Bảo tồn làn điệu dân ca dân tộc Dao
Lễ ra mắt CLB văn nghệ và bảo tồn văn hóa dân tộc Dao, xóm Khe Nác, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương |
Nhờ tâm huyết của những hạt nhân văn nghệ ở địa phương mà những em nhỏ người Dao ở xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương đang dần ý thức được việc học tiếng mẹ đẻ, học dân ca Pả duung, chính là một cách để hiểu hơn về nguồn cội dân tộc mình. Lối hát, cách phát âm sao cho đúng ngữ điệu, đúng làn điệu được các bà, các chị ở xóm chỉ dạy kỹ càng.
Em Đặng Thị Huyền, Trường THCS Yên Ninh, huyện Phú Lương chia sẻ: "Cháu muốn biết những câu giao tiếp và cả bài hát nữa".
Em Đặng Hải Yến, Trường THCS Yên Ninh, huyện Phú Lương: "Cháu đã biết được 2-3 bài về Bác Hồ, về đất nước".
Cùng với các lớp học truyền dạy dân ca Pả duung, một trong hình thức bảo tồn văn hóa văn nghệ mà người Dao ở Thái Nguyên đã duy trì hiệu quả, đó là thành lập các câu lạc bộ. Đây là những địa chỉ văn hóa của những người Dao yêu văn nghệ, yêu làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Cách làm này không chỉ được thực hiện hiệu quả với cộng đồng người Dao mà còn thiết thực với nhiều vùng dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh. Từ những bài Pả duung lời cổ, đến nay, nhiều nghệ nhân người Dao đã biết đặt lời cho làn điệu này để phù hợp hơn với cuộc sống hiện tại, ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ với niềm tin đổi mới…
Bà Bàn Thị Hồng, xã Phúc Chu, huyện Định Hóa cho biết: "Bản thân tôi vẫn sáng tác, nhưng tôi vẫn duy trì những bài cổ cho đến bây giờ".
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương: "Thông qua việc xây dựng các Câu lạc bộ bảo tồn, chúng tôi giúp bà con phục dựng lại những làn điệu dân ca, dân vũ, các nghi lễ của đồng bào dân tộc Dao. Đây cũng là một kênh để chúng tôi bồi dưỡng, nhân rộng các nghệ nhân dân gian".
Các làn điệu Pả duung của các nhóm Dao hoàn toàn khác nhau. Chỉ có Pả duung của người Dao Quý Lâm và người Dao Đỏ là gần giống nhau |
Được ra đời từ rất lâu, bắt nguồn từ trong lao động sản xuất, trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, làn điệu Pả duung mang một giá trị văn hóa tinh thần và ý nghĩa rất quan trọng đối với người Dao. Nét đặc sắc của Pả duung nằm ở các thể loại hát, mỗi thể loại sẽ quy định bối cảnh riêng, ngôn từ riêng thể hiện sắc thái tình cảm khác nhau.
Ông Đặng Phúc Lường, Nguyên Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Các làn điệu Pả duung của các nhóm Dao hoàn toàn khác nhau. Có Dao Quý Lâm và Dao Đỏ là gần giống nhau, khác nhau về cách lấy âm điệu ngắn dài, trường độ... hay nhất là làn điệu Pả duung của người Dao Đỏ".
Trong những năm qua, được sự quan tâm của ngành văn hóa, bà con người Dao ở Thái Nguyên đã có thêm cơ hội để giao lưu quảng bá các làn điệu dân ca, dân vũ của mình tại nhiều hoạt động, sự kiện của địa phương. Làn điệu dân ca Pả duung đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đó là niềm tự hào, là một trong những mạch nguồn nuôi dưỡng các thế hệ người Dao cùng ý thức giữ gìn và phát huy trong cộng đồng các giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó có làn điệu Pả duung./.