Đồng Hỷ dẫn đầu toàn tỉnh về sản phẩm OCOP
Suốt 3 tháng cuối năm 2021, các thành viên Hợp tác xã Miến Việt Cường tích cực chuẩn bị hàng nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Suốt 3 tháng cuối năm 2021, các thành viên Hợp tác xã Miến Việt Cường tích cực chuẩn bị hàng nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Những năm gần đây, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sử dụng sản phẩm OCOP truyền thống. Đặc biệt, năm 2021, vượt qua 43 sản phẩm của 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, sản phẩm Miến dong Việt Cường của Hợp tác xã Miến Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ đã được Hội đồng OCOP cấp Quốc gia công nhận đạt chuẩn 5 sao, giá trị thương hiệu được khẳng định, thị trường theo đó ngày càng được mở rộng. Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Miến Việt Cường cho hay: "Đạt được OCOP 5 sao gần như là giấy thông hành, khách hàng rất tin tưởng".

Đồng Hỷ dẫn đầu toàn tỉnh về sản phẩm OCOP
Hợp tác xã Tuyết Hương, xóm Na Long, xã Hóa Trung được thành lập năm 2012 với ngành nghề chính là trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh chè.

Hợp tác xã Tuyết Hương, xóm Na Long, xã Hóa Trung được thành lập năm 2012 với ngành nghề chính là trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh chè. HTX có 13 hộ thành viên với 15ha chè nguyên liệu được chứng nhận sản xuất chè sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP; sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 150 tấn/năm. Với việc coi trọng chất lượng sản phẩm, tích cực cải tiến mẫu mã bao bì và chỉ bán ra thị trường những sản phẩm chè sạch, an toàn cho người tiêu dùng nên các sản phẩm chè của HTX Tuyết Hương ngày càng được ưa chuộng trên thị trường. Đến nay, hợp tác xã có 8 dòng sản phẩm thì có tới 5 sản phẩm đã được chứng nhận đạt OCOP 4 sao. Việc được cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt sao OCOP như là lời khẳng định về chất lượng và uy tín để hợp tác xã thúc đẩy quảng bá, hợp tác với các đối tác đưa sản phẩm của đơn vị vào các siêu thị lớn, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm.

Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX Tuyết Hương cho biết: "Khi sản phẩm được gắn sao OCOP khách hàng đã tin tưởng hơn rất nhiều, thị trường đã được mở rộng hơn, sản lượng mỗi năm tăng lên khoảng 20%, giá thành cũng tăng lên. Qua đó, thu nhập của thành viên Hợp tác xã và người làm chè cũng được tăng lên rõ rệt".

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" chính thức triển khai tại Đồng Hỷ từ đầu năm 2019 với mục đích là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Qua 3 năm thực hiện chương trình, toàn huyện đã có 31 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó: 01 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia (sản phẩm miến Việt Cường); 21 sản phẩm đạt 4 sao; 09 sản phẩm 3 sao. Thông qua phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần thúc giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất nông nghiệp trồng trọt từ 110 triệu đồng năm 2020 lên 115,9 triệu đồng năm 2021. Đặc biệt, năm 2021, thực hiện chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, các chủ thể OCOP nói riêng cũng như ngành nông nghiệp của Đồng Hỷ đã rất tích cực trong việc ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện tốt phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng như sản phẩm OCOP của địa phương.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Có thể nói, ngay từ khi mới bắt đầu triển khai Chương trình OCOP năm 2019, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ đã rất tích cực chỉ đạo quyết liệt để thực hiện chương trình. Từ sự chỉ đạo quyết liệt đó đã đạt được kết quả rất cao. Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, đến nay, Đồng Hỷ đã có 31 sản phẩm, là đơn vị có số lượng sản phẩm đạt sao OCOP dẫn đầu trong toàn tỉnh. Đặc biệt là Đồng Hỷ đã có 1 sản phẩm 5 sao (Thái Nguyên có 2 sản phẩm thì 1 sản phẩm của Đồng Hỷ). Đây là kết quả phấn khởi có tác dụng thúc đẩy Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của huyện Đồng Hỷ nói riêng cũng như của tỉnh Thái Nguyên nói chung".

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, ngày 18/8/2021, HĐND huyện Đồng Hỷ đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án phát triển nông nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, một trong những mục tiêu đề ra là đến năm 2025 có ít nhất 15 sản phẩm OCOP được chứng nhận, đến năm 2030 có 30 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó có 1 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao./.