Nâng tầm giá trị nông sản
Mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm được các thành viên HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình triển khai từ đầu năm nay. |
Mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm được các thành viên HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình triển khai từ đầu năm nay. Tham gia mô hình này, các hộ dân được các cơ quan chuyên môn tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn giúp gà khỏe mạnh, hạn chế sử dụng kháng sinh trong phòng trị bệnh và đảm bảo chuồng trại thoáng sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm gà thịt hơn trước kia.
Ông Bùi Quang Hữu, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Tân Tiến, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình chia sẻ: "Chúng tôi có thể cam kết với doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm sạch, không sử dụng kháng sinh, để lo đầu ra cho sản phẩm".
Với thế mạnh có nhiều mô hình và sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, huyện Phú Bình đã tập trung chuyển đổi các mô hình sản xuất theo hướng hiện đại và chuỗi giá trị sản phẩm. |
Với thế mạnh có nhiều mô hình và sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, huyện Phú Bình đã tập trung chuyển đổi các mô hình sản xuất theo hướng hiện đại và chuỗi giá trị sản phẩm. Đến nay, huyện cũng đã thành lập được 21 vùng nguyên liệu tập trung, trong đó có 10 vùng được cấp mã số vùng trồng và có ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến. Các vùng nguyên liệu tập trung đã tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm. Toàn huyện hiện có 33 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm 4 sao, 32 sản phẩm 3 sao; 4 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên.
Chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX Bình Minh, huyện Phú Bình cho hay: "Chúng tôi được cấp Giấy chứng nhận VietGAP từ năm 2020 và đã làm theo tiêu chuẩn của VietGAP từ năm 2020 đến giờ. Hiện tại, chúng tôi đang làm theo hướng hữu cơ, nâng sản lượng cũng như chất lượng đảm bảo hơn để đưa ra thị trường".
Bà Dương Thị Hương, Cơ sở tương nếp Hương Dân, huyện Phú Bình cho biết: "Làm tương thì yêu cầu mọi thứ đều phải sạch sẽ; khâu chọn gạo cũng phải đẹp và sạch sẽ; mong muốn của chúng tôi tới đây sẽ đưa vào những thị trường lớn, siêu thị trong cả nước".
Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP, cũng như vấn đề đầu ra cho các sản phẩm nông sản, nhưng bước đầu huyện Phú Bình đã xác định được các dòng sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh. Huyện cũng đã từng bước hình thành các vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng hiện đại, trong đó xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, coi đây là công cụ “hợp pháp” để bảo vệ doanh nghiệp địa phương và cũng là giấy thông hành đưa nông sản huyện vươn đến các thị trường./.