Chỉ tiêu đào tạo nghề cho nông thôn 2018 là khoảng 207.175 lao động
Bám sát chương trình tái cơ cấu nông nghiệp
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, tới đây chương trình đào tạo nghề sẽ lựa chọn đối tượng đào tạo theo đúng chủ trương chỉ đạo của Bộ, lưu ý tập trung đào tạo cho nông dân tham gia các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao và xác định nhu cầu đào tạo nhằm an sinh xã hội nông thôn ở một số vùng khó khăn. “Cùng với đó là xây dựng, bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước năm 2018 cho nội dung đào tạo nghề nông nghiệp đảm bảo đủ để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra; huy động, vận động các DN tham gia đào tạo nghề cho lao động trong vùng nguyên liệu sản xuất của DN” - ông Trung nói.
Các học viên nông dân thực hành công việc đan cót tại nhà sau khi học nghề ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Ảnh: Trần Quang |
Trong năm tới, Ban chỉ đạo đào tạo nghề cũng sẽ xây dựng các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.500 lao động nông thôn làm trong các DN; 2.000 lao động trong vùng sản xuất hàng hóa có tham gia liên kết sản xuất với các DN, hợp tác xã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao... Bên cạnh đó, khoảng 500 cán bộ hợp tác xã nông nghiệp cũng sẽ được đào tạo nghề để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ kế toán trong đợt này.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo đào tạo nghề sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Mở các lớp đào tạo nghề liên kết doanh nghiệp
Về nội dung triển khai, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 sẽ tập trung rà soát xác định nhu cầu và tổ chức thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động làm trong các DN, hợp tác xã có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Thứ 2 là đào tạo cho lao động tham gia sản xuất trong các vùng sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất công nghệ cao.
Theo Bộ NNPTNT, thời gian tới các đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo biên soạn chương trình, giáo trình phù hợp với đối tượng của người học và yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp trên cơ sở các chương trình khung Bộ NNPTNT đã ban hành và quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của doanh nghiệp, kiến thức quản lý kinh tế hộ đáp ứng được yêu cầu đào tạo tại nơi sản xuất, lấy thực hành là chính và đào tạo theo mùa vụ, chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi…
Hai nội dung này, Ban chỉ đạo đào tạo nghề nông nghiệp của Bộ NNPTNT đề xuất giao cho các cơ quan trung ương trực tiếp phối hợp với các hiệp hội, tổng công ty, các DN đặt hàng với các trường nghề thuộc Bộ, các trung tâm khuyến nông cấp tỉnh, các đơn vị có đủ điều kiện tham gia đào tạo tổ chức thực hiện.
Đào tạo cho lao động nông thôn nhằm đảm bảo an sinh xã hội theo yêu cầu của địa phương. Nội dung này giao chỉ tiêu và kinh phí cho các địa phương tổ chức thực hiện.
Tại Bộ NNPTNT sẽ xây dựng mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động làm trong các DN; có liên kết sản xuất với DN, hợp tác xã. Bộ sẽ tổ chức mở 104 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động làm trong các DN và nông dân có tham gia liên kết sản xuất với DN, hợp tác xã. Đào tạo về kỹ thuật sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm chủ lực của quốc gia và sản phẩm chủ lực của địa phương, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tổ chức mở 16 lớp đào tạo nghề quản lý hợp tác xã cho trên 560 cán bộ hợp tác xã nông nghiệp ở các địa phương.
Cùng với đó, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng 2 chương trình, giáo trình nghề nông nghiệp công nghệ cao trình độ sơ cấp nghề. Tổ chức hội thảo về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tuyên truyền, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên trong năm 2018, Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 đã đưa ra các giải pháp cụ thể là tập trung chỉ đạo đào tạo nghề nông nghiệp theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; ưu tiên, bố trí phần lớn kinh phí trong kế hoạch cho đào tạo nghề nông nghiệp tại các vùng sản xuất hàng hóa có liên kết sản xuất giữa nông dân với DN, lao động làm việc tại các doanh nghiệp và lao động là thành viên hợp tác xã, lao động làm việc ở các trang trại.
Đối với đào tạo nghề cho mục tiêu an sinh xã hội cần gắn với các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn khác.