Ngôi nhà nhỏ tuy chưa khang trang nhưng với cụ Nguyễn Văn Quảng đã là may mắn rất nhiều. Bởi trước đây vợ chồng cụ nuôi đàn con khôn lớn rồi lập gia đình, mỗi người mỗi cảnh. Con cái cũng còn khó khăn chưa giúp gì được bố mẹ nhiều. Từ năm 2007, Hội Người cao tuổi Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, xã hội đã thí điểm mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau” tại Thái Nguyên, cụ đã tham gia Câu lạc bộ. Xét về hoàn cảnh khó khăn, cụ được lựa chọn là thành viên vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Được vay 3 triệu đồng, vợ chồng cụ đã mua bò nuôi cho sinh sản. Cứ con mẹ đẻ ra con con….. hết lứa này lại đến lứa khác. Dần rồi cụ cũng đã trả được nợ gốc cho Câu lạc bộ. Cụ tâm sự: “Là một hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên khi tham gia Câu lạc bộ tôi đã được xét duyệt vay vốn để phát triển kinh tế. 3 triệu đồng hồi đấy to lắm! Chính nhờ số tiền đấy, kinh tế gia đình tôi đến nay chưa giàu nhưng cũng ổn định hơn phần nào”.

mo hinh cau lac bo lien the he tu giup nhau diem tua vung chac cho nguoi cao tuoi huyen phu binh
Cụ Nguyễn Văn Quảng bên những con bò được sinh sản ra nhờ vay từ vốn Câu lạc bộ Liên thế hệ

Chia tay gia đình cụ Nguyến Văn Quảng, chúng tôi cũng được dẫn đến thăm gia đình Bà Dương Thị Sang, 77 tuổi, ở xã Xuân Phương, huyện Phú Bình. Cũng là một trong những hội viên được Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được hỗ trợ vay vốn làm kinh tế. Cũng từ đó cuộc sống của gia đình bà được cải thiện đi lên rất nhiều. Bà cho biết: “Khi được tham gia vào Câu lạc bộ liên thế hệ, tôi cảm thấy rất là vui vẻ. Không những thoái mái về tư tưởng mà sức khỏe còn được đi lên. Đồng thời được Câu lạc bộ hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình”.

Quả thật, cùng đoàn đến thăm gia đình các cụ, chúng tôi cũng cảm nhận được sự ấm cúng, sẻ chia của các thành viên trong Câu lạc bộ. Sự ân cần hỏi thăm, động viên, sự sẻ chia giúp đỡ của các thành viên là Hội phụ nữ, đoàn Thanh niên làm những người như Cụ Nguyễn Văn Quảng, cụ Dương Thị Sang cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Toàn huyện Phú Bình tính đến thời điểm hiện tại đã có 31 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, với 1.600 thành viên, sinh hoạt tại 5 xã và 1 thị trấn. Bình quân mỗi Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau có từ 40 đến 50 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn huyện Phú Bình đã hoạt động có hiệu quả, góp phần hỗ trợ người cao tuổi, những người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Các Câu lạc bộ đã phối hợp các trạm y tế xã tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các thành viên, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống các bệnh huyết áp, đột quỵ, tai biến, tim, mạch, các loại dịch bệnh theo mùa và làm vệ sinh môi trường.

mo hinh cau lac bo lien the he tu giup nhau diem tua vung chac cho nguoi cao tuoi huyen phu binh
Các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn huyện Phú Bình luôn thăm hỏi, động viên các thành viên có hoàn cảnh khó khăn trong Câu lạc bộ

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, tập thể dục dưỡng sinh, tạo không khí vui vẻ, yêu đời cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các cụ. Đa số các Câu lạc bộ trên địa bàn huyện Phú Bình đã thành lập được đội văn nghệ và duy trì luyện tập để phục vụ trong các buổi sinh hoạt định kỳ, tham gia biểu diễn tại địa phương và giao lưu với các Câu lạc bộ khác trên địa bàn. Các bài tập dưỡng sinh, như: thái cực quyền, thể dục tay không, múa gậy, múa quạt..., được các Câu lạc bộ chia nhóm tập luyện hàng ngày nhằm tăng cường sức khỏe, nâng cao tinh thần cho các thành viên.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Phú Bình cho biết: “Có thể nói, từ khi có mô hình Câu Lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, cuộc sống của các thành viên cao tuổi trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi với tinh thần lạc quan, vui vẻ. Họ đã được giao lưu, học hỏi, tham gia vào những hoạt động bổ ích cho chính bản thân mình để sống vui, sống khoẻ và sống hữu ích cho xã hội”.

Có thể nói, mô hình hoạt động của các Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại các thôn, xóm nếu được duy trì và phát triển thì ngay trong mỗi địa phương, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Đời sống của những đối tượng dễ bị tổn thương được quan tâm, tình làng nghĩa xóm được bền chặt hơn và các hoạt động nhân đạo, từ thiện được nhân dân thông hiểu sâu sắc hơn, các hoạt động ứng phó với thiên tai ngày càng chủ động..... và chắc chắn sẽ góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh./.