Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững
Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Miến Việt Cường đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. |
Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Miến Việt Cường đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Có thời điểm, hợp tác xã rơi vào tình trạng “cháy hàng”. Với những lợi thế đó, sản phẩm đã và đang tiếp cận được nhiều thị trường lớn, tiềm năng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, vùng nguyên liệu cho miến dong Việt Cường chỉ vỏn vẹn 20ha và phân bố rải rác ở nhiều địa phương.
Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Miến Việt Cường, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Hợp tác xã liên kết với bà con để xây dựng vùng nguyên liệu gặp một số khó khăn, tôi mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện để hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất và vùng nguyên liệu".
Sau nhiều năm gắn bó với cây chè, các thành viên Hợp tác xã Chè Hảo Đạt luôn trăn trở làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm chè Tân Cương. Với hơn 6ha trồng chè và các hộ liên kết là hơn 40 ha theo tiêu chuẩn VietGap, Hảo Đạt cũng hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với OCOP và chuyển đổi số. Đến nay, là 1 trong 2 đơn vị có sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, TP Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi kết hợp với bà con quy hoạch những vùng trồng làm sao đạt chứng nhận mã vùng để đưa ra sản phẩm quy mô, để bà con hiểu hơn chất lượng theo những mã vùng này".
Đối với những vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP đã được chú trọng. |
Đối với những vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh, việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP đã được chú trọng và tư duy của bà con trong sản xuất nông nghiệp đã dần thay đổi.
Ông Nguyễn Văn Tỵ, Giám đốc Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, huyện Phú Lương cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng thương hiệu chè Khe Cốc nằm trong tứ trụ danh trà của Thái Nguyên. Cả vùng Khe Cốc có 5 xóm, chúng tôi có hướng phát triển mở rộng vùng nguyên liệu".
Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định; từ đó, tăng cường đầu tư công nghệ để chế biến, bảo quản các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, hợp tác liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị và lợi nhuận. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gắn với OCOP còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khẳng định: "Các vùng sản xuất đang là quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chính vì vậy, để khắc phục những khó khăn này, phải vận động, tuyên truyền để các hộ dân biết liên kết lại với nhau thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết các doanh nghiệp để tạo ra những vùng sản xuất tập trung. Qua thực tế trong 3 kỳ đánh giá sản phẩm OCOP, chúng ta khẳng định rằng những hợp tác xã nào xây dựng được những vùng nguyên liệu có quy mô đủ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thì mới có được sản phẩm OCOP".
Cùng với sự thay đổi tư duy, nhận thức của bà con nông dân, những chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu để Thái Nguyên tiếp tục có thêm những sản phẩm OCOP chất lượng cao, cũng như khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có về sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương./.