Cao Bằng: Nông dân chấp nhận rời xa cơ nghiệp để sống khỏe hơn
Khỏe hơn nhờ sống xa gia súc
Là địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn của tỉnh Cao Bằng, thế nhưng nhờ rốt ráo thực hiện hết năm 2017, huyện Thạch An đã hoàn thành đưa 100% chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở.
Anh Ngô Tiến Dũng, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Bản Muồng, xã Thị Ngân - một trong những xóm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở cho biết: Xóm có 56 hộ dân, trong đó có 47 hộ phát triển chăn nuôi. Trước đây người dân Bản Muồng có thói quen nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.
Đưa gia súc ra khỏi gầm sàn, xây chuồng nuôi kiên cố, quy củ là cách mà nhiều nông dân Cao Bằng lựa chọn để bảo vệ cuộc sống của mình. |
Năm 2016, thực hiện chủ trương của huyện về đẩy mạnh thực hiện công tác di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn, được Ủy ban MTTQ huyện phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân trong xóm về vệ sinh môi trường nông thôn và di dời chuồng gia súc được nâng cao. Nhờ vậy đến hết năm 2017, 100% hộ dân trong xóm đã đưa chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; môi trường sống được cải thiện đáng kể.
Anh Đinh Văn Lai, xóm Bản Muồng, xã Thị Ngân chia sẻ: Thời gian qua, được các cán bộ Ủy ban MTTQ huyện, Bí thư chi bộ xóm đến nhà tuyên truyền về những lợi ích của việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn, gia đình tôi đã chủ động thực hiện và còn trao đổi đất cho một số gia đình trong xóm để họ có quỹ đất xây dựng chuồng gia súc.
Rời Thạch An, chúng tôi tới nhà anh Hoàng Văn Tặng, xóm bản Khoòng, xã Lý Quốc (huyện Hạ Lang) khi gia đình anh vừa chuyển về nhà ở mới khoảng 1 tháng. Hiện tại bố mẹ anh vẫn ở ngôi nhà sàn cũ, phía dưới sàn vẫn đang nuôi nhốt 6 con bò. Còn ngôi nhà hiện tại anh ở được xây bằng gạch như kiểu nhà của người dưới xuôi.
Ngôi nhà cũ của anh Tặng, dưới gầm sàn là nơi nhốt gia súc. |
Anh chia sẻ: "Trước đây ở nhà cũ nuôi nhốt gia súc dưới gầm nên gây ô nhiễm môi trường, rất nhiều muỗi, dĩn, phải phun thuốc thường xuyên. Hằng ngày chất thải từ gầm sàn bốc mùi rất hôi thối, thậm chí còn cảm thấy ngạt thở, khó chịu".
Giống như anh Tặng, gia đình ông Bế Văn Thạch, xóm Niếng Noọc, xã Quang Hán (huyện Trà Lĩnh) cũng làm chuồng trại xa khu nhà ở. Tháng 7/2017, ông di dời toàn bộ số trâu, bò, lợn ra khỏi gầm sàn.
Ông chia sẻ: "Gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác trong thôn đều ở chung với gia súc. Tôi cứ nghĩ là sẽ không có khác biệt gì khi sống xa chúng. Thế nhưng, khi gầm sàn được láng xi măng sạch sẽ, tôi nhận thấy không khí khác hẳn, nhà cửa thoáng mát hơn, không còn mùi hôi thối. Con dĩn, con muỗi cũng ít đi, không còn quấy rầy mình nữa. Ăn cơm cũng thấy ngon miệng hơn".
Vẫn còn nhiều rào cản
Có thể khẳng định, việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn, xa nơi ở là việc làm đúng đắn, đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cho con người. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình ở Cao Bằng nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà, thậm chí nuôi, nhốt cả gia cầm trên sàn nhà, chỉ cách chỗ ngủ một bức vách.
Gia đình ông Ngô Văn Ích, ở xóm Nà Pô, xã Quang Hán là một trong số đó. Dưới gầm sàn nhà, ông nhốt trâu bò, còn trên sàn là một đàn ngan, chỉ cách chỗ ngủ của các thành viên trong gia đình một bức vách. Ngồi trong nhà ông khoảng 5 phút, mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi khiến tôi không thể thở được phải xin phép ra ngoài.
Trâu bò được chăn nuôi tốt hơn khi đưa ra khỏi gầm sàn. |
Ông Hoàng Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Quang Hán cho biết: "Chính quyền xã đã vận động người dân di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do phong tục tập quán nuôi nhốt từ xưa để lại trong khi nhận thức về môi trường sống của bà con còn rất thấp cộng với điều kiện kinh tế khó khăn, không có kinh phí làm chuồng trại".
Cũng theo ông Dương, xã Quang Hán có 16 xóm, chỉ có 2 xóm đồng bào Mông sinh sống không nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn cộng với 2 xóm vừa mới hoàn thành di dời gia súc là 4 xóm không còn gia súc ở gầm sàn nhà ở. Còn lại 12 xóm vẫn nguyên trạng người ở chung với gia súc.
Qua tìm hiểu tại một số thôn, bản, chúng tôi nhận thấy, bà con thường làm nhà san sát nhau. Giữa các nhà có rất ít khoảng trống, không còn diện tích để làm chuồng trại. "Có nhiều hộ muốn di dời gia súc ra khỏi gầm sàn, nhưng không còn quỹ đất để làm chuồng trại nên không thể di dời được" - ông Dương cho hay.
Trong khi đó, ở một số thôn có thể bố trí quỹ đất để bà con xây dựng chuồng trại cách xa nơi ở, tuy nhiên bà con vẫn còn tâm lý e ngại. Theo lý giải của ông Ngô Văn Ích: "Nếu để gia súc xa nhà thì rất khó quản lý, dễ bị mất trộm. Tôi đã mua được một khoảnh đất xa nhà ở nhưng vẫn chưa xây dựng chuồng nhốt trâu, bò là vì thế".
Thực tế cho thấy, cách vận động, thuyết phục kết hợp với hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình nghèo di dời gia súc ra khỏi gầm sàn đã thực sự đem lại hiệu quả bước đầu rất đáng khích lệ cần được tiếp tục nhân rộng. Vấn đề then chốt còn lại hiện nay trong việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà tại Cao Bằng là phải tạo được quỹ đất cho việc xây dựng chuồng trại với một quyết tâm chính trị rất cao.