yến, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên cho hay: "Cán bộ 308 về bảo chúng tôi được bổ sung vào Sư đoàn 308, tất cả anh em quây quần, phấn khởi được đi đánh giặc, đánh những trận lớn".

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Quân Hồng, phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi viết giấy dán lên mũ là phải quyết tâm đánh đến cùng".

Chiến dịch Điện Biên Phủ, đỉnh cao của chiến tranh nhân dân, chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" được tạo nên bởi những con người bình dị, nhưng lại có những hành động, việc làm quả cảm, kiên trung - những anh hùng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Không có pháo đài nào không thể công phá, chỉ có lòng dân và tinh thần dân tộc mới là bất khả xâm phạm. Bản hùng ca Điện Biên Phủ được viết lên bằng khát vọng độc lập tự do, tinh thần đoàn kết và ý chí "quyết chiến quyết thắng" của cả một dân tộc sẽ còn vang vọng mãi hôm nay và mai sau./.