Người dân Tân Kim mong mỏi có nơi ở mới
Người dân xóm Tân Kim làm nhà ở sát ngay 2 bên khe suối

Bẩy năm trước, con trai ông Triệu Văn Báo xây dựng gia đình cần có nơi ở riêng. Nhưng gia đình lại không có chỗ đất nào khác, nên gia đình Báo đã phải làm nhà cho con ở ngay sát chân núi cao. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, gia đình ông đã phải đóng cửa ngôi nhà này. Nguyên nhân là do ngôi nhà được xây dựng sát chân núi, sau 1 thời gian đưa vào sử dụng thì tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt, phía sau có dấu hiệu sạt lở nên nguy cơ mất an toàn rất cao.

Ông Triệu Văn Báo, xóm Tân Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai chia sẻ: "Làm cái nhà để cho con trai nó ở, nhưng bây giờ bị sạt lở không dám ở. Nhà có 6 khẩu vẫn phải ở chung với bố mẹ. Mong muốn nhà nước hỗ trợ di dân đến nơi ở mới an toàn".

Gia đình ông Triệu Trung Chương đã có nhiều đời ở gần con suối này. Theo ông, trước đây số hộ dân ở còn thưa thót, dòng suối cũng không sâu như bây giờ, nên việc đi lại, sinh hoạt cũng khá thuận tiện. Tuy nhiên, hiện giờ số hộ dân ở đông đúc, cùng với biến đổi của khí hậu khiến môi trường sống ở đây bị thay đổi, đã có nhiều hộ dân làm nhà ở, chuống trại chăn nuôi ra sát mép suối làm ảnh hưởng đến dòng chảy; cùng với đó là chất thải sinh hoạt, chất thải từ chăn nuôi thải trực tiếp ra dòng suối khiến môi trường ở đây rất ô nhiễm. Điều đáng nói ở đây là dòng suỗi bị ô nhiễm này lại là con đường giao thông huyết mạch của nhân dân trong xóm nên việc đi lại rất khó khăn.

Ông Triệu Trung Chương, xóm Tân Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai cho biết thêm: "Thời tiết bây giờ khác xưa... đất bị xói mòn, sạt lở nhiều. Chúng tôi rất mong muốn được Nhà nước bố trí nơi ở mới được ổn định".

Người dân Tân Kim mong mỏi có nơi ở mới
Người dân đi lại trong xóm, trẻ em đi học hầu như đi dưới lòng suối

Xóm Tân Kim là xóm vùng sâu của xã Thần Sa. Xóm có địa hình khá phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao. Hiện nay, xóm có 84 hộ dân, 100% là người dân tộc Dao. Đồng bào người Dao ở đây sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do không có quỹ đất ở, nên phần lớn hộ dân đều phải làm nhà ở ven con suối. Nhiều hộ gia đình làm nhà chỉ cách lòng suối 5-7m, thậm chí nằm sát ngay mép suối. Việc đi lại trong xóm hầu như đi dưới lòng suối. Chính vì vậy vào những ngày mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, nước từ hai dãy núi cao chảy xuống, dòng suối dâng cao, nên nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét luôn hiện hữu trong xóm.

Ông Đặng Nho Phúc, Trưởng xóm Tân Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai: "Chúng tôi mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm, có một khu tái định cư phù hợp để ổn định đời sống".

Năm 2021, sau khi tổ chức đi khảo sát thực tế tại xóm Tân Kim, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo huyện Võ Nhai đã đề nghị xã Thần Sa tham mưu, tìm quỹ đất, đề xuất phương án để di dời nhân dân đến nơi ở mới. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thần Sa, huyện Võ Nhai: "Hiện nay, chính quyền địa phương đang tiến hành khẩn trương các thủ tục đầu tư, mong rằng trong thời gian sớm nhất có thể sẽ di chuyển bà con đến nơi ở mới để ổn định được cuộc sống, nhất là bảo vệ được tính mạng và tài sản của bà con".

Sống lọt thỏm giữa hai dãy núi cao, không chỉ là khó khăn trong sinh hoạt, lao động sản xuất, mà tính mạng của đồng bào Dao ở nơi đây cũng bị đe dọa trước những biến đổi thất thường của thời tiết, khí hậu. Mong rằng, kế hoạch di dân đến nơi ở mới sớm được triển khai để đồng bào người Dao ở Tân Kim có nơi ở mới an toàn. Có như vậy, đồng bào mới ổn định được cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.