xuat khau lao dong khong nong nhung co dau hieu khoi sac
Trong ảnh: Thực hành nghề điện dân dụng tại Trường Trung cấp Nghề Nam Thái Nguyên.

Năm 2015, toàn tỉnh có trên 1,6 nghìn người đi xuất khẩu lao động đạt trên 160% so với kế hoạch đề ra. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, theo số liệu thống kê của các huyện, thành, thị, toàn tỉnh đã có 559 người đi xuất khẩu lao động, đạt gần 56% so với kế hoạch đề ra. Số lượng người đi xuất khẩu lao động trong những tháng đầu năm tuy chưa cao nhưng cũng là con số ổn định so với những năm gần đây.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến thời điểm này, lượng người đi xuất khẩu lao động đã tăng lên nhiều so với kết quả 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo quy định, các địa phương sẽ báo cáo mỗi năm 2 lần nên con số cụ thể ngành chưa thống kê chính xác. Theo dự đoán của cơ quan chuyên môn, đến hết năm 2016, toàn tỉnh sẽ có trên 1,1 nghìn người đi xuất khẩu lao động, cao hơn khoảng 10% so với kế hoạch đề ra. Ông Long cho biết thêm: Mặc dù lượng người đi xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh không nhiều nhưng không vì thế mà thị trường xuất khẩu lao động trên địa bàn kém sôi động. Trái lại, năm 2016 có thể được coi là năm khởi sắc khi các thị trường lao động truyền thống Việt Nam đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đầu tiên phải kể đến đó là một số thị trường được nhiều lao động người Thái Nguyên lựa chọn như: Đài Loan, Ả rập, Nhật Bản… đều có thu nhập ổn định và tăng nhẹ so với năm trước trong khi nhu cầu lao động tại các thị trường này đang tăng cao, thủ tục, hồ sơ nhanh gọn, chi phí ban đầu hợp lý.

Bên cạnh đó, năm 2016, thị trường lao động hấp dẫn là Hàn Quốc đã chính thức “mở cửa” trở lại đối với lao động Việt Nam. Động thái này của phía Hàn Quốc khiến cho thị trường xuất khẩu lao động trong cả nước thêm phần sôi động bởi đây vốn là đất nước được đông đảo người dân lựa chọn do có mức thu nhập cao, dao động trong khoảng từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Phan Văn Bình, Trưởng phòng Việc làm, An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), việc đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc vào thời điểm này khá khó khăn do nhu cầu người lao động tăng cao trong khi chỉ tiêu lao động người Việt Nam phía Hàn Quốc cần trong năm 2016 khá thấp. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 400 người lao động Thái Nguyên đăng ký đi xuất khẩu lao động tại thị trường Hàn Quốc trong khi chỉ tiêu của cả nước chỉ có hơn 3 nghìn lao động. Như vậy, theo ước đoán của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ có khoảng 10 đến 15% số lao động đăng ký có cơ hội đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc trong năm 2016.

Theo tìm hiểu của chúng tôi qua một số đơn vị đưa người đi xuất khẩu lao động, mặc dù thời điểm hiện tại khá khó khăn đối với người lao động muốn đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc nhưng với một số thị trường khác như Đài Loan, Nhật Bản, Ả rập… lại là thị trường tốt cho người lao động lựa chọn. Với thị trường Nhật Bản, hiện người lao động có thể tiếp cận với một số chương trình đi xuất khẩu lao động, thực tập kết hợp lao động với mức chi phí thấp trong khi có cơ hội thu nhập từ trên 20 triệu đồng/người/tháng.

Riêng với thị trường Đài Loan, 6 tháng đầu năm, đã có 351 người lao động Thái Nguyên đi xuất khẩu lao động tại đây và hiện đang có nhu cầu cao với các nghề cơ khí, xây dựng, hộ lý, giúp việc ra đình… Với thị trường này, ông Bùi Văn Huyên, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Đây là một trong những thị trường tốt và phù hợp với người lao động Thái Nguyên trong thời điểm hiện tại. Với thị trường này, người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động chỉ cần có trình độ tốt nghiệp THCS với tuổi đời từ 18 đến 40 tuổi đã có thể tìm kiếm cơ hội việc làm với mức thu nhập từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/người/tháng với mức chi phí ban đầu khoảng trên 90 triệu đồng.

Không được nhiều người lựa chọn như thị trường Đài Loan nhưng thị trường xuất khẩu lao động đi Ả Rập cũng có nhiều khởi sắc. Đã có 130 lao động người Thái Nguyên đi xuất khẩu lao động Ả rập trong 6 tháng đầu năm 2016. Xuất khẩu lao động đi thị trường này đang là sự lựa chọn hấp dẫn. Theo chính sách của Ả Rập, người lao động Việt Nam không những được đi xuất khẩu lao động miễn phí mà còn có cơ hội nhận được khoản hỗ trợ lên tới 18 triệu đồng/người đối với lao động nghề giúp việc gia đình. Theo ông Nguyễn Thành Long, mặc dù được đánh giá là rủi ro nhưng theo các số liệu thống kê, tỷ lệ rủi ro phải chuyển nghề, chuyển hợp đồng lao động chỉ vào khoảng 1% đối với nghề giúp việc gia đình tại Ả Rập. Bên cạnh đó, với yêu cầu về lứa tuổi lao động có thể lên tới 40 tuổi, đây sẽ là thuận lợi và là sự lựa chọn của người lao động là nữ công nhân khi quá tuổi lao động tại khu công nghiệp.

Để hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong năm nay, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động; ngành sẽ chú trọng giới thiệu những doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, uy tín để về các huyện, thành, thị tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục vận động doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn với người lao động để giảm, miễn một số loại chi phí tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm nay.