Từ Lán Tỉn Keo - ATK Định Hóa, Thái Nguyên ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị đã thông qua phương án tác chiến trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Nhưng trước đó, tháng 7/1953, Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương đã ra đời với với nhiệm vụ chỉ đạo các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương huy động sức người, sức của bảo đảm hậu cần cho chiến trường. Cuối tháng 9/1953, cũng từ ATK Thái Nguyên một con đường chiến dịch mang tên 13A được mở, giữ vai trò là tuyến mạch máu giao thông duy nhất nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ ATK Thái Nguyên đến tuyến lửa 13A
Đường 13A sau này đã đổi tên thành QL37 dài 193km, điểm đầu từ bến Phà Hiên, tỉnh Tuyên Quang, điểm kết thúc là Ngã 3 Cò Nòi

Điện Biên Phủ nằm cách ATK Thái Nguyên khoảng hơn 500km, giao thông vận tải từ ATK Thái Nguyên lên Điện Biên Phủ xa xôi. Từ tháng 9/1953 Trung ương Đảng, Bộ Tư lệnh hạ quyết tâm mở đường mới 13A từ Đèo Khế (Thái Nguyên) đi theo tuyến Bến Phà Hiên (Tuyên Quang) đến Văn Chấn của tỉnh Yên Bái để nối với đường 41 - khu vực ngã ba Cò Nòi - tỉnh Sơn La, hình thành con đường độc đạo, chiến lược từ căn cứ địa Việt Bắc tới mặt trận với tổng chiều dài 188km. Có vô vàn những khó khăn, thách thức về mặt hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ khi diễn ra trên địa bàn xa hậu phương chiến lược.

Từ ATK Thái Nguyên đến tuyến lửa 13A
PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Lo nhất là đảm bảo công tác hậu cần cho các lực lượng tham gia chiến dịch, vì rất là xa, trong điều kiện mà địch chiếm ưu thế hơn hẳn về không quân, có thể nói là tuyệt đối về mặt không quân thì sẽ đối phó với lực lượng không quân địch ra làm sao. Để chúng ta tập kết tất cả các lực lượng từ hậu phương lớn để mà tập trung, tập kết về khu vực Điện Biên Phủ hoàn toàn không không phải đơn giản, phải trải qua khoảng 500 đến 700km, như vậy rõ ràng có những vấn đề thách thức lớn đang đặt ra, do vậy Bộ Chính trị phải nói là cực kỳ sáng suốt và cân nhắc từng ly từng tý, không biết bao nhiêu cuộc họp đã diễn ra ở trên vùng đất ATK Thái Nguyên mới có được quyết định để mở chiến dịch.

Ngày 05/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận Tây Bắc - Điện Biên Phủ. “Những đường Việt Bắc của ta/Đêm đêm rầm rập như là đất rung”, đó là 2 câu thơ miêu tả khí thế của sức mạnh và sự quyết tâm của cả dân tộc ra trận lúc ấy. Và Thái Nguyên đã ra sức bảo vệ ATK tuyệt đối an toàn, đảm bảo giao thông thông suốt cho bộ đội hành quân, dân công hỏa tuyến, TNXP vận chuyển vũ khí, lương thực ra tiền tuyến với khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng".

Từ ATK Thái Nguyên đến tuyến lửa 13A
Bà Nông Thị Nhất, xóm Thành Long, xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (dân công ở Đèo Khế)

Bà Nông Thị Nhất, xóm Thành Long, xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (dân công ở Đèo Khế) cho biết: Khi ấy được gọi đi nhân công là về Đại Từ đi xuống sông lấy đá lên để xếp khối, xong rồi gửi lại chuyển sang xã Phú Cường xong lại đi sang xã Na Mao rồi sang Đèo Khế ở Tuyên Quang. Tinh thần lúc đấy là cứ đến gọi thì đi thôi, nhà có 2 người đi 2 người, nhà 1 người thì đi 1 người, vui vẻ lắm.

Cũng khi đó, những sư đoàn quân Tiên phong được ra đời ở Thái Nguyên đã gấp rút lên đường ra mặt trận. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Tăng bồi hồi nhớ lại ký ức hào hùng về những ngày đầu hành quân ra mặt trận trong biên chế của đại đoàn 308.

Từ ATK Thái Nguyên đến tuyến lửa 13A
Ông Nguyễn Ngọc Tăng, Cựu chiến binh Đại đoàn 308, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên

Ông Nguyễn Ngọc Tăng, Cựu chiến binh Đại đoàn 308, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên cho biết: Ngày thì nghỉ, đêm hành quân và bắt đầu hành quân theo con đường qua Yên Bái, qua Phà Âu Lâu, rồi đi sang ngã 3 Nghĩa Lộ, đến ngã 3 Nghĩa Lộ rồi chúng tôi rẽ tay để đi vào Cò Nòi, thì từ Cò Nòi chúng tôi lại hành quân lên Sơn La và từ Sơn La vượt qua Đèo Pha Đin vào ngã 3 Tuần Giáo. Thời gian đó là rất gian khổ đấy nhưng mà đêm đi chúng tôi vẫn hăng hái và hát suốt.

Sau này trong hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Không có đường 13A thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ”. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng - đường 13A trở thành con đường thắng lợi, là minh chứng về lòng quả cảm sự hy sinh, tinh thần quyết tâm vượt qua muôn vàn gian khó của quân và dân cả nước nói chung và căn cứ địa Việt Bắc nói riêng.

Ngày nay, đường 13A sau này đã đổi tên thành QL37 dài 193km, điểm đầu từ bến Phà Hiên, tỉnh Tuyên Quang, điểm kết thúc là Ngã 3 Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La…Quốc lộ 37 hiện vẫn là huyết mạch giao thông của các tỉnh cửa ngõ vùng Tây Bắc như: Yên Bái, Sơn La. Việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường lịch sử này cũng đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh phía Bắc.