Phê bình trong Đảng hình thức sẽ dẫn đến sự suy thoái của cá nhân
Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Và ngay trong tháng 2 này, Bộ Chính trị có kế hoạch tổ chức các đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; phân công Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp dự, chỉ đạo việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở một số cấp ủy, tổ chức đảng. Cũng trong tháng 2, tất cả các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương phải hoàn thành đợt sinh hoạt kiểm điểm này.
Người dân mong muốn sẽ nhìn thấy những chuyển biến tích cực, thực chất trong Đảng, để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, thông qua đợt sinh hoạt chính trị cần thiết lần này ở các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương. Tuy vậy, làm thế nào để phê bình và tự phê bình trở thành vũ khí sắc bén ngăn chặn suy thoái, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Hồ Tấn Sáng - Học viện Chính trị khu vực 3 về vấn đề này.
PGS.TS Hồ Tấn Sáng trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV |
PV: Thưa ông, Bộ Chính trị vừa chỉ đạo về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Ông có thể phân tích tính cấp thiết của đợt sinh hoạt này trong Đảng?
Ông Hồ Tấn Sáng: Xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng là công tác thường xuyên đối với bất cứ Đảng chính trị nào và ngay từ ngày thành lập đến giờ Đảng ta luôn quan tâm.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, chúng ta cũng còn đối diện nhiều thách thức. Trong đó có thách thức từ bên trong mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra, đó là "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Chính vì thế, hiện nay, làm thế nào để ngăn ngừa, xử lý được những hiện tượng suy thoái như thế. Đó là vấn đề sống còn của chế độ, của Đảng cầm quyền. Tính cấp thiết của nó chính là chỗ đó.
PV: Một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ là: Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
Chỉ rõ biểu hiện suy thoái này tức là Đảng đã nhìn rõ rất nhiều tổ chức, cơ sở Đảng có phê bình và tự phê bình, nhưng làm một cách hình thức, chiếu lệ. Theo ông, kiểu phê bình và tự phê bình như vậy đã và đang dẫn đến hậu quả gì?
Ông Hồ Tấn Sáng: Nhận định đó đã hàm chứa những hậu quả của nó. Tự phê bình và phê bình là một trong những đòi hỏi có tính nguyên tắc trong xây dựng Đảng. Điều này, từ trước đến nay, chúng ta cũng luôn đặt ra trong sinh hoạt Đảng.
Thực tế trong thời gian gần đây, phê bình và tự phê bình mang tính hình thức, dẫn đến hậu quả là sự suy thoái của từng cá nhân. Vì mỗi cá nhân không nhận thấy trách nhiệm của mình đối với những sai phạm, họ lợi dụng những cái đó để hạ thấp người khác. Đồng thời cũng có những biểu hiện ngại va chạm, ngại phê bình vì sợ đụng đến quyền lực. Thực chất là do cơ chế bảo vệ những người dũng cảm đấu tranh chống lại những người lợi dụng quyền lực chưa rõ ràng.
Hậu quả dẫn đến là từng tổ chức Đảng mất sức chiến đấu, từng cá nhân có những biểu hiện khi thì quá tả, khi thì quá hữu. Đối với mỗi người đảng viên thì đó là những biểu hiện tự suy thoái từ bên trong.
PV: Hiện có tình trạng một số lãnh đạo không chịu nghe phê bình, hễ nói đến yếu kém là có thể nổi nóng, hay quy chụp trở lại…dần dà người ta không dám nói nữa. Theo ông, biểu hiện này có nguy hiểm đối với Đảng không?
Ông Hồ Tấn Sáng: Cái này thì quá nguy hiểm. Xét về mặt tâm lý, con người thích khen hơn chê. Chê, phê phán, góp ý là cả một khoa học và nghệ thuật. Có lẽ thể chế ta chưa rõ ràng, cho nên góp ý, phê bình đặc biệt đối với những người có chức, có quyền cực kỳ khó. Cái này trong thực tế và lý luận đã thấy lâu rồi. Vậy, tại sao khắc phục khó?
Tôi nghĩ rằng, cái gốc rễ là chưa có cơ chế, thể chế để kiểm soát quyền lực những người cầm quyền. Cho nên khi họ có quyền thì họ tự tung tự tác, họ dùng quyền lực để áp đặt và buộc người khác phải phục tùng, mặc dù họ có thể có những sai phạm.
Đấu tranh nhiều lần và thực tế cho thấy đấu tranh mà không có cơ chế, thể chế để bảo vệ thì người ta hay đúc kết lại là "tránh đâu". Chính cái đó nó triệt tiêu đấu tranh trong Đảng, dẫn đến Đảng yếu sức chiến đấu.
PV: Để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, vấn đề đặt ra là phải nhận thức đúng mục đích của việc làm này. Người đứng đầu tổ chức Đảng điều hành kiểm điểm có vai trò như thế nào đối với chất lượng của một cuộc sinh hoạt phê bình và tự phê bình, thưa ông?
Ông Hồ Tấn Sáng: Người đứng đầu là linh hồn của hệ thống. Trong một tổ chức, bộ máy có hai việc phải xử lý, hai việc phải hoàn thiện. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế, tức là hoàn thiện những quy định, quy chế để xem xét trách nhiệm, sự cống hiến của từng con người.
Bên cạnh thể chế, cơ chế thì vai trò của con người, đặc biệt là người đứng đầu cực kỳ quan trọng. Nếu anh cầu thị thì khác; nếu anh quan liêu, hống hách, có biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân thì nó sẽ khác đi. Chính vì vậy, công tác xây dựng Đảng hiện nay, Đảng ta luôn chú ý nêu gương của người đứng đầu.
Học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ là một trong những yêu cầu quan trọng, người đứng đầu phải nêu gương, nói đi đôi với làm. Tôi nghĩ, người đứng đầu có vai trò là linh hồn của cả hệ thống, nếu anh có nhân cách, có phẩm chất tốt và cùng với những Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng sẽ tạo dựng nên một tổ chức lành mạnh. Còn dẫu có thể chế tốt nhưng người đứng đầu có chuyện thì hệ thống, tổ chức đó có chuyện ngay.
PV: Những biểu hiện gần đây về việc xử lý vi phạm của các đảng viên từng là cán bộ cấp cao cho ông cảm nhận thế nào về quyết tâm chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng khóa XII?
Ông Hồ Tấn Sáng: Quyết tâm chính trị của Đảng ta trong xây dựng, chỉnh đốn của Đảng đã có từ lâu, quan trọng là giải pháp nào thể hiện quyết tâm đó trong thực tế thì chúng ta phải tìm kiếm thể nghiệm nhiều giải pháp.
Việc kỷ luật những cán bộ có trách nhiệm đứng đầu một tổ chức là biểu hiện, cách làm thể hiện quyết tâm của Đảng. Điều đó tạo ra hiệu ứng, về phía đảng viên, quần chúng không có chức, có quyền, họ cảm nhận cách làm này có ý nghĩa răn đe lớn. Còn về phía người bị kỷ luật cũng cảm nhận được rằng về hưu không có nghĩa là hạ cánh an toàn. Điều đó răn đe những người hiện đang có quyền lực để họ biết phải giới hạn mình. Tiếp theo phải làm quyết liệt hơn nữa chứ không chỉ dừng lại 1- 2 trường hợp./.
PV: Xin cảm ơn ông./.