Thái Nguyên: 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia (5 sao) - đã psts 4.7
Thái Nguyên có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia là sản phẩm Chè tôm nõn của Hợp tác xã chè Hảo Đạt và sản phẩm Miến của Hợp tác xã Miến Việt Cường.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh Thái Nguyên đã thu được những kết quả quan trọng. Các sản phẩm tham gia chu trình OCOP đã gia tăng về số lượng, đa dạng về chủng loại, nâng cao về chất lượng, hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền. Tham gia Cuộc thi đánh giá phân hạng 5 sao cấp quốc gia năm 2020, toàn quốc có 43 hồ sơ sản phẩm của 12 tỉnh, thành tham gia, trong đó tỉnh Thái Nguyên đề cử 7 sản phẩm dự thi đều thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Có thể nói, kết quả đạt được của Chương trình OCOP là nhận thức của cán bộ và người dân về Chương trình OCOP được nâng lên rõ ràng. Chương trình đã làm cho người dân biết liên kết lại với nhau trong quá trình sản xuất để hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp. Cụ thể, hơn 2 năm qua, đã củng cố và phát triển được hàng trăm hợp tác xã. Trong 2 năm 2019, 2020, với 2 kỳ đánh giá, chúng ta đã có 76 sản phẩm được công nhận là sản phẩm từ 3 sao trở lên".

Thái Nguyên: 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia (5 sao) - đã psts 4.7
Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tạo liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm.

Sau nhiều vòng đánh giá nghiêm ngặt của Hội đồng đánh giá Trung ương, đã có 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ trên 90 điểm được chọn để trao chứng nhận sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia. Trong đó, Thái Nguyên có 2 sản phẩm là chè tôm nõn (HTX Chè Hảo Đạt) và miến Việt Cường (HTX Miến Việt Cường). Các sản phẩm đạt OCOP 5 sao sẽ được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận, được sử dụng biểu trưng, tem OCOP Quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường cho biết: "Để đạt tiêu chuẩn OCOP, chúng tôi phải nâng cấp nhà xưởng, công nghệ, máy móc, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đều phải nâng lên tầm cao hơn".

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy rất tự hào, tự tin vào sản phẩm chè, nhất là quê hương Tân Cương có sản phẩm chè đạt sản phẩm OCOP cấp Quốc gia (5 sao) ".

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã luôn quan tâm, hỗ trợ các HTX trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo điều kiện cho các địa phương, HTX tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm, trưng bày các sản phẩm OCOP. Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án phát triển theo chuỗi giá trị; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng dữ liệu sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc…

Ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, người dân tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình OCOP; những chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp được quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tất cả đề án, dự án để tập trung phát triển các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh công tác chế biến, đặc biệt là chế biến sâu".

Có thể thấy, Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tạo liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm; đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó hoàn thành tiêu chí trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới./.