Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", tỉnh Thái Nguyên đã có gần 80 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. |
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có gần 80 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Chương trình đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, phát huy năng lực sáng tạo của người dân khu vực nông thôn trong liên kết sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Về sản phẩm OCOP khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng cũng muốn mua những sản phẩm đạt tiêu chí chất lượng an toàn. Ngoài tiêu chí đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng đến phần quà biếu, quà tặng như trên vỏ hộp cũng đa dạng mẫu mã sản phẩm hơn".
Để các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, các ngành chức năng của tỉnh cũng nỗ lực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày, xúc tiến thương mại để giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
Anh Doãn Việt Anh, Quản lý Trạm dừng nghỉ Hải Đăng, thị xã Phổ Yên cho biết: "Hiện nay, trạm có kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh trưng bày tại trạm với tiêu chí quảng bá các sản phẩm đến nhân dân trong và ngoài tỉnh, từ đó tạo nguồn thu cho bà con nông dân".
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên trao đổi với phóng viên. |
Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu duy trì, phát triển những sản phẩm đã được công nhận và phấn đấu có thêm ít nhất 70 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Trong tiêu chuẩn đánh giá các sản phẩm OCOP thì một trong những tiêu chuẩn bắt buộc đó là kiểm tra xác định về tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các hàng hóa nông sản; thông qua đó giúp tiêu thụ các sản phẩm nông sản".
Các sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên đã và đang tạo ra một diện mạo mới trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, không ngừng gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển./.