"Về vấn đề thỏa thuận hạt nhân, tôi đã phạm sai lầm khi để Bộ trưởng Ngoại giao Iran đàm phán với họ. Đây là một tổn thất cho chúng tôi", ông Khamenei khẳng định.

lanh tu toi cao iran tuyen bo jcpoa la mot sai lam
Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố rằng quyết định của ông khi ủng hộ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện 2015 (JCPOA) là một "sai lầm". Ảnh: AFP

Kế hoạch Hành động chung Toàn diện 2015 hay còn gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran là thỏa thuận giữa Tehran với các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu. Khi thỏa thuận này có hiệu lực năm 2016, các lệnh trừng phạt quốc tế lên Iran đã được dỡ bỏ nhằm đổi lại việc Tehran sẽ hạn chế các chương trình hạt nhân.

Dù các bên ký kết đều nhận định thỏa thuận này là một thành công nhằm kiềm chế khả năng hạt nhân của Iran, nhưng Tổng thống Donald Trump đã chính thức rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018. Tuần trước, Mỹ tái áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt lên Iran và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khẳng định đây sẽ là "những lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử khi được thực hiện".

Tuy nhiên, trước khi các lệnh trừng phạt được đưa ra, nền kinh tế Iran đã lao đao bất kể việc thỏa thuận hạt nhân đã được ký kết. Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Bộ trưởng Ngoại giao Javad Zarif từng cho rằng thỏa thuận này sẽ đem đến cho Iran các khoản tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài nhưng thực tế thì lời hứa này đã không được thực hiện.

Từ đầu năm, lạm phát tăng cao ở Iran đã gây nên những cuộc biểu tình trên quy mô lớn ở Tehran và các thành phố khác với mục đích kêu gọi những cuộc cải tổ thực sự từ chính phủ. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào tháng 5/2018, tình hình kinh tế của Iran ngày càng tồi tệ khi phải chịu thêm các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, các quốc gia còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân đều chỉ trích quyết định của ông Trump cũng như tiếp tục hợp tác với nhau để thỏa thuận này vẫn được thực hiện. Ngày 6/8, trước khi các lệnh trừng phạt kinh tế có hiệu lực, các ngoại trưởng của Anh, Pháp, Đức và EU đã ban hành một tuyên bố chung hứa sẽ bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp của họ tại Iran.

Dù ông Trump luôn đứng trên lập trường đối lập với Iran và luôn chỉ trích JCPOA thậm chí từ trước khi ông đắc cử Tổng thống nhưng ông chủ Nhà Trắng cũng nhiều lần tuyên bố rằng ông sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận mới với Tehran. Những bài báo trước đó cũng khẳng định Tổng thống Mỹ vô số lần đề nghị gặp mặt trực tiếp với các nhà lãnh đạo Iran để đàm phán.

Tuy nhiên, ông Khamenei đã khẳng định trong tuần này rằng ông cấm tất cả các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ.

"Tôi nghiêm cấm tất cả các cuộc đàm phán với Mỹ. Mỹ không bao giờ giữ lời hứa trong các cuộc đàm phán... mà chỉ biết đưa ra những từ sáo rỗng"./.