Đẩy nhanh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp
Xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ đã tiến hành quy hoạch xong các vùng sản xuất nông nghiệp. |
Thời điểm này, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ đã tiến hành quy hoạch xong các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có vùng sản xuất chè tập trung, diện tích hơn 50ha, ở các xóm: Cà Phê, Minh Lý, Trại Cài, An Bình; vùng trồng lúa nếp cái hoa vàng diện tích 12ha; vùng trồng đào 3ha ở xóm Bình An, Bình Minh. Cùng với việc lập quy hoạch, địa phương cũng khuyến khích bà con thành lập các hợp tác xã để sản xuất tập trung theo quy mô lớn. Bà Bùi Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho hay: "Triển khai trên địa bàn sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm và cung cấp được những sản phẩm đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng".
Cùng với việc xác định sản xuất chè là chủ lực, Đồng Hỷ cũng quy hoạch để phát triển thế mạnh về lâm nghiệp, quy hoạch chăn nuôi để bảo vệ môi trường, phát triển vùng cây ăn quả để giúp vùng khó khăn tạo thương hiệu, giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Đỗ Danh Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: "Trước tiên, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp huyện, trong đó, dự kiến xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, diện tích chè trên địa bàn huyện Đồng Hỷ sẽ đạt trên 3.900ha, trong đó 80% diện tích chè tập trung được sản xuất theo hướng hữu cơ VietGap; diện tích trồng cây ăn quả sẽ theo hướng tập trung đạt 240ha; đối với diện tích phát triển trồng rừng gỗ lớn đạt 1.000ha, trong đó có 300ha sẽ được cấp chứng chỉ bền vững".
Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của các huyện, thành phố, thị xã, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2021 sẽ hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh để sớm tổ chức thực hiện. |
Những năm gần đây, với việc diện tích đất sản xuất, đất dành cho nông nghiệp bị thu hẹp, lao động trong khu vực này cũng dịch chuyển dần sang lĩnh vực khác, việc đảm bảo đời sống cho nông dân đồng thời phát triển nông nghiệp để tạo ra giá trị là bài toán đang được giải từ quy hoạch vùng sản xuất ở thị xã Phổ Yên. Quy hoạch để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao là lời giải đã được thị xã chọn lựa… Việc đẩy nhanh các yếu tố để “Đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao Thái Nguyên” trên địa bàn xã Tiên Phong đang được Phổ Yên tích cực tiến hành.
Ông Ngô Kim Phùng, xóm Yên Trung 1, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên chia sẻ: "Trước khi khảo sát, chính quyền địa phương đã xuống các hộ nhân dân, họp dân, lấy ý kiến của nhân dân để thống nhất. Mong muốn của người dân là dự án sớm đưa vào thực hiện".
Ông Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên thông tin: "Căn cứ vào chỉ đạo của tỉnh, thị xã, chúng tôi tập trung xây dựng các Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo nhân dân, để thực hiện các bước theo đúng trình tự và quy định của pháp luật và để đảm bảo đời sống của bà con nhân dân".
Cùng với việc thu hút được đầu tư, việc quy hoạch vùng sản xuất đang tạo tiền đề để các địa phương tập trung nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế để phát triển nông nghiệp. Hiện nay, thị xã Phổ Yên cơ bản đã xác định rõ các vùng quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và đang trong quá trình tích hợp vào các quy hoạch khác của thị xã và của tỉnh.
Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế, thị xã Phổ Yên nhấn mạnh: "Thứ nhất là có quy hoạch để từ đó đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực đó, thứ hai có quy hoạch thì mới kêu gọi được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; thứ 3 từ quy hoạch đó tiếp tục đầu tư tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào những vùng sản xuất tập trung đó".
Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp của các huyện, thành phố, thị xã, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2021 sẽ hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh để sớm tổ chức thực hiện. Việc tỉnh nghiên cứu, ban hành kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người dân mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi phương thức canh tác lạc hậu vốn có thành phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần tạo nên những sản phẩm đạt chất lượng và tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt hơn cả là sẽ duy trì được sự phát triển bền vững đối với các sản phẩm đã được tỉnh xây dựng thương hiệu./.