Gián đoạn xuất khẩu ngành may mặc
Các doanh nghiệp may mặc của tỉnh Thái Nguyên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao |
Trước biến động thị trường ngành may mặc, từ đầu quý II đến nay, Công ty Cổ phần thương mại TNG đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất sang các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang, đồng phục bảo hộ y tế... thay vì sản xuất các sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, TNG cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Xuất khẩu bị gián đoạn, một số đơn hàng không thể thực hiện đã tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty. Lũy kế đến tháng 8, doanh thu của công ty giảm 3% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại TNG chia sẻ: "Đến quý II, việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, nên sản phẩm bị tồn kho lại. Chúng tôi đã chuyển lượng vải mua về để sản xuất hàng xuất khẩu. TNG cũng như các doanh nghiệp khác, đều cố gắng đẩy mạnh tiêu thụ để giảm lượng hàng tồn kho".
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp may mặc khác trong tỉnh. Để lấp khoảng trống tồn kho trước sức ép thị trường xuất, nhập khẩu còn đang khó khăn, từ nhiều tháng nay, công ty Cổ phần May Thành Hưng đã hợp tác với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực. Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần May Thành Hưng cho biết: "Chúng tôi phải nỗ lực và phải san sẻ với các bạn hàng và cũng phải chuyển đổi các đơn hàng không thuộc thế mạnh của công ty".
Một số doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất sang các mặt hàng thiết yếu |
Tính đến hất tháng 8, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành may mặc của tỉnh đạt khoảng 190 triệu đô la Mỹ, giảm trên 25% so với cùng kỳ. Theo đó, sản lượng tồn kho tính đến tháng 8 đã ghi nhận trên 15 triệu sản phảm, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Khó khăn vẫn còn phía trước, song lĩnh vực may mặc đang kỳ vọng tương lai gần về những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, đặc biệt, khi hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực từ đầu tháng 8 sẽ là chìa khóa mở tạo đà tăng trưởng, từ đó giảm áp lực đối với gánh nặng tồn kho đối với lĩnh vực công nghiệp nói chung, ngành may mặc nói riêng trong những tháng cuối năm./.