Quỹ Hỗ trợ nông dân biến khát vọng làm giàu thành hiện thực
Nhận được sự quan tâm
Theo báo cáo của Hội Nông dân tỉnh Hải Dương, đến nay, toàn tỉnh đã có 12/12 huyện, thành phố và 258/258 cơ sở xây dựng được Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Hiện nay nguồn vốn Quỹ HTND do cấp nào vận động thì cấp đó trực tiếp quản lý. Hội Nông dân thành phố Chí Linh hiện có mức quỹ cấp huyện đạt trên 1 tỷ đồng và 9/12 huyện, thành phố có mức quỹ cấp huyện đạt trên 500 triệu đồng/đơn vị.
Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đã giúp nhiều hộ nông dân ở xã Lê Lợi, TP.Chí Linh (Hải Dương) phát triển mô hình trồng cam VietGAP. Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Công tác quản lý cho vay và thu hồi vốn quỹ được cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương tập trung chỉ đạo thực hiện theo Hướng dẫn số 82-HD/QHTTW, ngày 22/12/2014 của Ban Điều hành Quỹ HTND T.Ư (thuộc T.Ư Hội NDVN) về hướng dẫn nghiệp vụ cho vay vốn Quỹ HTND. Nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh và T.Ư ủy thác được cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương trực tiếp giám sát giải ngân, theo dõi. Do vậy nguồn vốn vay Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh Hải Dương không bị tồn đọng, không có nợ quá hạn.
Trong công tác xây dựng, quản lý, tăng trường nguồn vốn Quỹ những năm gần đây, Hội Nông dân Hải Dương đã có nhiều nỗ lực vượt bậc. Hội Nông dân nhiều huyện, thành phố đã tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đưa vào kế hoạch hàng năm trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động xã hội hóa, tranh thủ tối đa nguồn vốn vận động, ủng hộ từ tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Hội tăng cường kêu gọi cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ bởi xác định rõ đây là nguồn lực quan trọng để các cấp Hội chủ động giúp hội viên, nông dân.
Tại thành phố Chí Linh, hoạt động huy động Quỹ HTND đã được các cấp Hội đẩy mạnh với nhiều hình thức. Bà Nguyễn Thị Quế, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Chí Linh cho biết:Trong công tác xây dựng Quỹ, ngoài vốn nhận ủy thác từ T.Ư, từ tỉnh, hàng năm ngân sách TP đã bổ sung cho Quỹ HTND thành phố 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội chỉ đạo các cơ sở Hội vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ hoặc cho mượn. Thêm nữa, Quỹ tăng trưởng khi có nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và vốn tự bổ sung hàng năm.
Vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh Hải Dương đưa vào sử dụng đúng mục đích, đúng nguyên tắc, hạn chế tối đa tình trạng tồn đọng, giải ngân nhanh gọn. 100% số hộ vay vốn đúng đối tượng, không có tình trạng vay giúp nhau, các hộ vay đều có hợp đồng vay vốn hoặc sổ tiết kiệm. Hội Nông dân các cơ sở cơ bản đều quản lý tốt nguồn vốn vay, thực hiện tốt hướng dẫn của Hội cấp trên về quản lý, sử dụng Quỹ HTND đều đặn, thường xuyên theo đúng quy định.
Trao “cần câu” cho nông dân
Quý I/2019, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã thực hiện các quy trình thẩm định, giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND với tổng số tiền 15,1 tỷ đồng ở 34 dự án liên kết sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản với sự tham gia của 567 hộ nông dân. Trong số này, nguồn vốn từ Quỹ HTND tỉnh là 12,6 tỷ đồng với 31 dự án, nguồn vốn Quỹ HTND T.Ư là 2,5 tỷ đồng với 3 dự án. Mỗi đồng vốn quỹ đều được Hội Nông dân Hải Dương đưa vào sử dụng đúng mục đích, đúng nguyên tắc, tồn dư Quỹ tiền mặt không đáng kể, thủ tục cho vay nhanh gọn.
Từ các dự án vay vốn nhóm hộ, nhiều nơi đã hình thành và thành lập được các câu lạc bộ, các tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy vùng sản xuất ở các địa phương. Biêu biểu như: mô hình thâm canh trồng cây ăn quả tại xã Tân Việt (Thanh Hà); mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), Đoàn Kết (Thanh Miện); mô hình trồng cây rau màu chuyên canh cho giá trị kinh tế cao ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc), Nam Tân (Nam Sách); mô hình tổ liên kết sản xuất giống cà chua ghép trên gốc cà pháo ở Thượng Đạt (TP. Hải Dương); mô hình làm giày da ở Hoàng Diệu (Gia Lộc)...
Cùng với việc tiếp sức từ nguồn vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân Hải Dương còn “cầm tay chỉ việc” để hội viên, nông dân vươn lên phát triển kinh tế. Cụ thể, hàng năm Hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sản xuất cho 70 - 80% hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Sau khi được vay vốn, cán bộ Hội cũng theo dõi sâu sát, thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt tình hình phát triển mô hình, kịp thời hỗ trợ các vấn đề chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản... cho bà con.
Có thể khẳng định, việc vay vốn Quỹ HTND gắn với tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất đã tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế (trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề, dịch vụ...), phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện được đời sống cho nông dân, hướng cho nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Đồng thời, Quỹ HTND còn là nhân tố quan trọng để củng cố xây dựng và đổi mới hoạt động tổ chức Hội Nông dân các cấp.