Chú trọng nâng cao chất lượng lúa gạo
Bà Dương Thị Hường (ở giữa) giới thiệu về giống lúa đặc sản |
Hơn một năm nay, gia đình bà Dương Thị Hường ở phường Châu Sơn đã mạnh dạn gieo cấy các giống lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ như U17, Đài thơm 8... Những giống lúa này cho năng suất từ 2-3 tạ/sào, tăng khoảng 30% so với những giống lúa trước đây.
Bà Hường cho biết: “Tới đây dự kiến đưa cánh đồng này vào ô mẫu, tôi muốn là cánh đồng một giống, với giống mới để cho bà con tiện canh tác, phòng trừ sâu bệnh đồng loạt.”
Với sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp, hiện gia đình bà Dương Thị Thảo, ở xã Bá Xuyên đang thực hiện mô hình cánh đồng một giống, áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI theo hướng sản xuất hữu cơ.
Bà Thảo chia sẻ: “ Lúc nào chúng tôi cũng mong muốn là có tập huấn để đưa lúa năng suất cao về địa phương để chúng tôi làm.”
Với trên 144 ha, xã Bá Xuyên là địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất trên địa bàn thành phố Sông Công. Thời gian gần đây, xã đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống lúa, trong đó chú trọng đưa vào gieo trồng các giống lúa mới cho năng suất cao và tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất.
Ông Lưu Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết: “Được sự quan tâm của các phòng, ban chức năng chuyên môn của thành phố, bà con nhân dân rất hưởng ứng thực hiện các chương trình, đề án. Mong muốn được tập huấn kỹ thuật để áp dụng các quy trình vào sản xuất được hiệu quả cao hơn.”
Bình quân mỗi xã, phường trên địa bàn TP Sông Công xây dựng được 1-3 cánh đồng một giống lúa lai/vụ |
Để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân, thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố đã định hướng nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với các giống lúa chất lượng cao. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhằm giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, thành phố đã triển khai rộng khắp mô hình cánh đồng một giống lúa lai. Bình quân mỗi xã, phường trên địa bàn xây dựng được 1 - 3 cánh đồng một giống lúa lai/vụ, với quy mô từ 2 - 4 ha/mô hình.
Bà Nghiêm Thị Bình, Phó Trưởng phòng Kinh tế, thành phố Sông Công cho biết: “Sản xuất các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng gặp một số khó khăn như: diện tích lúa trên địa bàn còn nhỏ, manh mún; chưa tập trung được các mô hình có diện tích quy mô lớn. Giai đoạn 2021-2025, chúng tôi tập trung xây dựng lúa hữu cơ và lúa đặc sản thành vùng, đặc biệt là những vùng có diện tích tương đối lớn.”
Theo quy hoạch và định hướng phát triển một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với vùng sản xuất tập trung, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn, thành phố Sông Công tập trung vào 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó ưu tiên sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy kinh tế -xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững./.