Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc chấp nhận khổ, không muốn hồi hương
Lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc, làm mất đi hàng nghìn cơ hội việc làm mới cho những người có nhu cầu xuất khẩu lao động.
Theo các chuyên gia trong ngành lao động, Hàn Quốc là một thị trường rất nhiều thuận lợi với lao động Việt Nam. Chi phí đi làm việc so với thị trường lao động ở nước khác thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình nông thôn. Thêm vào đó, Hàn Quốc cũng là thị trường dễ tính, công việc không đòi hỏi trình độ cao nhưng thu nhập lại được trả rất cao. Đây được xem là nguyên nhân khiến nhiều lao động Việt Nam dù đã hết thời hạn hợp đồng vẫn tìm cách ở lại, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng người đi lao động tại Hàn Quốc khá đông.
Những người từng làm việc tại Hàn Quốc trở về nước |
Giữa tháng 5, chúng tôi được ông Hoàng Quốc Hoàn- Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An dẫn đến thăm nhà ông Phan Văn Đức, 52 tuổi, ở xóm 10.
Nhíu đôi mày trên khuôn mặt rám nắng, ông Đức nhẩm tính: Hai sào lúa được khoảng 7,5 tạ thóc. Giá thóc 55.000 đồng/yến, tính ra được khoảng 4 triệu, chưa trừ chi phí phân gio, cấy hái. Một năm hai vụ, gia đình ông Đức chỉ đủ ăn chứ không lấy đâu dư dả. Đó là chưa kể thời tiết thay đổi thất thường, năm được mùa, năm mất mùa. Bởi thế nên nguồn thu nhập chính của gia đình ông Đức phần lớn trông chờ vào tiền cậu con trai tên Phan Văn Sắc, đi lao động ở Hàn Quốc gửi về.
“Con đi làm nước ngoài có những khoản thu chi cũng thoải mái hơn. Hàng tháng em gửi tiền về tương đương khoảng 22 triệu đồng. Số tiền đó gia đình ngoài chi tiêu một tháng còn lại góp cho các cháu sau này làm nhà, làm cửa mua đất để con cái học hành đỡ vất vả. Nghệ An ta bị cấm là một điều thiệt thòi, làm mất cơ hội của các cháu, vì đi được thì tất nhiên là được thu nhập vừa được gia đình, vừa xã hội”, ông Đức nói.
Từ khi con đi lao động tại Hàn Quốc, gia đình ông Đức không chỉ thoát nghèo mà còn trở nên khá giả. Ở Quỳnh Hậu có rất nhiều gia đình như vậy. Nguồn ngoại tệ từ người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đưa Quỳnh Hậu trở thành một trong những xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hiện tổng thu nhập của xã Quỳnh Hậu đạt gần 350 tỷ đồng/năm.
Những ngôi nhà cao tầng bề thế, khang trang được xây dựng bằng nguồn tiền của những lao động ở nước ngoài gửi về, đang đua nhau mọc lên ở Quỳnh Hậu, đủ để thấy hiệu quả của đi lao động nước ngoài với mỗi gia đình nơi đây. Tuy nhiên, thu nhập cao cũng chính là con dao hai lưỡi khi số lao động hết hạn hợp đồng không về nước ở Quỳnh Hậu khá lớn. Địa phương bị dừng không được tuyển lao động trong vài năm nay khiến nguồn thu của xã và đời sống của nhiều hộ gia đình cũng ảnh hưởng.
Lý giải về tình trạng lao động bất hợp pháp, ông Hoàng Quốc Hoàn, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An cho rằng: “Nguyên nhân cơ bản mà hiện nay người lao động không về là mức thu nhập quá cao so với lao động bình thường ở nhà. Cụ thể bình thường ở nhà làm chỉ được từ 7-10 triệu, ra làm có những tháng 20-30 triệu. Nguồn thu cho gia đình và địa phương rất lớn. Nước sở tại một số doanh nghiệp họ còn dung túng, bảo vệ cho lao động của mình ở lại. Lý do họ làm lâu năm, có kinh nghiệm không phải đào tạo,,sức khỏe, khí hậu quen họ làm được nhiều việc hơn. Bộ Lao động và Chính phủ cần nghiên cứu để có tác động với Hàn Quốc. Khó khăn tại gia đình, khi họ đi lao động được Hàn bỏ ra chi phí lớn, trung bình 100- 200 triệu cho lao động đi được. Sang bên làm trả được nợ, góp được 1 vài trăm triệu gửi về gia đình...”.
Số lao động bỏ trốn quá cao khiến cho vài năm trở lại đây có khoảng 40.000 người mất cơ hội đi Hàn Quốc. Mặc dù cơ quan quản lý lao động cũng đã ban hành nhiều chính sách như, từ tháng 11/2013, yêu cầu lao động trước khi đi sang Hàn Quốc làm việc phải ký quỹ 100 triệu đồng, về đúng hạn sẽ được nhận lại số tiền này cả gốc và lãi. Nếu không về đúng hạn thì khoản tiền này sẽ được chuyển vào Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm của địa phương. Cùng với đó, Nghị định 95 phạt hành chính tối đa 100 triệu đồng đối với lao động về nước không đúng hạn. Tuy nhiên, biện pháp ký quỹ bắt đầu áp dụng năm 2013, trong khi nhiều lao động bỏ trốn trước thời điểm này nên không ảnh hưởng việc ký quỹ. Thậm chí nhiều gia đình và người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc có suy nghĩ, nếu cố gắng làm việc trong hai ba tháng sẽ bù lại được số tiền ký quỹ này. Điều này đã khiến cho nhiều địa phương không biết cách nào để khuyên nhủ người lao động về nước.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc cho những huyện này và rất buồn vì huyện này số lượng lao động rất đông. Số anh em thiết tha điều kiện học hành tốt. Tuy do lao động không về nước con sâu để dầu nồi canh nhìn thấy vấn đề nhưng quá trình triển khai văn bản quy định hiệu quả có lúc giảm nhưng chưa được như mong muốn và chưa giảm đúng tỉ lệ được phép nên chưa thoát khỏi quy định đó nên số lao động này không được đăng ký. Đây là thiệt thòi cho lao động của tỉnh nhà. Nếu cho đăng ký vài ba nghìn lao động, năm trước chưa dừng có lúc hơn 3.000 lao động. Tỉ lệ thi đủ điều kiện rất tốt. Tỉ lệ đỗ dẫn đầu của các tỉnh”.
Theo Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Hàn Quốc đang là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam. Hiện Hàn Quốc tiếp nhận hơn 100 nghìn người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc, trong đó có hơn 40.000 lao động làm việc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là EPS). Gián đoạn mất 4 năm qua do tỷ lệ lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp quá cao, đến tháng 5/2016, Việt Nam và Hàn Quốc ký lại Bản ghi nhớ bình thường tiếp nhận lao động theo chương trình EPS và có giá trị trong 2 năm. Trong biên bản phía Hàn Quốc yêu cầu nếu Việt Nam không giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp xuống theo cam kết thì sẽ dừng không thực hiện chương trình đưa lao động sang làm việc.
Hàn Quốc đang là thị trường trọng điểm mà nhiều người lao động Việt Nam muốn sang làm việc. Vì vậy, để có thể phát triển ổn định và tiếp tục đưa người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp mạnh nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại, để không mất thị trường lao động này./.