Nông nghiệp phát triển, nông thôn khởi sắc
Dự kiến hết năm 2020, Thái Nguyên sẽ có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, nhưng bước vào giai đoạn 2016-2020 Thái Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn phải đối mặt. Bởi khi đó toàn tỉnh mới có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 7%.

Thực hiện Nghị quyết số 03 Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX; Các Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghệp, các chính sách hỗ trợ đặc thù. chủ trương đã đi vào thực tiễn. Tổng số vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016-2020 là hơn 8.729 tỷ đồng, hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng được hơn 455.000 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 8.000 km đường giao thông nông thôn. Hệ thống điện nông thôn đã phủ kín các khu vực trên địa bàn.

Anh Vương Trọng Thụy, người dân tộc Mông ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai vui mừng chia sẻ về sự kiện này ở quê mình: “Có điện làm gì cũng dễ. Đi đâu về tối có điện thắp sáng làm gì cũng nhàn. Có điện thì được xem ti vi để học hỏi thêm về trồng trọt và chăn nuôi”.

Giai đoạn vừa qua, kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực với sự sự kết nối giữa sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Các địa phương đã tiến hành cơ cấu lại sản xuất theo hướng khai thác tối đa thế mạnh, đi sâu vào chất lượng. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, dự kiến hết năm 2020, Thái Nguyên sẽ có thêm 25 sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đánh giá: ”Từ mẫu mã đến chất lượng sản phẩm trà của Thái Nguyên đã được nâng cao rõ rệt, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của thị trường trong nước và hướng tới thị trường xuất khẩu nước ngoài”.

Nông nghiệp phát triển, nông thôn khởi sắc
Thái Nguyên sẽ có thêm 25 sản phẩm được chứng nhận OCOP trong năm 2020.

Trên cơ sở đó, các tiêu chí về an ninh - quốc phòng, hộ nghèo, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Dự kiến hết năm 2020, Thái Nguyên sẽ có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới, (đạt tỉ lệ trên 70%). Với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, thì chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái nguyên đã về đích trước 1 năm. Số tiêu chí bình quân/xã, cao hơn mức trung bình của cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã không còn xã dưới 6 tiêu chí. Có 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gấp 03 lần mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Ngành nông nghiệp trong thời gian tới: “Đối với những xã ở địa bàn đặc biệt khó khăn thì phải đẩy mạnh việc hỗ trợ các nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Chúng tôi sẽ tập trung rà soát để nâng cao chất lượng quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với việc triển khai đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và các đề án phát triển các sản phẩm OCOP”.

Nông nghiệp phát triển, nông thôn khởi sắc
3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gấp 03 lần mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh.

Với quan điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược, nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể”, Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới một cách thực chất và bền vững với mục tiêu tiếp tục vững vàng ở vị trí dẫn đầu khu vực Miền núi phía Bắc trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh trong nhiệm kỳ./.